Hướng tới phục vụ người dân ngày một tốt hơn

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các thành tựu đạt được trong lộ trình xây dựng chính phủ điện tử cho thấy tác động tích cực của mô hình này với các doanh nghiệp cũng như người dân. Vì thế, dù còn không ít thách thức, chúng ta vẫn cần quyết tâm thực hiện thành công mô hình này, để từ đó xây dựng một quan hệ minh bạch, dân chủ giữa chính quyền và nhân dân.

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các thành tựu đạt được trong lộ trình xây dựng chính phủ điện tử cho thấy tác động tích cực của mô hình này với các doanh nghiệp cũng như người dân. Vì thế, dù còn không ít thách thức, chúng ta vẫn cần quyết tâm thực hiện thành công mô hình này, để từ đó xây dựng một quan hệ minh bạch, dân chủ giữa chính quyền và nhân dân.

Theo định nghĩa của Ngân hàng thế giới (World Bank), chính phủ điện tử là khái niệm dùng chỉ việc hoạt động của các cơ quan thuộc chính phủ sử dụng một cách có hệ thống công nghệ thông tin và viễn thông để thực hiện các quan hệ với công dân, doanh nghiệp và các cơ quan hành chính; những công nghệ này nhằm cải thiện giao dịch giữa Nhà nước với công dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý, giảm chi phí và hạn chế tham nhũng thông qua tăng cường công khai và minh bạch. Hiện có một số quan điểm khác nhau về chính phủ điện tử, song đều có một điểm chung là nhờ sự công khai, minh bạch thông tin mô hình này sẽ xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp giữa chính phủ và người dân. Những ý kiến phản hồi của người dân thu thập được khi tham gia các hình thức hoạt động của chính phủ điện tử sẽ giúp chính phủ khắc phục những hạn chế, thiếu sót, nâng cao tính minh bạch và dân chủ. Tuy nhiên, cần hiểu về bản chất, chính phủ điện tử không chỉ đơn thuần là máy tính hay in-tơ-nét (internet), mà là một sự đổi mới toàn diện các quan hệ (nhất là quan hệ giữa chính quyền với công dân), thông qua đổi mới các nguồn lực, quy trình cũng như phương thức hoạt động... Yếu tố mới cơ bản nhất trong mối quan hệ giữa chính quyền và người dân là sự minh bạch, công khai, thuận tiện, bảo đảm sự kiểm soát, giám sát lẫn nhau giữa công dân với Chính phủ. Từ đó, tạo ra điều kiện thuận lợi hơn cho người dân thực hiện quyền dân chủ và tham gia quản lý nhà nước.

Trên thế giới, chính phủ điện tử là mô hình đang được thực hiện ngày càng rộng rãi ở các quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo Tổ chức Khảo sát liên quốc gia (United Nation E-Government Survey), so sánh về sự phát triển của chính phủ điện tử tại các châu lục trên thế giới, thì khu vực châu Âu hiện đang đứng đầu, tiếp theo là châu Mỹ, cuối cùng là châu Á, châu Đại Dương. Đánh giá chủ yếu dựa vào chỉ tiêu về khoảng cách số giữa các vùng trong khu vực, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý các dịch vụ công, tiêu chí về đào tạo và kiến trúc hạ tầng của công nghệ thông tin trong khu vực. Tại Việt Nam, ngày 14-10-2015, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết 36a/NQ-CP về xây dựng chính phủ điện tử với những nội dung chủ yếu, như: xây dựng hệ thống thông tin điện tử thông suốt, kết nối liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử Chính phủ đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; 100% số dịch vụ công được cung cấp trực tuyến; xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia trên internet... Qua hai năm thực hiện Nghị quyết này, Việt Nam đã có những thành tựu bước đầu, từ cấp Trung ương đến địa phương đều có những tiến bộ đáng kể. Tính đến tháng 6-2017, việc thực hiện những nhiệm vụ chung của Nghị quyết 36a đã được các bộ, ngành, địa phương cơ bản hoàn thành. Cụ thể, có 29 trong số 30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã lập kế hoạch hành động xây dựng chính quyền điện tử.

