Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, nâng cao ý thức tôn trọng, tuân theo Hiến pháp và pháp luật
Ngày Pháp luật Việt Nam là ngày 9-11 hằng năm, được quy định tại Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, đã tổ chức được 10 năm , ngày càng lan tỏa ý thức tôn trọng, tuân theo theo Hiến pháp và pháp luật ở mỗi người và trong toàn xã hội.
Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật cho mọi người, góp phần xây dựng lối sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, tạo lập thói quen tự giác thực hiện, ứng xử theo pháp luật và nâng cao nhận thức pháp luật của mỗi người, qua đó xây dựng văn hóa pháp lý trong toàn xã hội.
Ngày này là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt được, tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; định hướng triển khai trong thời gian tới; tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác này.
Bên cạnh đó, Ngày Pháp luật Việt Nam còn có ý nghĩa giáo dục, xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với pháp luật, tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, tạo lập kỷ cương, phép nước góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, một xã hội Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ở tỉnh Tiền Giang, sau 10 năm Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào cuộc sống, công tác Phổ biến, giáo dục pháp luật được chú trọng và ngày càng được triển khai đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh được nâng cao, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu tình hình vi phạm pháp luật ở địa phương. Đặc biệt là việc triển khai thực hiện mô hình sinh hoạt “Ngày Pháp luật” đã được hưởng ứng tích cực từ các ngành, các cấp đem lại hiệu quả thiết thực.
Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam là việc làm hằng ngày, thường xuyên của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức và người dân, góp phần tạo sức lan tỏa trong đời sống xã hội; đưa việc học tập, tìm hiểu pháp luật trở thành công việc tự thân, hằng ngày của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, thi hành pháp luật, tạo chuyển biến căn bản trong ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật.
Các ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động lựa chọn hình thức hướng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam phù hợp, thiết thực, hiệu quả, gắn vơi thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, như tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam; triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam gắn với tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX; tổng kết, đánh giá, tôn vinh tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân tuân thủ, chấp hành chính sách, pháp luật.