Hưởng ứng bài viết của Tổng Bí thư: Kiên định mục tiêu, giá trị tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội
Bài viết 'Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam' của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự khái quát hết sức cô đọng, sâu sắc nhận thức mới của Đảng ta, nhất là qua 35 năm đổi mới đất nước về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Có nhiều nội dung được đề cập trong bài viết của Tổng Bí thư, trong đó có vấn đề mục tiêu của sự phát triển là gì và tại sao Việt Nam lựa chọn mục tiêu đó. Một cách tổng quát, thấy rằng, lịch sử loài người dù quanh co, phức tạp, thậm chí có những bước thụt lùi song khuynh hướng chung là vận động theo chiều hướng đi lên về phía tiến bộ xã hội. Để làm ra lịch sử và thúc đẩy lịch sử, con người thường xuyên phải tìm cách giải quyết ngày càng đúng đắn, hiệu quả ba mối quan hệ lớn: quan hệ với tự nhiên, quan hệ với xã hội và với chính bản thân mình. Vì vậy, có thể nói, hành trình lịch sử của nhân loại là hành trình phát triển.
Với Việt Nam, vấn đề trên cũng không phải là một ngoại lệ. Vốn đã phải chịu nhiều đau thương, mất mát dưới ách đô hộ của ngoại bang, hơn ai hết, khát vọng phát triển đất nước của người Việt càng cháy bỏng. Tuy nhiên, phát triển bằng cách nào và nhằm mục đích gì không phải là câu hỏi dễ trả lời. Dưới ách đô hộ tàn bạo của thực dân Pháp, người Việt Nam trở thành vong quốc nô, nhiều văn thân, sĩ phu, nhiều nhà yêu nước đã đi tìm câu trả lời cho vấn đề hệ trọng của dân tộc. Đáng tiếc là, tuy hết sức anh dũng và đầy nhiệt huyết nhưng những cố gắng của những người Việt Nam yêu nước chưa đi đến thành công.
Trong bối cảnh đó, với hành trang của một người yêu nước cháy bỏng, được hấp thu bởi truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương, Tổ quốc, bằng nghị lực phi thường và một trí tuệ mẫn tiệp, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước mới. Bôn ba nhiều nơi, trực tiếp khảo nghiệm cuộc sống của con người ở nhiều quốc gia, châu lục, cuối cùng, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy chân lý và định hình mục tiêu, con đường phát triển cho dân tộc. Theo Người, các cuộc cách mạng tư sản, kể cả cách mạng Pháp và cách mạng Mỹ đều là những cuộc cách mạng “chưa đến nơi”. Chỉ có noi theo tấm gương của Cách mạng Tháng Mười Nga mới có thể giành độc lập thật sự cho dân tộc Việt Nam, đưa lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào.
Kể từ ngày đó, với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tích cực chuẩn bị các điều kiện cho sự ra đời của một đảng cách mạng và trở thành người sáng lập, rèn luyện Đảng ta. Trải qua hơn 90 năm kể từ ngày ra đời, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức to lớn, giành độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, đưa đất nước bước vào một thời kỳ phát triển mới.
Trước những đổi thay rất to lớn của đất nước và thời đại, câu hỏi: Phát triển đất nước bằng cách nào, mục tiêu gì, một lần nữa lại đặt ra yêu cầu cấp thiết đòi hỏi Đảng ta phải có câu trả lời. Thực tiễn nhân loại cho thấy rằng, đã có nhiều thời kỳ, kể cả trong xã hội hiện đại, không phải lúc nào và chế độ xã hội nào phát triển cũng đạt được mục tiêu đúng đắn với những biện pháp phù hợp. Chúng ta đã chứng kiến sự thất bại của triết lý phát triển bằng mọi giá, bằng mọi cách, nhằm mục đích thỏa mãn lợi ích của một số cá nhân, nhóm xã hội. Triết lý đó là sai lầm và đã bị lịch sử vượt qua bởi nó để lại nhiều hậu quả rất tiêu cực cho con người và xã hội.
