Hướng tới Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam
Tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Lào đã trở thành mối quan hệ hiếm có trên thế giới. Năm 2022 là Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam. Hai bên đang phối hợp để tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa.
Trong khó khăn càng thêm gắn kết
Nhìn lại, năm 2021 là năm đặc biệt quan trọng của cả hai nước Việt Nam-Lào khi cùng tổ chức thành công đại hội đảng và bầu ra ban lãnh đạo mới tiếp tục lãnh đạo đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là năm đại dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp khiến cả Lào và Việt Nam phải căng sức để đối phó.
Tuy nhiên, khó khăn một lần nữa chỉ làm nổi bật hơn quan hệ đặc biệt dựa trên tinh thần “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” giữa hai nước Lào-Việt anh em.
Về quan hệ chính trị, ngoại giao, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hai nước vẫn giữ được đà và phát triển quan hệ trên các lĩnh vực.
Quan hệ chính trị tiếp tục phát triển tốt đẹp, hai bên phối hợp chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào; lãnh đạo cấp cao hai nước vẫn thường xuyên trao đổi, tiếp xúc dưới mọi hình thức linh hoạt; nổi bật là Việt Nam đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith thăm hữu nghị chính thức (28-29/6/2021), Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane thăm chính thức (6-8/12/2021) và Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith thăm chính thức (27-29/12/2021); Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm hữu nghị chính thức Lào (9-10/8/2021).
Hai bên phối hợp với Campuchia tổ chức thành công Cuộc gặp giữa Người đứng đầu ba Đảng cầm quyền Campuchia - Lào - Việt Nam (26/9/2021); các cơ quan, ban, ngành và địa phương hai nước đẩy mạnh tổ chức các cuộc họp trực tuyến nhằm trao đổi kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác.
Hợp tác phòng chống dịch Covid-19 giữa hai nước được thúc đẩy liên tục. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam hai lần hỗ trợ Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào ứng phó dịch Covid-19: lần 1 là 500.000 USD và các vật tư, trang thiết bị y tế với tổng giá trị 2 triệu USD (4/5/2021), cử đoàn chuyên gia y tế và đoàn chuyên gia Học viện quân y ta sang hỗ trợ Lào chống dịch (10-24/5/2021 và 3-20/5/2021); lần 2 là 2.150.000 USD cùng một số vật tư y tế trị giá khoảng 120.000 USD (25/10/2021).
Ngoài ra, một số bộ, ngành và địa phương Việt Nam cũng đã hỗ trợ các đối tác của Lào trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào hỗ trợ 300.000 USD giúp Việt Nam ứng phó với dịch Covid-19; một số cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp của Lào cũng hỗ trợ khoảng 1,4 triệu USD để giúp các địa phương Việt Nam chống dịch.
Hợp tác quốc phòng, an ninh song phương tiếp tục được tăng cường. Hai bên tiếp tục phối hợp bảo đảm an ninh, duy trì đường biên giới hòa bình, hữu nghị; tổ chức Giao lưu nghị quốc phòng, biên giới Việt Nam - Lào lần thứ nhất (12/12/2021); tăng cường kiểm soát biên giới, ngăn chặn nhập cảnh trái phép nhằm hạn chế lây lan dịch Covid-19; phối hợp tìm kiếm, quy tập và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào trong thời kỳ chiến tranh.
Các tỉnh có chung đường biên giới hai nước tiếp tục tăng cường kiểm soát biên giới, ngăn chặn việc nhập cảnh trái phép nhằm nỗ lực phòng tránh làn sóng lây lan dịch bệnh Covid-19 sau đợt bùng phát diện rộng gần đây tại Lào.
Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư cũng tiếp tục được duy trì tốt trong bối cảnh dịch bệnh.
Kim ngạch thương mại thương mại hai chiều 11 tháng đầu năm 2021 đạt 1,2 tỷ USD, tăng 33,6%; đầu tư của Việt Nam sang Lào có 209 dự án với tổng vốn đăng ký 5,16 tỷ USD, trong năm 2021, có 3 dự án cấp mới và 2 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn đăng ký là 47,84 triệu USD.
Hợp tác giáo dục đào tạo luôn được quan tâm, Bộ Giáo dục hai nước đã ban hành Đề án hợp tác giáo dục Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2030.
Năm 2021, Việt Nam dành 1.220 suất học bổng cho cán bộ, học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam, Lào dành cho Việt Nam 60 học bổng. Tổng số lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam là hơn 16.600 người (diện thỏa thuận Chính phủ hơn 4000 người), gấp đôi so với 5 năm trước.
Hợp tác giữa các địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới được chú trọng, đặc biệt trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn tại các khu vực biên giới hai nước.
Trong hợp tác khu vực và quốc tế, hai bên phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn hợp tác, nhất là trong khuôn khổ ASEAN, Liên hợp quốc và các cơ chế tiểu vùng.
