Hướng tới việc người cao tuổi được chăm sóc toàn diện
Chiều 4/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Chi nhánh khu vực TP Hồ Chí Minh với sự hỗ trợ sáng kiến Đầu tư cho Phụ nữ (Investing in Women, gọi tắt là IW) của Chính phủ Australia đã tổ chức chuyên đề 'Chuyên nghiệp hóa nghề chăm sóc – Động lực phát triển của ngành dịch vụ dành cho người cao tuổi tại Việt Nam hướng tới bình đẳng giới và chăm sóc toàn diện'.
Thông tin từ hội thảo cho biết, Việt Nam đã chính thức bước vào quá trình già hóa dân số từ năm 2021 và đang được xếp vào nhóm quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Sự gia tăng nhanh chóng của nhóm dân số cao tuổi đồng nghĩa với việc gia tăng các thách thức về y tế và xã hội, dẫn đến nhu cầu cấp thiết về các dịch vụ hỗ trợ, đặc biệt là dịch vụ chăm sóc dài hạn chất lượng cao cho người cao tuổi.
Bên cạnh đó, số liệu cũng cho thấy trung bình một người cao tuổi Việt Nam hiện đang phải sống chung với nhiều bệnh lý mạn tính, đòi hỏi sự chăm sóc chuyên biệt và liên tục. Trong khi đó, mô hình gia đình truyền thống đang dần thay đổi, cùng với áp lực công việc và cuộc sống, khiến khả năng chăm sóc toàn diện tại gia đình của con cháu bị hạn chế đáng kể. Điều này thúc đẩy phát triển một ngành dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp và bài bản.

Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI – Chi nhánh khu vực TP Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI – Chi nhánh khu vực TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh mục tiêu của sự kiện: “Hội thảo được tổ chức nhằm tập hợp các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và các bên liên quan để cùng thảo luận về tiềm năng phát triển, những thách thức hiện tại và cơ hội nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc, đặc biệt là thông qua việc chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhân viên chăm sóc. Chúng tôi tin rằng đây là một bước đi chiến lược không chỉ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi mà còn mở ra một lĩnh vực kinh tế - xã hội đầy tiềm năng”.

Bà Huỳnh Thị Kim Loan, Chủ tịch HĐQT Bệnh viện đa khoa Hồng Đức thảo luận về vấn đề cần đào tạo bài bản và chuyên nghiệp nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi.
Trong khuôn khổ hội thảo, Dự án Phát triển nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi – GRACE đã chính thức được công bố. Dự án ra đời với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi, đồng nghĩa mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho lao động trung niên và khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân vào ngành dịch vụ chăm sóc.
GRACE không chỉ là một dự án đào tạo, mà còn hướng đến việc xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ phát triển bền vững cho nghề chăm sóc không y tế. Trong đó, nhân viên chăm sóc, đặc biệt là những người lao động trung niên, sẽ có cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn với các chương trình học nghề bài bản, tìm kiếm việc làm phù hợp và quan trọng hơn là được công nhận xứng đáng về mặt chuyên môn và xã hội. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần định hình một lĩnh vực nghề nghiệp mới mang tính nhân văn sâu sắc, có triển vọng phát triển bền vững và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong xã hội.

Các đại biểu tham dự hội thảo.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ cùng đại diện doanh nghiệp, các tổ chức quần chúng như Trung ương Hội người cao tuổi, Hội Phụ nữ Việt Nam TP Hồ Chí Minh…Hội thảo kết thúc với phiên thảo luận sôi nổi và những cam kết hành động từ các bên, mở ra một chương mới đầy hứa hẹn cho ngành dịch vụ chăm sóc người cao tuổi Việt Nam, hướng tới một xã hội, nơi người cao tuổi được chăm sóc toàn diện và nhân viên chăm sóc được công nhận xứng đáng.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/huong-toi-viec-nguoi-cao-tuoi-duoc-cham-soc-toan-dien-i773817/