Theo đó, phát triển dẫn đến sự suy kiệt của giới tự nhiên, hủy hoại môi trường sống, đe dọa chính sự tồn vong của con người; phát triển đưa lại các hoang mạc cho thế hệ tương lai hay phát triển thúc đẩy phân cực xã hội đến mức không thể chấp nhận, gia tăng tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, hình thành nạn áp bức của dân tộc lớn, dân tộc phát triển đối với các dân tộc nhược tiểu… là phát triển mà ngày nay nhân loại tiến bộ không lựa chọn. Vì lẽ ấy, trong lòng xã hội hiện đại đã sản sinh ra một triết lý phát triển mới, nhân văn, nhân đạo hơn, đó là phát triển bền vững và bao trùm, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.
Tổng kết thực tiễn, nhất là thực tiễn 35 đổi mới đất nước và dày công nghiên cứu lý luận với phương châm rất cầu thị, “kế thừa có chọn lọc” những thành tựu, những tinh hoa của dân tộc và nhân loại, Đảng ta đã từng bước hình thành hệ lý luận về đổi mới. Theo đó, mục tiêu tổng quát của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh. Mục tiêu đó đã được sàng lọc, chưng cất qua nhiều kỳ Đại hội Đảng, được thể hiện trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII và gần đây nhất, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập trong bài viết của mình.
Theo Tổng Bí thư, sự phát triển đó phải hướng tới 5 mục tiêu cụ thể là: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để đảm bảo môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường.
Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một số thiểu số giàu có”.
Có thể nói, quan niệm về phát triển như trên là đúng đắn, toàn diện, thể hiện bản chất tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội, phù hợp tiến bộ xã hội và hàm chứa giá trị nhân văn, nhân đạo sâu sắc của thời đại. Đó là kết quả của sự khái quát những tinh hoa trong hành trình của nhân loại, của thời đại chúng ta đang sống và có thể tìm thấy trong kho tàng lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như hiện thực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Chúng ta nhớ rằng, khi đề cập đến cuộc vận động lịch sử do giai cấp công nhân và người lao động tiến hành dưới sự lãnh đạo của chính Đảng Cộng sản, những người mác xít công khai tuyên bố mục đích của mình là giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng nhân loại khỏi ách nô dịch, áp bức, bóc lột, tạo điều kiện để con người phát triển tự do, toàn diện. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản viết: “Thay cho xã hội tư bản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” (C.Mác-Ph.Ăngghen, toàn tập, NXB Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, tập 4, tr 628). Qua đó, thấy rằng, hướng đích của phát triển mà chủ nghĩa xã hội đạt tới là phát triển tự do, toàn diện của mỗi người song sự phát triển ấy không cản trở sự phát triển của các chủ thể khác. Ngược lại còn là điều kiện cho sự phát triển tự do, toàn diện của tất cả mọi người.
Về vấn đề phát triển, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhiều lần đề cập mà quá trình nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước đã làm sáng tỏ. Theo Bác, phát triển không có mục đích tự thân. Phát triển phải vì con người, cho con người, cho quảng đại nhân dân. Chủ nghĩa xã hội, vì vậy phải làm cho dân giàu, nước mạnh, đất nước hòa bình, độc lập, thống nhất, cuộc sống nhân dân tự do, hạnh phúc, không còn tình trạng người áp bức, bóc lột người, các dân tộc có quan hệ hữu ái, bình đẳng và có quan hệ thân thiện với tự nhiên…
Thiết nghĩ, quan niệm về phát triển như trên đã tiềm ẩn trong nội hàm của chủ nghĩa xã hội mà những người cộng sản chân chính luôn theo đuổi. Đó cũng chính là mục tiêu mà Đảng ta hướng tới và từng bước hiện thực hóa. 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, thời gian tuy chưa thật dài nhưng cũng đã đủ dữ liệu cần thiết để khẳng định, đường lối đổi mới đất nước mà Đảng ta đã sáng tạo ra là đặc sắc và đúng đắn, phù hợp hoàn cảnh đất nước cũng như diễn biến mới của thời đại. Đó là một trong những nguyên nhân đặc biệt quan trọng làm nên những thành tựu của đất nước.
Vì lẽ ấy, dù hết sức khiêm tốn “chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đó là một nhận định đúng đắn và cũng là cơ sở để chúng ta tiếp tục kiên định đường lối đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu, giá trị tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta xây dựng nhằm từng bước hiện thực hóa những giá trị ấy trong cuộc sống.