Gắn bó thủy chung suốt chặng đường lịch sử
Năm 2022 là Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam. Hai bên sẽ phối hợp tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa, thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị bền chặt.
Là hai nước láng giềng núi sông liền một dải, quan hệ gắn kết anh em giữa hai dân tộc đã được hình thành và hun đúc trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Đặc biệt, trong hơn tám thập niên qua, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Suphanouvong đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo kế tục của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, đã trở thành tài sản vô giá của cả hai dân tộc và là quy luật phát triển chung của hai nước trên con đường phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Nhìn lại chặng đường lịch sử hào hùng đã qua, Việt Nam và Lào có thể tự hào về quá trình hình thành và phát triển của mối quan hệ đặc biệt, hiếm có giữa hai dân tộc. Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng đất nước, hai dân tộc anh em đã kề vai sát cánh, chung lưng đấu cật, nhường cơm sẻ áo, thậm chí nhường nhau tính mạng để cùng đi tới thắng lợi cuối cùng.
Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ ân tình của nhân dân Lào khi tự nguyện rời nhà cửa, bỏ nương rẫy lùi sâu vào rừng để con đường Hồ Chí Minh phía Tây Trường Sơn vươn dài khắp 7 tỉnh từ Trung đến Nam Lào, để hàng triệu tấn hàng từ miền Bắc theo những đoàn xe vận tải, theo vai thanh niên xung phong vào tận miền Nam phục vụ chiến trường.
Chia sẻ về nghĩa tình Lào-Việt qua con đường Tây Trường Sơn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Lào, Đại tướng Chansamone Chanyalath cho biết: “Chúng tôi đã dành toàn bộ đất đai của 4 tỉnh và nhiều huyện ở miền Nam để các đồng chí Việt Nam sử dụng trong việc xây dựng lực lượng, vận chuyển quân, vật tư, thiết bị kỹ thuật ra chiến trường. Bom đạn Mỹ đã phá hoại con đường này một cách nặng nề, các tỉnh Bolykhamsay, Khammuan, Savannakhet, Salavan, Sekong, Attapeu đã bị bom đạn địch tàn phá nặng nề, hủy diệt cả làng cả huyện, ở Việt Nam thì cũng vậy”.
Đại tướng Chansamone khẳng định: “Đây là tuyến đường chiến lược quan trọng nhất của Lào và Việt Nam, là tuyến đường tương thân tương ái và hữu nghị giữa hai nước nói chung và hai quân đội nói riêng, thể hiện tình đoàn kết đặc biệt giữa hai quân đội và hai nước Việt Nam và Lào anh em”.
Không chỉ góp phần to lớn, làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam, đường Tây Trường Sơn cũng đã giúp cách mạng Lào nhanh chóng giành được chính quyền về tay nhân dân với tổn thất ít nhất vào ngày 2/12/1975.
Bước vào thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng đất nước trong hòa bình và quá độ đi lên CNXH, quan hệ hai nước chuyển từ đoàn kết trong chiến đấu chống kẻ thù chung, sang quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.
Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác
Ngày 18/7/1977, hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác. Hiệp ước có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tăng cường và mở rộng mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào trong thời kỳ mới; tạo cơ sở để hai bên tiến tới ký kết hàng loạt các thỏa thuận hợp tác sau này.
Trong quá trình hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau sau chiến tranh, theo đề nghị của Lào, Việt Nam tiếp tục cử nhiều đoàn chuyên gia sang giúp bạn bảo đảm an ninh, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất và phát triển kinh tế.
Quan hệ hợp tác, giúp đỡ, hỗ trợ đó được thực hiện trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; đề cao ý chí tự lực, tự cường, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi.
Trao đổi về sự hỗ trợ và giúp đỡ của chuyên gia Việt Nam tại Lào, cả trong chiến tranh cũng như sau ngày hai nước giành độc lập, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Lào, Thượng tướng Vilay Lakhamphong cho biết, trong quá trình 60 năm xây dựng và trưởng thành của Lực lượng công an Lào (4/1961-4/2021), các chuyên gia công an Việt Nam đã giúp Lào trên rất nhiều lĩnh vực, như giúp xây dựng lực lượng, đảm bảo an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội… đến nay Bộ Công an Việt Nam vẫn tiếp tục hỗ trợ Lào về cơ sở vật chất, giải quyết những vấn đề khó khăn, những công tác còn tồn đọng chưa giải quyết được...
Thượng tướng Vilay Lakhamphong khẳng định cách mạng Lào trong suốt những năm tháng qua không thể thiếu sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bạn Việt Nam và cách mạng Việt Nam cũng không thể thiếu sự giúp đỡ của nhân dân Lào.
"Tình đoàn kết giữa hai nước chúng ta trở thành mối quan hệ hiếm có trên thế giới, là mối quan hệ mà các nước trên thế giới không có được, trở thành truyền thống, tài sản vô giá của hai nước chúng ta”, Thượng tướng Vilay Lakhamphong kết luận.