Hướng tới nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thông minh
Những năm qua, việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là yếu tố mang tính quyết định cho sự phát triển của Ðơn Dương, góp phần về đích nông thôn mới (NTM). Và hiện nay, Ðơn Dương tiếp tục có những bước phát triển mới hướng tới nền NNCNC theo hướng thông minh.
Lực đẩy từ NNCNC
Nếu như trước khi bắt đầu xây dựng NTM, thu nhập bình quân ở Đơn Dương 16,4 triệu đồng/người/năm thì hiện nay đã lên tới 62 triệu đồng/người/năm và toàn huyện còn 441 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,87%. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương: Diện tích canh tác rau, hoa trên địa bàn toàn huyện lên đến trên 26.000 ha, trong đó diện tích sản xuất NNCNC chiếm 86,4%, đạt giá trị thu nhập bình quân trên 300 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có những mô hình đạt trên 1 tỷ đồng đồng/ha/năm. Đáng nói hơn, hiện 25% sản lượng nông sản toàn huyện được ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định.
Bên cạnh đó, Đơn Dương có trên 12 ngàn con bò sữa, trong đó gần 6 ngàn con đang khai thác với sản lượng sữa bình quân 100 tấn/ngày và trên 95% lượng sữa được các công ty thu mua ổn định với tổng doanh thu từ nguồn sữa đạt 1,3 tỷ đồng/ngày. Điểm qua một vài con số để thấy, kết quả đạt được trong các năm qua ở Đơn Dương phần lớn nhờ thành quả đến từ nền NNCNC của huyện.
Bà Lê Thị Bé - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương khẳng định: “Nếu đánh giá về tính chất kiểu mẫu về NNCNC thì huyện Đơn Dương đã trở thành một điển hình tiêu biểu. Đó là lý do Đơn Dương được các địa phương trong và ngoài tỉnh chọn làm điểm tham quan, học tập. Và Trung ương chọn Đơn Dương là một trong 4 huyện thí điểm xây dựng NTM kiểu mẫu trong toàn quốc”.
NNCNC thông minh - hướng đi tất yếu
Là một nông dân đã sớm thành công với sản xuất NNCNC, năm 2016 anh Bùi Ngọc Cung (xã Lạc Lâm) tiếp tục tiên phong trong việc ứng dụng IoT (ứng dụng mạng lưới thiết bị kết nối internet) cho 2 ha sản xuất nông nghiệp của gia đình. Anh Cung cho biết: “Việc sản xuất nông nghiệp theo hướng thông minh được hiểu là ứng dụng các khoa học kỹ thuật hướng tới tự động hóa nhằm giảm tối đa sức người và các định lượng về nước tưới, phân bón… được máy móc lập trình nên độ chính xác tuyệt đối”. Ông Trương Quang Kiên - Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Lâm cho biết: “Hiện nay, nông dân xã Lạc Lâm cũng đã bắt đầu tiếp cận với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp để kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp nông sản địa phương có thể tiếp cận các thị trường khó tính”.
Đó có thể xem là những bước đi đầu của các địa phương và chính người nông dân, nhằm hướng tới xây dựng huyện Đơn Dương đạt NTM kiểu mẫu về NNCNC theo hướng thông minh giai đoạn 2019 - 2025.
Bên cạnh Lạc Lâm, xã Quảng Lập cũng được huyện tập trung thí điểm trong xây dựng NNCNC theo hướng thông minh. Ông Nguyễn Bình Trị - Bí thư, Chủ tịch UBND xã Quảng Lập nói: “Phát triển sản xuất NNCNC theo hướng thông minh là cơ sở, điều kiện đưa năng suất, chất lượng hiệu quả sản xuất tăng cao trên mức quy chuẩn trong sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường và hội nhập. Đồng thời trong thực hiện phải lấy nông dân làm chủ thể, lấy khoa học công nghệ làm then chốt, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, tổ hợp tác làm nền tảng để phát triển nông nghiệp bền vững”. Hiện Quảng Lập đang đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, tạo điều kiện để nông dân được tham gia các khóa tập huấn chuyên sâu về vấn đề này. Bên cạnh đó, Quảng Lập cũng bắt đầu xây dựng các mô hình thí điểm và hiện đã có gần 20 hộ đăng ký và khi mô hình này thành công mới tiến tới nhân rộng trong Nhân dân vào những năm tiếp theo.
Song song việc chọn xã điểm, Đơn Dương cũng đã và đang bắt tay xây dựng nền NNCNC theo hướng thông minh bằng cách tăng cường đầu tư, áp dụng công nghệ thông minh, tự động hóa, điều khiển từ xa thông qua internet... trong sản xuất chế biến. Qua đó, xác định rõ lộ trình trước mắt đó là, bên cạnh việc nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, huyện cũng đã tập trung triển khai các giải pháp nhằm nâng cao năng suất lao động cũng như hiệu quả sử dụng vốn; tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề nhằm giúp nông dân tiếp cận, nắm bắt được các tiến bộ khoa học kỹ thuật; triển khai mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong điều khiển tưới tự động trên cây rau và tập trung phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, hoa, bò sữa... để nhân rộng. Đồng thời, liên kết với nhiều công ty, doanh nghiệp lớn để vừa tạo điều kiện ổn định đầu ra, vừa làm động lực cho nông dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp.
Xây dựng nền NNCNC theo hướng thông minh là hướng đi tất yếu được huyện Đơn Dương xác định rõ, nhưng quan trọng hơn huyện cần đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, sự hưởng ứng đồng lòng từ nông dân trong triển khai thực hiện mới đi đến thành công.