Hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Sau 25 năm tái lập, từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy, cơ sở hạ tầng khó khăn, đến nay, Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, với nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; trong đó, 10/15 chỉ tiêu quốc gia được đánh giá xếp hạng top 10 và 5/15 chỉ tiêu đứng thứ nhất. Với sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, Bắc Ninh nhận được rất nhiều kỳ vọng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Xây dựng thành phố hiện đại, văn minh
Qua 25 năm quyết tâm vượt khó, nỗ lực vươn lên, không ngừng đổi mới, linh hoạt, sáng tạo của Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện của Trung ương, sự hỗ trợ các tỉnh bạn; phát huy truyền thống và sự chung sức, đồng lòng của các thế hệ người dân Bắc Ninh, quyết tâm xây dựng, kiến thiết quê hương giàu mạnh; Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Bắc Ninh lâm thời đã đề ra 10 nhiệm vụ cấp bách có ý nghĩa lịch sử trong những ngày đầu tái lập tỉnh. Bắc Ninh phát triển nhanh và toàn diện trên các lĩnh vực, trở thành cực tăng trưởng của vùng Thủ đô và vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ, đến nay, đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và là 1 trong 8 tỉnh, thành phố trong cả nước hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở cấp xã và cấp huyện, với nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Đào Hồng Lan
Những năm qua, kinh tế tỉnh Bắc Ninh liên tục tăng trưởng cao, đạt tốc độ bình quân 13,9%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu ngân sách năm 2021 đạt 33.260 tỷ đồng, gấp 168 lần năm 1997; thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 4 cả nước, là 1 trong 14 tỉnh được công nhận là tỉnh nông thôn mới. Hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị.
Hơn 2 năm qua, Bắc Ninh tập trung cao, linh hoạt trong phòng, chống dịch, nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, thích ứng với trạng thái “bình thường mới”. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế luôn được quan tâm chăm lo và đầu tư, tạo sự chuyển biến rõ nét, tích cực. Các giá trị văn hóa được bảo tồn, phát huy, trở thành động lực tăng trưởng của tỉnh; an sinh xã hội được bảo đảm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo năm 1997 là 10,35%, đến năm 2021 giảm còn 1,15%; là một trong các tỉnh dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài với 1.717 dự án FDI, tổng số vốn đăng ký đầu tư 21,2 tỷ USD.
Bắc Ninh đặt mục tiêu hướng tới xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng hiện đại, văn minh; từng bước vươn tầm là một đô thị có sức cạnh tranh mạnh mẽ trong nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hình mẫu về phát triển công nghiệp công nghệ cao.
Nắm bắt xu hướng phát triển mới, Bắc Ninh còn tự tin bổ sung tính chất “thông minh” cho đô thị trực thuộc Trung ương trong tương lai. Gắn với các định hướng lớn, đô thị tỉnh được quy hoạch thành 2 vùng là vùng nội thị - đô thị loại I, ở phía Bắc sông Đuống, gồm TP. Bắc Ninh, TP. Từ Sơn, huyện Tiên Du, Quế Võ, Yên Phong. Khu vực này phát triển theo hướng đô thị văn hóa - sinh thái - tri thức - thông minh; ưu tiên thu hút công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ hiện đại, chú trọng các ngành tài chính, thương mại, giáo dục, y tế, du lịch và logistics. Vùng ngoại thị ở phía Nam sông Đuống gồm 3 huyện Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài được định hướng là vùng nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, du lịch…
Hoàn thiện tiêu chí còn thiếu
Xét theo 5 tiêu chuẩn để đạt thành phố trực thuộc Trung ương, đến nay Bắc Ninh đáp ứng 3/5 tiêu chuẩn. Cụ thể, quy mô dân số từ 1,5 triệu người trở lên; diện tích tự nhiên; số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc và cơ cấu trình độ phát triển kinh tế - xã hội (cân đối thu, chi ngân sách; tỷ lệ hộ nghèo; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ). Có 2 tiêu chuẩn chưa đạt là khu vực dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương chưa được phân loại đạt tiêu chí của đô thị loại I; có 60% đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc là quận; 3 điểm của cơ cấu trình độ phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh Bắc Ninh đã rà soát, phân tích các tiêu chuẩn, nhóm điểm chưa đạt và đề xuất các dự án, công trình ưu tiên đầu tư, hoàn thiện theo đúng yêu cầu. Bên cạnh đó, cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức trong tiến trình đi lên thành phố trực thuộc Trung ương. Trước hết, việc xây dựng 5 đơn vị hành chính cấp huyện trở thành quận, đòi hỏi phải huy động nguồn lực lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Số đơn vị hành chính cấp xã lớn, lên đến 80 xã, phải trở thành phường thuộc quận. Đặc biệt, 46 xã của các huyện Tiên Du, Yên Phong và Quế Võ cần tập trung lượng vốn lớn để xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực này.
Để từng bước hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu, giai đoạn 2021 - 2030, Bắc Ninh tập trung cao cho công tác quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, hoàn thành việc nâng cấp các đô thị nhằm nâng cao tỷ lệ đô thị hóa. Tăng cường đầu tư, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị và nông thôn; chú trọng phát triển thiết chế văn hóa công nhân các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng để nâng cấp 5 đơn vị hành chính cấp huyện phía Bắc sông Đuống đạt tiêu chí quận.
Mặt khác, thành lập các khu công nghiệp mới; phát triển các khu đô thị lớn như khu Đông Nam TP. Bắc Ninh có diện tích khoảng 1.000ha; khu đô thị du lịch sinh thái văn hóa nghỉ dưỡng khoảng 1.400ha; khu đô thị du lịch Phật Tích 1.000ha, khu đô thị nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí Thuận Thành 1.200ha...
Để tăng tính liên kết vùng, ngành chức năng kiến nghị, tỉnh cần phối hợp với Hà Nội và các địa phương trong quy hoạch vùng Thủ đô thúc đẩy đầu tư các công trình hạ tầng kết nối vùng, nhất là hạ tầng giao thông và vận tải công cộng. Ngoài ra, cần ưu tiên phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế - đô thị...