Hưởng ứng loạt bài viết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã công bố loạt bài viết quan trọng về chủ đề 'Phát triển bền vững và Bảo đảm an sinh xã hội', trong đó đã chuyển tải những thông điệp có ý nghĩa sâu sắc trong việc triển khai, thực hiện đường lối phát triển KT-XH của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong bối cảnh hiện đại.
Phát triển bền vững đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa 3 mặt: phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường; phải vừa đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, vừa không được làm tổn hại đến lợi ích và việc đáp ứng các nhu cầu của những hế hệ mai sau. Nguyên tắc này ngày càng được xác lập và khẳng định mạnh mẽ cả trên phạm vi quốc gia, cũng như toàn cầu.
Đảng và Nhà nước ta đã sớm nhận thức và quán triệt yêu cầu phát triển bền vững trong nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng, đặc biệt rõ nét trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 1991 – 2000 được Đại hội VII thông qua, theo đó chủ trương “Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường”. Đại hội VIII tiếp tục khẳng định“Tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái”. Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 thông qua tại Đại hội IX đề ra yêu cầu cao hơn “Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”. Đại hội X còn bổ sung yêu cầu phát triển toàn diện con người, thực hiện dân chủ và xác định mục tiêu tổng quát của Kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 là “Phấn đấu tăng trưởng kinh tế với nhịp độ nhanh, chất lượng cao và bền vững hơn, gắn với phát triển con người”.
Đặc biệt, Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 lấy “phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược”, đã cụ thể hóa thành các nội dung “Phải phát triển bền vững về kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh kinh tế. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, coi chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức. Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao không ngừng chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn đi cùng với bảo vệ và cải thiện môi trường… Phát triển bền vững là cơ sở để phát triển nhanh, phát triển nhanh để tạo nguồn lực cho phát triển bền vững. Phát triển nhanh và bền vững phải luôn gắn chặt với nhau trong quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Phải đặc biệt quan tâm giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ để bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh và bền vững”.
An sinh xã hội và phúc lợi xã hội là hệ thống các chính sách và giải pháp, nhằm vừa bảo vệ mức sống tối thiểu của người dân trước những rủi ro và tác động bất thường về kinh tế, xã hội và môi trường, vừa góp phần không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đây là một nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia trong quá trình phát triển.
Cần nhấn mạnh rằng, phát triển bền vững và bảo đảm an sinh xã hội có sự thống nhất và bổ sung tương hỗ biện chứng trong mục tiêu và yêu cầu phát triển lâu dài của nước ta. Một mặt, phát triển bền vững đòi hỏi kết hợp hài hòa các lợi ích kinh tế-xã hội và môi trường, trước mắt và lâu dài, Nhà nước, tập thể và cá nhân, hướng đến vì hạnh phúc lâu dài của con người với tư cách là mục tiêu và động lực mạnh nhất và cao nhất trong quá trình phát triển; mặt khác, bảo đảm ngày càng tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội luôn là một chủ trương, nhiệm vụ lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta và có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự ổn định chính trị - xã hội và phát triển bền vững của đất nước.
Phát triển bền vững sẽ giúp gia tăng quy mô và chất lượng các hoạt động hỗ trợ những đối tượng bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, đồng thời từng bước thu hẹp vững chắc số lượng các đối tượng này; ngược lại, việc bảo đảm an sinh xã hội là nội dung thực hiện và tiêu chuẩn đo lường thành công chiến lược phát triển bền vững của đất nước, cả trước mắt, cũng như lâu dài. Nói cách khác, đảm bảo phúc lợi và an sinh xã hội tạo ra sự đồng thuận và hợp lực xã hội tốt hơn trong thời gian tới, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, ổn định thể chế chính trị của đất nước…
Con người vừa là mục tiêu vừa là chủ thể của phát triển, do đó, thực hiện dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực và là một thành tố của phát triển bền vững, vì cho phép phát huy nguồn lực con người như là lợi thế cạnh tranh dài hạn, là yếu tố quyết định sự phát triển của một quốc gia. Thực hành dân chủ rộng rãi sẽ phát huy khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đóng góp vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Dân chủ càng cao thì đồng thuận xã hội càng sâu, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng được củng cố vững chắc.
Với tinh thần đó, có thể nói nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường định hướng XHCN đi liền với bảo đảm phúc lợi - an sinh xã hội và dân chủ XHCN là 3 trụ cột chính trong tiến trình phát triển của đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cả 3 trụ cột này phải mạnh và có sự phát triển tương thích, đồng bộ. Một trụ cột yếu sẽ cản trở sự vận động của các trụ cột khác và ảnh hưởng đến sự phát triển chung.
Trên tinh thần cách mạng và khoa học, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận trong tiến trình đổi mới và phát triển đất nước, chúng ta cũng còn một số những mặt hạn chế, yếu kém như: Những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng; chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; tăng trưởng kinh tế còn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu; các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc, bội chi ngân sách, thâm hụt cán cân thương mại còn lớn, lạm phát còn cao; môi trường sinh thái nhiều nơi bị ô nhiễm nặng; tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng; tham nhũng chưa bị đẩy lùi; chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo đại học và dạy nghề còn yếu kém và chậm được cải thiện; chất lượng dịch vụ y tế còn thấp; giảm nghèo chưa bền vững, đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, khoảng cách thu nhập của các tầng lớp dân cư còn lớn; nguồn lực cho an sinh xã hội và phúc lợi xã hội còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, với diện bao phủ và mức hỗ trợ còn thấp; chưa hình thành được hệ thống an sinh xã hội rộng khắp với những cơ chế chủ động tích cực, bền vững, làm chỗ dựa vững chắc cho người nghèo, hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo; chưa huy động được mạnh mẽ sự tham gia của toàn xã hội vào công tác bảo đảm an sinh xã hội...
Cần khẳng định và nhấn mạnh rằng, những thông điệp trên đây thể hiện qua các bài viết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính là sự phát triển cao về nhận thức của Đảng và Nhà nước ta về phát triển bền vững và bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới của đất nước.
TS Nguyễn Minh Phong
(Viện Nghiên cứu phát triển KT - XH Hà Nội)
Bài II: Những điểm nhấn về giải pháp
1/ Phát triển nhanh và bền vững là quan điểm xuyên suốt trong chiến lược phát triển KT-XH của đất nước ta
2/ Bảo đảm ngày càng tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội là một nội dung chủ yếu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020
3/ Hướng tới ngày Thế giới xóa đói nghèo 17/10: Việt Nam coi xóa đói giảm nghèo làm nhiệm vụ trọng tâm
4/ Đối thoại trực tuyến: An sinh xã hội-Vì lợi ích thiết thực của nhân dân