Hương vị bếp xưa trong lòng thành phố
Giữa phố thị ồn ào tấp nập, tại góc nhỏ vắng người trên đường 30.4, gần Trường mầm non Thực Hành, có đôi vợ chồng hơn 20 năm mang mùi vị 'khói lam chiều' cho từng bữa cơm trưa của người lao động làm việc tại thành phố Tây Ninh.
Đó là vợ chồng anh Nguyễn Trung Hiếu (47 tuổi) và chị Phạm Thị Ngọc Hà (44 tuổi) sống trong một con hẻm nhỏ nằm trên đường Trần Hưng Đạo, phường 1, TP. Tây Ninh, mỗi ngày vẫn cần mẫn, chăm chút từng món ăn phục vụ cho hàng trăm người lao động làm việc tại Thành phố.
Theo thường lệ, 4 giờ 30 sáng, chị Hà thức dậy chuẩn bị pha nước chấm (nước mắm, nước tương, mắm tôm) ăn kèm với từng món ăn được đậy sẵn ở một góc bàn để anh Hiếu cho vào bịch. Sau đó, chị Hà lái xe đến chợ thành phố Tây Ninh lựa chọn nguyên liệu tươi để chế biến thành món ăn thơm ngon cho thực đơn của mình.
Ở nhà, trước khi cho nước chấm vào bịch, anh Hiếu nhóm bếp củi nấu cơm. Khi cơm sôi, cạn nước, anh bắt đầu lấy những thanh củi đang cháy sang một bếp trống và nhẹ nhàng dùng thanh củi cào lớp than hồng ra xung quanh để có được lớp cơm cháy vàng đều dưới đáy nồi cho khách quen. Nước chấm vừa vào bịch xong, cơm cũng vừa chín là lúc chị Hà mang nguyên liệu về.
Trên xe chất đầy thực phẩm, chị Hà tươi cười cho biết: “Ngoài chợ cũng có nhiều mối quen, nhưng tôi muốn tự tay lựa chọn từng con cá, trái cà, miếng thịt cho ưng ý, chứ để người bán lựa là không yên tâm”. Theo chị, muốn món ăn ngon thì trước tiên nguyên liệu phải tươi mới rồi mới tính đến bí quyết chế biến trong từng món.
Chị Hà nói thêm: “Như món bò kho này, thịt bò thăn mua về tôi phải cho qua nước sôi, rồi khi nấu phải canh vớt phần mỡ nổi ở trên mặt nước bỏ đi như loại bỏ phần bẩn của thịt bò, nên món bò kho khi để nguội, hay để tủ lạnh bảo quản qua ngày người ăn sẽ không bao giờ thấy lớp mỡ đóng váng”. Khi món bò kho chế biến xong, chị bật quạt để đưa độ nóng về nhiệt độ vừa phải, sau đó, chị mới cho thức ăn vào bịch và đặt lên chiếc cân để bảo đảm mỗi bịch thức ăn có lượng thịt, rau củ với trọng lượng bằng nhau.
Nấu nướng nhiều năm nhưng chưa bao giờ vợ chồng anh chị lên thực đơn trước. Mỗi sáng đến chợ chị Hà thấy loại rau củ, thịt, cá nào tươi ngon thì sẽ có ngay ý tưởng món ăn cho thực phẩm đó. Riêng món thịt xiên que và món cà nâu nướng là 2 món luôn có cho mỗi ngày. Hai món này anh chị thực hiện sau cùng để tận dụng than hồng còn cháy đỏ.
Khoảng 9 giờ công việc nấu nướng đã xong, thức ăn cũng được chất đầy trên xe. Anh Hiếu sẽ đẩy xe đến chỗ bán trước, chị Hà ở nhà dọn dẹp bếp gọn gàng rồi ra sau. Mỗi ngày anh chị nấu khoảng 15 món “chuẩn vị cơm nhà” nên nhiều người ghé mua. Nhiều khách sợ đến trễ không còn món mình thích nên gọi điện thoại dặn anh Hiếu lấy cho vào bịch sẵn. Đến giờ nghỉ trưa họ đến lấy và thanh toán tiền. Có người khoảng 9 giờ 30 đã đến mua để dành đến giờ cơm trưa lấy ra dùng.
