Hướng tới Ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10: Vai trò của người đứng đầu trong công cuộc chuyển đổi số
Vai trò của người đứng đầu quyết định phần nhiều đến thành bại của quá trình chuyển đổi số tại mỗi đơn vị.
Kể từ khi Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia (Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020) đã có nhiều bộ/ngành, doanh nghiệp bắt tay vào xây dựng, thực hiện kế hoạch chuyển đổi số cho đơn vị mình. Việt Nam là một trong các quốc gia đang chuyển đổi số một cách quyết liệt và cũng đã bước đầu thành công.
Từ kinh nghiệm của người đang tham gia vào chương trình hành động của một số địa phương về chuyển đổi số, cũng từng là người tham gia quản lý nhà nước về hoạt động khoa học công nghệ, Tiến sĩ Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam khẳng định vai trò của người đứng đầu quyết định phần nhiều đến thành bại trong chuyển đổi số tại mỗi đơn vị, tổ chức.
Khái niệm "người đứng đầu" trong chuyển đổi số
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Tiến sĩ Nguyễn Quân đã khẳng định, chuyển đổi số là vấn đề quan trọng nhất của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Không ai có thể dự báo được khi nào chúng ta hoàn thành được chương trình chuyển đổi số quốc gia. Vì vậy, nó đòi hỏi người lãnh đạo quản lý phải đồng hành với chương trình này với thời gian đủ dài. Tuy nhiên trong hệ thống của chúng ta hiện nay thì có thể nói đây cũng là điểm thách thức.
Tiến sĩ Nguyễn Quân giải thích, trong giai đoạn hiện nay, có nhiều biến động trong công tác tổ chức và cán bộ, đặc biệt là công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cho nên nhiều lãnh đạo tỉnh/huyện không đảm nhiệm được công việc hết nhiệm kỳ, thậm chí là vài ba năm đã được điều động đi địa phương khác, cơ quan khác.
Vì vậy, theo ông, khái niệm người đứng đầu trong chuyển đổi số cần phải hiểu theo xu hướng mang tính tượng trưng - vị trí của người đứng đầu chứ không hẳn là một con người cụ thể.
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu. Tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân đều có trách nhiệm trong việc thực hiện quá trình chuyển đổi số.
Tiến sĩ Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam
Ở địa phương, khi đã thống nhất trong tập thể lãnh đạo, cùng một ý chí thì phải xác định vị trí đứng đầu hệ thống chính trị và hệ thống hành chính cho dù là ai cũng phải tuân thủ ý chí của tập thể lãnh đạo. Nó phải được thể hiện trong nghị quyết của tỉnh ủy, hội đồng nhân dân. Lộ trình chuyển đổi số hướng tới mục tiêu chuyển đổi số của địa phương cũng phải được tuân thủ, cho dù ai được giao đảm nhiệm chức vụ bí thư Tỉnh ủy hay chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Như vậy tính kế thừa mới phát huy được, mới có đủ căn cứ pháp lý, đủ uy tín chuyên môn cũng như ý chí chính trị để thực hiện bằng được chương trình chuyển đổi số của địa phương mình.
4 tố chất của người đứng đầu trong chuyển đổi số
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quân, những tố chất của người lãnh đạo trong tiến trình chuyển đổi số là:
Thứ nhất, đó là tầm nhìn. Người lãnh đạo cần nhận thức được vai trò quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển của địa phương, của quốc gia. Người đó cần có kiến thức đủ rộng về chuyển đổi số. Tất nhiên không phải là một chuyên gia có kiến thức chuyên môn sâu về chuyển đổi sổ, không nhất thiết phải biết blockchain là công nghệ gì, trí tuệ nhân tạo vận hành ra sao, nhưng ít nhất nội hàm của chuyển đổi số cần phải nắm được. Người đứng đầu phải biết cần làm gì để thúc đẩy chuyển đổi số ở địa phương mình, phải bắt đầu từ đâu, sử dụng quyền lực, nguồn lực của mình như thế nào?
Thứ hai, người lãnh đạo phải tập trung được quyền lực trong tay mình, cùng với tập thể lãnh đạo, với địa phương thực hiện mục tiêu chuyển đổi số. Nếu như không có đủ quyền lực và ý chí để theo đuổi mục tiêu đó thì chắc chắn khó thành công.
Thứ ba, người lãnh đạo biết dùng người, tập hợp được những người tâm huyết nhất, những chuyên gia giỏi nhất của địa phương, của tổ chức mình để xây dựng chương trình chuyển đổi số một cách khoa học nhất, khả thi nhất.
Thứ tư, người đứng đầu phải dám chấp nhận thách thức, mạo hiểm. Bởi chuyển đổi số là cuộc cách mạng, khả năng thành công và khả năng thất bại là 50/50. Nếu chúng ta có quyết tâm, có người lãnh đạo đủ tầm, có nguồn lực thì tỷ lệ thành công cao hơn. Nhưng không ai khẳng định được nó có thành công 100% hay không. Do đó người đứng đầu phải chấp nhận thách thức, gần như là người bảo lãnh về mặt chính trị cho những người được giao nhiệm vụ thực hiện chủ trương chuyển đổi số của địa phương mình. Trong chừng mực nào đó còn phải chấp nhận hy sinh cả quyền lợi chính trị.
Tiến sĩ Nguyễn Quân dẫn chứng, nguyên Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú Kim Ngọc trước đây khi thực hiện khoán hộ cho nông dân đã phải chịu kỷ luật của Đảng. Tuy nhiên hành động của nguyên Bí thư Kim Ngọc đã mở đầu cho một giai đoạn đổi mới của Đảng và cho đất nước chúng ta, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, thiếu đói, trở thành cường quốc xuất khẩu gạo.
Thành công của chuyển đổi số phụ thuộc nhiều vào vai trò của người đứng đầu
Tiến sĩ Nguyễn Quân khẳng định, vai trò của người đứng đầu bao giờ cũng là yếu tố hết sức quan trọng, đôi khi là vai trò quyết định trong một cuộc cách mạng. Thành công của mọi cuộc cách mạng đều gắn liền với vai trò của người đứng đầu - hay còn gọi là thủ lĩnh, mà chuyển đổi số cũng là một cuộc cách mạng, một cuộc cách mạng về trí tuệ. Nếu không có người đứng đầu đủ bản lĩnh, trí tuệ và tập hợp được những người giỏi nhất thì không thể có sự thành công của các quốc gia mới công nghiệp hóa (NIC) như Hàn Quốc, Singapore,…
Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 mà cốt lõi là chuyển đổi số cần một thời gian đủ dài để đạt được những mục tiêu vĩ đại của nó. Điều này đòi hỏi người lãnh đạo phải có tầm nhìn xa, có ý chí và theo đuổi đến cùng mục tiêu của mình. Nếu thế hệ lãnh đạo sau không tiếp tục được tư duy và nhận thức của thế hệ trước, rất có thể công cuộc chuyển đổi số sẽ bị buông rơi giữa chừng và đất nước sẽ không bắt kịp con tàu 4.0 cùng thế giới.