Đến nay, tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đã kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản tới Văn phòng Chính phủ, hình thành một hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất thông suốt từ trung ương tới các địa phương cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa các cơ quan. Nhiều địa phương trên cả nước đã bước đầu vận hành thành công hệ thống chính quyền điện tử. Sau các nỗ lực thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, TP Hà Nội đã có những chuyển biến cơ bản, mang lại nhiều giá trị tích cực với người dân cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn. Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, tất cả dịch vụ công liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp đều có thể thực hiện trên internet như đăng ký thành lập doanh nghiệp, kê khai và nộp thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đăng ký quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng... 100% số sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn của Hà Nội đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản kết nối, liên thông trên môi trường mạng. Hà Nội đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân để triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và phục vụ công tác quản lý điều hành. Hiện, thành phố triển khai cổng dịch vụ công trực tuyến cung cấp các dịch vụ công mức 3, 4 trên một nền tảng thống nhất đồng bộ tại 30 quận, huyện, 584 xã, phường... Tương tự, từ năm 2014, TP Đà Nẵng cũng đã vận hành hệ thống thông tin chính quyền điện tử đạt nhiều hiệu quả. Nhiều ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người dân như: hệ thống quản lý xe buýt công cộng, hệ thống điều khiển giao thông và ca-mê-ra thông minh. Đà Nẵng cũng đã thành lập nhiều trung tâm, khu công viên phần mềm, khu công nghệ thông tin tập trung, xây dựng chính sách thu hút doanh nghiệp công nghệ thông tin đến đầu tư, làm việc. Có thể thấy, mô hình chính quyền điện tử ở Đà Nẵng đã đem lại hiệu quả thực tế cho người dân khi giao dịch với cơ quan Nhà nước. Người dân có thể sử dụng các dịch vụ trên mạng, thực hiện các thủ tục hành chính công trực tuyến, tra cứu các dữ liệu của Nhà nước một cách công khai và minh bạch.

Từ nỗ lực của Việt Nam trong quá trình xây dựng chính phủ điện tử, Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ. Theo báo cáo về phát triển chính phủ điện tử tại các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc công bố năm 2016, Việt Nam từ nhóm các nước có chỉ số phát triển trung bình sang nhóm các nước có chỉ số phát triển cao, tăng 10 hạng trong bảng xếp hạng chung, xếp thứ 89 trong số 193 quốc gia, vùng lãnh thổ; chỉ số thành phần về cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam được đánh giá ở mức cao với 0,57 điểm, xếp thứ tư trong khu vực Đông - Nam Á. Tuy nhiên, việc xây dựng chính phủ điện tử tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Theo các chuyên gia, vướng mắc nhất trong việc xây dựng chính phủ điện tử ở Việt Nam là cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn nhiều yếu kém, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới công nghệ thông tin. Cán bộ phụ trách công nghệ thông tin ở các sở, ngành, địa phương hầu hết chưa có kinh nghiệm và chỉ đạt trình độ ở mức cơ bản. Theo đánh giá chung của các cơ quan chức năng, do chất lượng đầu vào yếu cho nên hiện chỉ có khoảng 50% số cán bộ, công chức công nghệ thông tin có thể đảm đương công việc. Bên cạnh đó, việc tích hợp, trao đổi thông tin giữa hệ thống dịch vụ công trực tuyến của địa phương với các bộ, ngành cũng chưa theo một chuẩn thống nhất, chưa thông suốt. Ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan nhà nước đang ở quy mô nhỏ, chưa kết nối, chia sẻ thông tin trên diện rộng. Việc điều hành xử lý công việc qua mạng chưa thường xuyên, liên tục. Các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao (mức 3, 4) cung cấp cho người dân và doanh nghiệp chưa nhiều. Theo Phó Cục trưởng Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Phú Tiến thì các vấn đề như cơ chế, kinh phí,... cho chính phủ điện tử cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Xây dựng chính phủ điện tử cần một lộ trình đồng bộ. Để đạt được mục tiêu của Nghị quyết 36a cũng như tăng hạng trong bảng xếp hạng chung của Liên hợp quốc, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm. Trước hết, cần thay đổi về nhận thức, nhất là người đứng đầu. Nếu lãnh đạo bộ, ngành, địa phương nào nhận thức rõ sự cần thiết phải xây dựng chính phủ điện tử thì bộ, ngành, địa phương đó sẽ có sự đầu tư thích đáng về tài chính và nhân lực cho vấn đề này. Đồng thời, một trong các vấn đề cấp thiết hiện nay là cần liên thông toàn bộ hệ thống văn bản điện tử từ cấp xã, tỉnh đến trung ương tích hợp lên một cổng quốc gia duy nhất để mọi người dân, doanh nghiệp có thể truy cập; đồng thời cần phải có cơ chế, tài chính để xây dựng, thuê sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin… Ngoài ra, một giải pháp mang tính xu hướng là ứng dụng mạng xã hội và các ứng dụng di động, bởi đây là những kênh giao tiếp đang ngày càng phổ biến và hiệu quả giữa các cơ quan chính phủ với công dân, doanh nghiệp. Bằng chứng là trong giai đoạn 2012-2014, số quốc gia sử dụng ứng dụng di động và tin nhắn SMS để giao tiếp với công dân đã tăng gấp hai lần. Năm 2014, số quốc gia dùng mạng xã hội như Facebook, Twitter,... kết nối với công dân cũng tăng gấp hai lần.

Việc xây dựng chính phủ điện tử là một yếu tố quan trọng góp phần xây dựng chính phủ liêm khiết, kiến tạo, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần đắc lực cho việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí và phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

THANH GIANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34768302-huong-toi-phuc-vu-nguoi-dan-ngay-mot-tot-hon.html