Hướng tới phục hồi quần thể của các loài thú móng guốc cực kỳ nguy cấp
Nhằm phục hồi quần thể của các loài thú móng guốc cực kỳ nguy cấp thông qua chương trình nhân nuôi bảo tồn, tái thả và phục hồi, quản lý hiệu quả sinh cảnh, ngày 22/11, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển phối hợp với Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học tổ chức cuộc họp tham vấn hoàn thiện 'Nhân nuôi, tái phục hồi quần thể các loài hươu vàng và nai cà-tông, mang lớn, mang trường sơn ở Việt Nam'.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, cuộc họp là không gian để chia sẻ nội dung Đề án đến các đại biểu quan tâm, từ đó thu thập các bài học kinh nghiệm, củng cố hơn về mặt kỹ thuật, thực hành cho việc nhân nuôi, tái thả không chỉ các loài thú móng guốc mà còn nhiều loài thú khác đang bị suy giảm hoặc đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên và tái thả chúng về các vùng phân bố cũ có điều kiện sinh cảnh phù hợp ở Việt Nam.
Loài hươu vàng và nai cà-tông, mang lớn, mang trường sơn là các loài thú móng guốc thuộc Họ hươu nai, Bộ thú móng guốc ngón chẵn. Đây cũng là các loài có vùng phân bố tương đối hẹp ở khu vực Đông Nam Á. Ở Việt Nam, các loài thú này chỉ phân bố ở vùng Trung và Nam Trường Sơn. Hiện tại, đây cũng là các loài thú đang gặp nguy cơ tuyệt chủng do săn, bắt trái phép và mất vùng sống. Tuy quần thể bị suy giảm ở mức nghiêm trọng và có thể đã tuyệt chủng ở nhiều khu vực nhưng rất ít nghiên cứu và nỗ lực bảo tồn đã được thực hiện cho các loài thú móng guốc quan trọng này.
“Cho đến nay, chưa có đề xuất bảo tồn hay biện pháp can thiệp nào nhằm phục hồi quần thể cho các loài này ở Việt Nam. Chính vì sự lãng quên đó, cùng với áp lực từ các hoạt động săn, bẫy trái phép nên quần thể của chúng ngày càng suy giảm. Nếu không có các nỗ lực bảo tồn mạnh mẽ hơn, các loài thú này có nguy cơ biến mất và tuyệt chủng một cách lặng lẽ và có thể quá muộn nếu không có hoạt động can thiệp nào được thực hiện trong 5 năm tới nhằm bảo vệ và phục hồi các quần thể và cá thể cuối cùng của các loài thú móng guốc này ở Việt Nam”, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển cho rằng, Đề án hướng tới xây dựng được một chương trình nhân nuôi bảo tồn cho bốn loài trong họ hươu nai và quy trình tái thả, giám sát. Từ đó, thực hiện tái thả theo giai đoạn các cá thể đó về các vùng phân bố theo từng giai đoạn. Từ các kinh nghiệm tái thả này, sẽ tập hợp được các bài học kinh nghiệm và đưa ra được quy trình kỹ thuật cho việc mở rộng và phục hồi các loài động vật nguy cấp khác trong tương lai.
Trong dự thảo đề xuất này, một trình tự về quy trình chọn giống, nhân nuôi bảo tồn, chọn sinh cảnh và tái thả các loài thú móng guốc nêu trên về các vùng phân bố cũ. Quy trình đề xuất cho việc tái thả cũng đảm bảo tính nghiêm ngặt của các khâu thực hiện, đặc biệt đánh giá chi tiết khả năng tái thả, tính khả thi, các rủi ro và giám sát sau tái thả. Đối với việc nhân giống bảo tồn, quy trình cũng chặt chẽ từ khâu chọn giống, nhân nuôi, đánh giá các cá thể có thể lựa chọn cho việc tái thả về sức khỏe, thể trạng và di truyền.
Các hoạt động nhân nuôi tái thả cần được thực hiện sớm nhằm hoàn thiện quy trình kỹ thuật, để có thể hiện thực hóa các hoạt động nhân nuôi, tái phục hồi quần thể các loài thú móng guốc nguy cấp và nhiều loài động vật khác đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên.
Tại cuộc họp, các đại biểu cũng thảo luận về cơ hội bảo tồn và phục hồi quần thể các loài thú móng guốc cực kỳ nguy cấp; đồng thời đề xuất các hoạt động nhân nuôi và tái thả.