Hướng tới thực hiện '3 không' trong phòng, chống tham nhũng
Bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/12/2020, Nghị định 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được đánh giá có ý nghĩa quan trọng.
Theo đó, Nghị định 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn (Nghị định 130) được kỳ vọng tạo cơ chế ngăn ngừa nhằm làm cho cán bộ “không thể”, “không dám” tham nhũng.
Nghị định 130 quy định, người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có yêu cầu công khai tài sản, thu nhập tại nơi họ đang công tác.
Cùng với đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ xây dựng, thực hiện kế hoạch xác minh hàng năm.
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, việc kê khai kiểm soát thu nhập theo quy định Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định hướng dẫn thi hành luật có tác dụng rất lớn trong phòng, chống tham nhũng. Cùng với đó, cơ chế phòng, chống tham nhũng cũng hết sức quan trọng.
Các biện pháp quản lý chặt chẽ của Chính phủ sẽ góp phần điều chỉnh hành vi của cán bộ, làm cho họ “không thể tham nhũng" bởi những chính sách chặt chẽ, minh bạch, có tác dụng kiểm soát lẫn nhau; “không dám tham nhũng" vì sợ bị trừng trị; "không cần tham nhũng" vì chế độ đãi ngộ đầy đủ. “Nếu thực hiện tốt “3 không” ấy thì chắc chắn, tình hình tham nhũng sẽ giảm”, Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh.
Theo Nghị định 130, các quy định kê khai và kiểm soát tài sản của người có chức vụ, quyền hạn sẽ làm cho những người có ý đồ tham nhũng không dám tham nhũng vì không thể che đậy được tài sản; nếu sai phạm cũng sẽ dễ dàng bị xử lý do bị phát hiện tài sản bất minh.
Bên cạnh đó, việc công khai minh bạch tài sản, đẩy mạnh kiểm tra giám sát và tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt là những biện pháp phòng, chống tham nhũng hiệu quả và cần được áp dụng để ngăn ngừa tham nhũng trong thời gian tới.
Nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, Kiểm toán Nhà nước cũng đang thể hiện tốt vai trò cơ quan hậu kiểm hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản của Nhà nước.
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước hiện không chỉ kiểm tra việc quản lý tài sản công, tài chính công bằng phương pháp hậu kiểm mà đang chuyển dần sang tiền kiểm nhằm ngăn ngừa sai phạm nảy sinh; đồng thời giúp các cơ quan, đơn vị kịp thời uốn nắn, sửa chữa sai phạm.
Song song đó, Kiểm toán Nhà nước sẽ tăng cường công bố kết luận kiểm toán, tập trung vào các vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm; chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp, bản lĩnh đạo đức nghề nghiệp của cán bộ kiểm toán; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường quan hệ phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong khối nội chính…
Mới đây, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã có Báo cáo về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020, ghi nhận nhiều kết quả tích cực cũng như nỗ lực của Kiểm toán Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ.
Thực tế, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước đã chủ động giảm các đầu mối kiểm toán, rút ngắn thời gian và rà soát lại kế hoạch kiểm toán tại các địa phương xảy ra dịch bệnh.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, từ đó kiềm chế, ngăn chặn và từng bước giảm tham nhũng.
Thống kê 10 tháng năm 2020, riêng Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện 147/184 cuộc kiểm toán, xử lý tài chính 52.970 tỷ đồng; trong đó, tăng thu ngân sách 3.074,5 tỷ đồng, giảm chi 10.700 tỷ đồng, xử lý tài chính khác 39.195,5 tỷ đồng…
Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định, với phương châm siết chặt kỷ luật kỷ cương trong quản lý; tăng cường minh bạch và xử lý nghiêm sai phạm, tham nhũng sẽ từng bước được đẩy lùi, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân trong việc quản lý hiệu quả tiền, tài sản của Nhà nước, cũng như giữ vững ổn định chính trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/huong-toi-thuc-hien-3-khong-trong-phong-chong-tham-nhung/178666.html