Hướng về ngày hội chính trị của toàn dân

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026 dự kiến tiến hành vào Chủ nhật, ngày 23.5.2021. Để cuộc bầu cử nơi địa đầu cực Bắc thiêng liêng của Tổ quốc đảm bảo dân chủ, bình đẳng, đúng luật, thực sự trở thành ngày hội của toàn dân; công tác chuẩn bị cho ngày hội lớn được cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc quyết liệt…

Cán bộ xã Việt Vinh (Bắc Quang) tuyên truyền công tác chuẩn bị bầu cử ở cơ sở.

Cán bộ xã Việt Vinh (Bắc Quang) tuyên truyền công tác chuẩn bị bầu cử ở cơ sở.

Ngay từ những tháng cuối năm 2020, từ cán bộ làm công tác Thống kê đến cán bộ thôn, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để thống kê số lượng dân số toàn tỉnh (tính đến 31.12.2020), góp phần đắc lực cho Cục Thống kê tỉnh dự báo số lượng cử tri phục vụ công tác bầu cử. Chị Giàng Thị Kim Anh, phường Nguyễn Trãi (thành phố Hà Giang) chia sẻ: Khi khai báo thông tin cá nhân, mỗi người dân chúng tôi đều ý thức việc cung cấp thông tin trung thực để dự báo đúng số lượng cử tri phục vụ công tác bầu cử. Qua hoạt động này, chúng tôi một lần nữa được thông tin, tuyên truyền về công tác chuẩn bị bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Đây thực sự là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và tỉnh nhà nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ mới…

Để chuẩn bị chu đáo cho ngày hội lớn, ngay từ quý IV năm 2020 đến nay, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã kịp thời, sâu sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Trong đó, BTV Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh; Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo bầu cử tỉnh gồm 20 người, do đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang làm Trưởng ban; Chỉ thị về tổ chức cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Đồng thời, tổ chức Hội nghị quán triệt các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của T.Ư, của tỉnh về công tác bầu cử cho đối tượng là cán bộ chủ chốt của tỉnh và lãnh đạo các huyện, thành phố... Cùng với đó, UBND tỉnh kịp thời ban hành Quyết định thành lập Ủy ban bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2021 – 2026 gồm 25 người, hoạt động theo nguyên tắc quy định tại Điều 26, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015; trong đó, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Ủy ban bầu cử, Sở Nội vụ là cơ quan Thường trực của Ủy ban bầu cử tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh cũng ban hành Công văn chỉ đạo UBND các huyện, thành phố thành lập Ủy ban bầu cử và xác định số lượng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2021 – 2026… Riêng Sở Nội vụ đã triển khai khắc 12 con dấu, gồm dấu của Ủy ban bầu cử tỉnh và con dấu của Ủy ban bầu cử 11 huyện, thành phố. Mặt khác, hướng dẫn các địa phương chuẩn bị điều kiện cần thiết triển khai cuộc bầu cử.

Tại cơ sở, 11/11 huyện, thành phố, 193/193 xã, phường, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo, Ủy ban bầu cử; tiến hành rà soát dân số, cử tri làm cơ sở xác định số đại biểu HĐND được bầu ở cấp huyện, xã. Đồng thời, rà soát số lượng hòm phiếu, con dấu nhiệm kỳ trước còn sử dụng được để phục vụ cho nhiệm kỳ này. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức – Nội vụ Bắc Quang, Vũ Văn Tú chia sẻ: Ngoài việc thành lập Ban Chỉ đạo, Ủy ban bầu cử đại biểu HĐND huyện Bắc Quang; ngay từ tháng 12.2020, UBND huyện đã xây dựng Kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), an toàn cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026 trên địa bàn huyện. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các cơ quan hữu quan nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm trong công tác đảm bảo ANTT cho các hoạt động trước, trong và sau sự kiện chính trị trên; đồng thời, chủ động nắm chắc tình hình có liên quan, đề ra các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả mọi âm mưu, hoạt động phá hoại của thế lực thù địch, không để xảy ra tình huống xấu, đột xuất, bất ngờ, giữ vững sự ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội…

Đặc biệt, xác định công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho công tác triển khai bầu cử; do đó, các cấp, ngành, địa phương đã thực hiện song song theo từng bước đi của cuộc bầu cử (trước, trong, sau bầu cử) nhằm tạo nên tinh thần đoàn kết, dân chủ, thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Nội dung tuyên truyền được tập trung vào các quy định của Hiến pháp, Luật Bầu cử Quốc hội và đại biểu HĐND, Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi; vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…

Dù còn 4 tháng nữa mới diễn ra “ngày hội” chính trị của toàn dân. Song, có thể nói, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đã sâu sát trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo chuẩn bị đầy đủ, chu đáo các điều kiện phục vụ cho công tác bầu cử. Qua đó, hướng đến việc lựa chọn, bầu những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng là người đại biểu dân cử, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND; tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202102/huong-ve-ngay-hoi-chinh-tri-cua-toan-dan-771679/