Hướng tới xây dựng 'xã thông minh'
Năm 2022, toàn tỉnh có 4 địa phương được chọn triển khai thí điểm chuyển đổi số cấp xã là xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương; xã Lãng Công, huyện Sông Lô; thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường; thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo. Với quyết tâm cao, các địa phương đang nỗ lực chuẩn bị triển khai chuyển đổi số. Đây là tiền đề quan trọng giúp các địa phương hướng tới xây dựng mô hình “xã thông minh”, kết nối toàn diện trong việc điều hành của chính quyền cấp xã, người dân và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Xây dựng chính quyền số, xã hội số
Là một xã thuần nông của huyện Tam Dương, ngay sau khi được lựa chọn triển khai thí điểm chuyển đổi số, xã Hướng Đạo đã thành lập Ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Phát huy lợi thế của địa phương, Ban chỉ đạo chuyển đổi số của xã xác định rõ những mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn, trong đó, trọng tâm là xây dựng chính quyền số, xã hội số, hạ tầng số và kinh tế số.
Những năm gần đây, việc điều hành, xử lý công việc của cán bộ, công chức ở Hướng Đạo đã có sự thay đổi. Không còn ngổn ngang hồ sơ, giấy tờ trên bàn làm việc của cán bộ, công chức mà thay vào đó được quản lý, điều hành qua hệ thống phần mềm trên máy tính.
Nhiều thủ tục hành chính được xử lý bằng công nghệ số. 100% cán bộ xã đều biết sử dụng và có máy tính cá nhân để xử lý công việc, các văn bản điều hành đều được ban hành trên môi trường mạng, các chức danh cán bộ chủ chốt đều thực hiện chữ ký số.
Việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và công tác quản lý điều hành của chính quyền đã có những bước chuyển biến tích cực. Đó cũng là những thuận lợi để xã bước vào thực hiện chuyển đổi số.
Hiện nay, xã đã rà soát tổng thể các điều kiện cơ sở hạ tầng cần thiết và thực hiện lộ trình cụ thể trong việc triển khai chuyển đổi số. Trong tháng 4, xã phối hợp với VNPT Vĩnh Phúc hoàn thành việc lắp đặt hệ thống truyền thanh thông minh, camera an ninh thông minh, nâng cấp hệ thống máy tính và phối hợp với Bưu điện tỉnh đào tạo, hướng dẫn người dân đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn giao dịch điện tử.
Chủ tịch UBND xã Hướng Đạo Đỗ Mạnh Hùng chia sẻ: “Để thực hiện tốt các mục tiêu chuyển đổi số đặt ra, Ban chỉ đạo xã xác định trước tiên cần phải thay đổi và nâng cao nhận thức của lãnh đạo, cán bộ, công chức và người dân trên địa bàn xã.
Do vậy, xã đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu thế nào là chuyển đổi số và chuyển đổi số ở lĩnh vực nào, những lợi ích mang lại. Từ đó, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân và huy động sự vào cuộc trách nhiệm, tích cực của tất cả cán bộ, công chức và đảng viên trên địa bàn xã”.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm và lộ trình
Cùng với Hướng Đạo, xã Lãng Công, thị trấn Thổ Tang, thị trấn Tam Đảo cũng đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chuyển đổi số. Trong đó, mỗi địa phương căn cứ vào tiềm năng, thế mạnh của mình để xác định những nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển đổi số và xây dựng lộ trình thực hiện.
Qua rà soát, về cơ bản, 4 xã thực hiện thí điểm chuyển đổi số hiện nay đều có nhiều thuận lợi như: 100% cán bộ, công chức đều có máy tính phục vụ công việc và xử lý tốt việc nhận, gửi văn bản qua phần mềm quản lý văn bản, thư điện tử công vụ; 100% thôn, xóm, tổ dân phố có Internet và phần đông người dân có điện thoại thông minh; nhiều người dân đã chủ động khai thác, sử dụng mạng Internet để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và áp dụng vào mô hình kinh doanh của gia đình, nhất là ở thị trấn Thổ Tang và thị trấn Tam Đảo…
Do vậy, việc triển khai thí điểm chuyển đổi số đã và đang nhận được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn thực hiện thí điểm chuyển đổi số cũng đang phải đối mặt với một số khó khăn như hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông chưa được đầu tư đồng bộ; trình độ công nghệ thông tin của một bộ phận người dân còn hạn chế; triển khai sàn giao dịch thương mại điện tử chưa hiệu quả…
Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, bằng sự nỗ lực và quyết tâm cao, các xã, thị trấn đang tích cực triển khai từng giải pháp cụ thể trong chuyển đổi số như: Xây dựng cổng thông tin của xã, tích hợp phản ánh hiện trường; trang bị bảng tin điện tử cho UBND xã, thị trấn; phòng họp không giấy tờ; số hóa hồ sơ; trung tâm giám sát điều hành, hộ tịch điện tử.
Triển khai sàn giao dịch nông sản, truy suất nguồn gốc nông sản; triển khai ứng dụng app công dân; triển khai phần mềm và app khám bệnh từ xa; trang bị camera an ninh; xây dựng trạm BTS, bổ sung cáp quang, nâng cấp máy tính; phầm mềm quản lý di tích, công nghệ thực tế ảo cho các khu di tích, khu du lịch, điểm du lịch…
Có thể nói, hệ sinh thái chuyển đổi số ở các xã, thị trấn thí điểm sẽ là bước thay đổi đột phá giúp người dân hướng tới nền kinh tế hiện đại, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận và phát triển, đồng thời, giúp công tác quản lý, điều hành của chính quyền thiết thực và hiệu quả hơn, hướng tới xây dựng mô hình "xã thông minh" trong tương lai.