Hướng tới mục tiêu thăng hạng bền vững chỉ số PAR Index
Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) – PAR Index năm 2020 của tỉnh ta bứt phá ấn tượng, đưa Hà Giang lần đầu tiên xếp hạng nhóm B của cả nước sau 9 năm kể từ khi chỉ số PAR Index được triển khai trên phạm vi toàn quốc (năm 2012). Đây là tiền đề quan trọng để cả hệ thống chính trị nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc quyết tâm, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu thăng hạng bền vững chỉ số PAR Index.
Tháng 6 vừa qua, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ công bố chỉ số PAR Index đối với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo đó, Hà Giang xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố, tăng 20 bậc so với năm 2019. Với tổng điểm PAR Index đạt 83,87%, tỉnh ta lần đầu tiên từ nhóm C (nhóm đạt 70% đến dưới 80%) vươn lên xếp hạng nhóm B toàn quốc (từ 80% đến dưới 90%). Ngay sau khi kết quả này được công bố, tại Hội nghị sơ kết công tác CCHC 6 tháng đầu năm; triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn - Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đã “đặt hàng”, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở trong việc khắc phục hạn chế, duy trì, giữ vững, nâng cao, thăng hạng bền vững chỉ số PAR Index.
Theo đó, 7 sở, ngành được Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì tham mưu các nội dung, lĩnh vực CCHC, như: Sở Tư pháp (lĩnh vực xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật); Văn phòng UBND tỉnh - lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính (TTHC), Sở Nội vụ (lĩnh vực chỉ đạo, điều hành CCHC, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, chế độ công vụ), Sở Thông tin và Truyền thông (xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số), Sở Kế hoạch và Đầu tư (lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, mức độ thực hiện các chỉ tiêu KT-XH do HĐND tỉnh giao)... Ngoài ra, để thăng hạng bền vững chỉ số PAR Index, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã cũng được “đặt hàng” trong việc tăng cường sự hài lòng của người dân, tổ chức (NDTC) đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (HCNN) – chỉ số SIPAS. Cùng với đó là yêu cầu cấp thiết trong việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của BTV Tỉnh ủy, Đề án của UBND tỉnh về đẩy mạnh CCHC, nâng cao chất lượng công vụ giai đoạn 2021 – 2025, Kế hoạch CCHC năm 2021, Chỉ thị số 623 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đổi mới tác phong, lề lối làm việc, nâng cao chất lượng thực thi nhiệm vụ công vụ trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh…
Trong tháng 7 vừa qua, Sở Nội vụ đã tổ chức đoàn kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính tại 10 xã, thị trấn thuộc các huyện: Vị Xuyên, Bắc Mê, Bắc Quang, Quang Bình và thành phố Hà Giang theo tinh thần Chỉ thị số 623 của Chủ tịch UBND tỉnh. Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trần Trọng Thủy, cho biết: Đoàn kiểm tra đã đổi mới phương pháp, tiến hành kiểm tra các cơ quan, đơn vị ở cơ sở; đồng thời, theo dõi, đánh giá công tác tự kiểm tra của UBND các huyện, thành phố để đánh giá chính xác việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB-CCVC). Qua kiểm tra cho thấy, đội ngũ CB- CCVC cơ bản chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ. Tuy nhiên, cá biệt tại một số cơ quan còn xảy ra tình trạng CB- CCVC chấp hành chưa nghiêm giờ giấc làm việc theo quy định; vẫn còn hồ sơ giải quyết TTHC quá hạn… Qua kiểm tra, đoàn kiến nghị đơn vị hữu quan tiếp tục quán triệt đầy đủ các văn bản chỉ đạo của cấp trên về kỷ luật, kỷ cương hành chính; phát huy vai trò trách, nhiệm người đứng đầu trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện…
Trên cơ sở Kế hoạch cải thiện và nâng cao chỉ số PAR Index năm 2021 của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị đã cụ thể hóa thành kế hoạch của ngành, cấp mình, đề ra giải pháp phù hợp để tổ chức thực hiện. Ví như Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh, kịp thời ban hành kế hoạch cải thiện và nâng cao chỉ số PAR Index, triển khai tới các phòng, đơn vị trực thuộc với nhiều nội dung quan trọng, như: 100% CCVC chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; phấn đấu 100% tỷ lệ hồ sơ TTHC thực hiện toàn bộ quy trình “5 tại chỗ” theo hình thức số hóa, ứng dụng chữ ký số. UBND 11 huyện, thành phố đã kịp thời ban hành kế hoạch, đề ra nhiều giải pháp quan trọng để góp phần cải thiện, nâng cao chỉ số PAR Index, tập trung vào nhiệm vụ cải cách thể chế, TTHC, tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, tài chính công; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; khảo sát, đánh giá chỉ số SIPAS. Phó Trưởng ban Thường trực ban Tổ chức – Nội vụ huyện Bắc Quang, Vũ Văn Tú chia sẻ: Dự kiến trong tháng 9 tới, huyện sẽ tiến hành điều tra, khảo sát chỉ số SIPAS. Để thu thập nhiều thông tin hữu ích và phản ánh chính xác thực trạng CCHC đang diễn ra tại địa phương, đối tượng khảo sát được lựa chọn có sự đa dạng, tập trung vào những đối tượng chịu tác động trực tiếp của các chính sách CCHC. Trên cơ sở đó, đánh giá khách quan chất lượng phục vụ, cung ứng dịch vụ công của các cơ quan HCNN thông qua ý kiến phản hồi của NDTC cũng như đề ra biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ, cung ứng dịch vụ công nhằm nâng cao sự hài lòng và lợi ích của NDTC…
Thực tế cho thấy, kết quả chỉ số PAR Index hàng năm trở thành công cụ quản lý quan trọng, phục vụ đắc lực trong công tác lãnh, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; giúp xác định rõ ưu điểm, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ CCHC. Kỳ vọng với sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chỉ số PAR Index năm 2021 của tỉnh ta tiếp tục thăng hạng bền vững.