Anh Nguyễn Thành Lâm (52 tuổi), làm nghề xe ôm tự do đứng tại góc Trường mầm non Thực Hành trên đường 30.4 cho biết, tranh thủ lúc không có khách gọi xe anh ghé mua để dành đến bữa cơm trưa. Anh Lâm cho biết: “Tôi đã ăn ở đây nhiều năm rồi, vị giống cơm nhà lắm, thức ăn cũng không quá đắt, chỉ cần 25.000 đồng là tôi đã có bữa trưa no bụng”. Anh Lâm lướt mắt qua thức ăn được vào bịch sẵn rồi chọn ngay món đậu hủ dồn thịt, trái dưa leo, vậy là anh yên tâm đã có bữa trưa ngon miệng.
Chị Lê Thị Quỳnh (32 tuổi) là nhân viên văn phòng của một công ty có trụ sở trên đường Cách Mạng Tháng Tám cho biết, gần công ty chị cũng có nhiều quán ăn, nhưng ăn mãi cũng ngán vì thức ăn cho quá nhiều dầu mỡ, có nhiều vị ngọt. Từ khi phát hiện ra xe bán đồ ăn trưa của vợ chồng anh Hiếu, chị và các đồng nghiệp đã trở thành “mối quen” lúc nào không hay. “Tôi chỉ cần 70 ngàn cho 2 bịch cơm, 1 bịch canh, với 2 món mặn là 4 chị em ở công ty đã có bữa trưa ngon, đầy đủ dinh dưỡng và hợp khẩu vị”- chị Quỳnh nói.
Để có được nguồn thu nhập ổn định và chăm lo cho 2 con ăn học (đứa con trai lớn học năm 3 ngành Công nghệ ô tô, đứa con gái học lớp 12 Trường THPT Trần Đại Nghĩa), vợ chồng anh Hiếu làm việc chăm chỉ và hết lòng với công việc mình làm.
Anh Hiếu nhớ lại thuở mới lập gia đình, vợ anh làm nghề gội đầu làm móng, còn anh cắt cỏ nuôi bò. Nghề nấu nướng này vốn dĩ bắt đầu từ mẹ vợ anh Hiếu. Vì thương mẹ cực nhọc, mỗi sáng vợ chồng anh đều đến nhà phụ mẹ nấu nướng xong rồi mới bắt đầu công việc của mình. Sau này mẹ già yếu, cùng với việc cắt, vác cỏ cho bò làm anh bị thoát vị đĩa đệm. Hai vợ chồng anh quyết định dừng công việc đang làm và bắt đầu nối nghiệp của mẹ.
Công việc này giúp vợ chồng anh chị có thu nhập đều đặn từ 500 ngàn đồng đến 700 ngàn đồng/ngày. Vì khách hàng đa phần là người lao động làm việc giờ hành chính, nên vợ chồng anh Hiếu chỉ bán từ thứ hai đến thứ sáu. Hai ngày nghỉ cuối tuần, anh chị tranh thủ đi kiếm củi ở các vườn cao su gần nhà để nấu nướng.
Anh chị cho biết, nấu bếp gas vừa nhanh vừa tiện lợi nhưng đồ ăn không ngon bằng nấu bếp củi. “Khi ăn các món kho sẽ cảm nhận được gia vị thấm đều trong từng thớ thịt, cá; thịt, cá không quá mềm, cũng không quá dai, hòa quyện cùng mùi khói bếp nên khách quen ăn hoài cũng không ngán”- chị Hà nói.
Vì vậy, khách của anh chị chủ yếu là người quen ăn lâu năm, khách mới là do người cũ giới thiệu rồi tìm đến. Nhờ quyến luyến mùi vị này mà cả người nấu và người ăn cứ gắn bó hoài, gắn bó mãi.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/huong-vi-bep-xua-trong-long-thanh-pho-a173577.html