Hướng tới xây dựng môi trường lao động an toàn

PTĐT - Toàn tỉnh hiện có trên 2.700 cơ sở kinh doanh và chế biến gỗ, trong đó gần 600 doanh nghiệp, trên 2.100 hộ cá thể. Hầu hết các doanh nghiệp chế biến gỗ có vốn đầu tư quy mô vừa và nhỏ với số lao động bình quân dưới 50 lao động/doanh nghiệp.

Lao động làm việc tại cơ sở sản xuất, kinh doanh gỗ gia dụng Tùng Lan ở khu Thống Nhất, thị trấn Thanh Sơn trang bị khẩu trang phòng tránh bệnh nghề nghiệp.

Lao động làm việc tại cơ sở sản xuất, kinh doanh gỗ gia dụng Tùng Lan ở khu Thống Nhất, thị trấn Thanh Sơn trang bị khẩu trang phòng tránh bệnh nghề nghiệp.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ chưa thực sự quan tâm đến việc đảm bảo an toàn lao động, còn để xảy ra những vụ tai nạn lao động đáng tiếc. Để hướng tới xây dựng môi trường lao động an toàn trong chế biến gỗ, ngành Lao động- Thương binh và Xã hội đã tăng cường tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lao động, chủ sử dụng lao động trong việc tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, hạn chế tai nạn xảy ra. Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên nhân cơ bản để xảy ra các vụ tai nạn lao động trong sản xuất, kinh doanh và chế biến gỗ là do các tổ chức, cá nhân sử dụng lao động chưa chú trọng thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, thiếu chủ động trong phòng ngừa tai nạn lao động. Việc kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc, phòng chống tai nạn lao động còn hạn chế. Người lao động chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức về an toàn lao động, phương tiện bảo vệ cá nhân chưa đảm bảo, còn vi phạm quy trình làm việc an toàn, vận hành an toàn đối với từng loại máy, thiết bị. Nhằm chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp chế biến gỗ, trong năm 2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật lao động bao gồm công tác an toàn, vệ sinh lao động tại 9 doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn. Kết quả thanh tra cho thấy, có đến 8/9 doanh nghiệp chưa phân loại lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 9/9 doanh nghiệp chưa phân loại lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; 6/9 doanh nghiệp chưa bố trí cán bộ làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động; 7/9 doanh nghiệp chưa thực hiện việc huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động; 8/9 doanh nghiệp chưa thực hiện quan trắc môi trường lao động định kỳ; 7/9 doanh nghiệp chưa thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Trong thời điểm thanh tra, có 1 doanh nghiệp để xảy ra tai nạn lao động nhẹ nhưng chưa tiến hành điều tra tai nạn lao động theo quy định. Cùng với việc ban hành kết luận thanh tra đối với các doanh nghiệp trên, Sở còn ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 1 doanh nghiệp số tiền xử phạt 20 triệu đồng. Như vậy, mặc dù số doanh nghiệp tiến hành thanh tra là rất nhỏ so với tổng số doanh nghiệp chế biến gỗ đang hoạt động, song đã cho thấy thực tế phần lớn doanh nghiệp và người lao động chưa coi trọng công tác an toàn, vệ sinh lao động.Để tăng cường việc tuân thủ pháp luật lao động tại các doanh nghiệp chế biến gỗ, hướng đến xây dựng môi trường lao động an toàn, thời gian tới các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động; theo dõi, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động tại các doanh nghiệp. Về phía các doanh nghiệp, cùng với việc sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, mang lại lợi nhuận, chủ sử dụng lao động cũng cần tuân thủ pháp luật lao động, đặc biệt là công tác an toàn - vệ sinh lao động và các chế độ đối với người lao động, đảm bảo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, bền vững.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/201912/huong-toi-xay-dung-moi-truong-lao-dong-an-toan-168092