Hướng Việt đứng dậy sau lũ
Thảm họa sạt lở núi vào tối 17 và rạng sáng 18-10 khiến bùn đất bao trùm cả xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, làm nhói lòng mọi người dân đất Việt. Trong tan hoang, đổ nát, giữa bộn bề khó khăn, với sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền, lực lượng vũ trang và sự hỗ trợ, sẻ chia của đồng bào cả nước, người dân nơi đây đang gắng vượt lên, trở lại nhịp sống thường ngày, khôi phục sản xuất...
Thảm họa sạt lở núi vào tối 17 và rạng sáng 18-10 khiến bùn đất bao trùm cả xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, làm nhói lòng mọi người dân đất Việt. Trong tan hoang, đổ nát, giữa bộn bề khó khăn, với sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền, lực lượng vũ trang và sự hỗ trợ, sẻ chia của đồng bào cả nước, người dân nơi đây đang gắng vượt lên, trở lại nhịp sống thường ngày, khôi phục sản xuất...
Ðến từng bản động viên học trò đi học trở lại
10 ngày sau thời thảm họa ấy, đường Hồ Chí Minh nhánh tây theo hướng Khe Sanh ra xã Hướng Việt của huyện miền núi Hướng Hóa vẫn còn ách tắc vì núi sạt lở vùi lấp nhiều đoạn, chúng tôi phải đi vòng ra địa phận tỉnh Quảng Bình từ hướng bắc, lên gặp đường Hồ Chí Minh nhánh tây tại Km 137+400 rồi quay vào hướng nam qua xã Hướng Lập để đến được xã Hướng Việt ở Km 180. Dọc đường ô-tô len lỏi giữa những quả núi vừa ụp xuống, các đơn vị giao thông chỉ kịp dọn dẹp, mở được một lối nhỏ để phục vụ công tác thăm, kiểm tra và vận chuyển nhu yếu phẩm đến cứu trợ đồng bào.
Dãy núi Ka Lóc sừng sững để xã Hướng Việt tựa lưng vào nhiều năm nay. Thế nhưng tối ngày 17-10, cùng với mưa lớn, lũ dữ từ rừng đổ về với lượng nước dâng lên chưa từng thấy, những tiếng nổ ầm ầm phát ra trong lòng dãy núi Ka Lóc. Tiếng nổ vừa dứt, núi bung ra, đất, đá, nước ào ào đổ về vùi lấp nhiều nhà dân thôn Xa Ðưng, lấp luôn cả khu trung tâm xã Hướng Việt, trong đó có Trường mầm non, Trường tiểu học - Trung học cơ sở (TH-THCS) Hướng Việt. Trời tiếp tục mưa rất to, nước lũ từ mọi nơi ầm ầm chảy về khiến bùn đất, cây cối tràn vào các thôn, bản. Toàn bộ xã Hướng Việt ngập chìm trong bùn đất và nước lũ. Ðêm ấy, người dân Hướng Việt thức trắng. Tiếng la hét cầu cứu vang dậy khắp thôn, bản giữa núi rừng. Có thể nói, mọi thứ bị lũ tàn phá, từ điện thoại liên lạc, điện thắp sáng, giao thông, nhà cửa, của cải của dân. Hướng Việt bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài.
Cô Nguyễn Thị Thúy Phụng, Phó Hiệu trưởng Trường TH-THCS Hướng Việt nhớ lại, đêm ấy nước dâng lên trường gần 2 m; bùn, đá từ dãy núi Ka Lóc tràn xuống băng qua thôn Xa Ðưng, tiếp tục ào về phá hết hàng rào kiên cố bảo vệ vòng ngoài của trường, khu tập thể giáo viên. Ðất, đá đập ầm ầm vào tường khu nhà tập thể lúc này đang có bốn gia đình thầy, cô giáo ở lại bảo vệ trường. Trong đêm tối không đèn, điện, qua ánh đèn pin của điện thoại, các thầy cô nhìn thấy đất, bùn đang phun mạnh vào phòng ở. Dòng lũ hung hãn bên ngoài mang theo đá núi, gỗ rừng ầm ầm cuốn phăng những gì cản đường nó, làm sập đến bức tường hàng rào nhà trường, lúc này họ xác định mạng sống bốn gia đình chỉ cách cái chết trong gang tấc. Các thầy giáo phải phá phông trần nhà bằng tôn, chuyển một cháu bé mới sinh chín tháng và một cháu bé bốn tuổi cùng các cô giáo lên buộc chặt người vào mái nhà đề phòng nếu lũ có xô sập khu tập thể thì còn tìm ra thi thể. Giữa dòng lũ xiết trong đêm, thầy cô giáo khi ấy chỉ biết cầu xin trời đất ngừng cơn thịnh nộ. Không ai có thể tưởng tượng ra, dòng nước lũ hung hãn ấy đã chừa lại một đoạn tường rào khoảng 10 mét ngay trước dãy nhà tập thể đang có thầy cô đang chấp chới. Chính đoạn tường rào còn lại này đã cản dòng chảy, bảo vệ được các thầy cô thoát chết trong gang tấc.
Lũ rút, Trường mầm non, Trường TH-THCS Hướng Việt tan hoang ngoài sức tưởng tượng. Dòng nước từ trên núi Ka Lóc xa đến hàng cây số vẫn tiếp tục chảy xuyên qua khu tập thể ra khuôn viên của trường. Bùn, đất, cây cối lũ kéo về làm ngập dâng cao đến 1 m gây lầy lội khắp sân trường, nhà tập thể, lớp học. Tất cả phương tiện phục vụ dạy học, đồ dùng sinh hoạt của thầy, cô giáo đều bị cuốn phăng.
Cô Nguyễn Thị Thúy Phụng cho biết, trường có 15 lớp với 280 học sinh, tất cả đều là con em người dân tộc Vân Kiều. Thương học sinh cấp tiểu học, các thầy cô đã áp dụng mô hình nội trú dân nuôi. Mỗi ngày, phụ huynh học sinh góp cơm được bao nhiêu, phần còn lại thầy cô tự sản xuất, đi xin thêm để có cơm trưa, chiều cho các em. Học sinh nghèo cho nên không phải em nào cũng có phần cơm từ nhà mang theo cho buổi trưa, thế là nhiều hôm các thầy cô phải nhường suất cơm của mình cho các em ăn để tiếp tục học buổi chiều. Cô Thúy Phụng chia sẻ, tự nguyện áp dụng mô hình nội trú dân nuôi đã làm thầy cô gian nan hơn, nhưng giúp được các em có thêm điều kiện đến trường đều đặn, gắng học kịp các bạn miền xuôi. Không có bếp nội trú để ở lại ăn trưa, các em chỉ đến học một buổi sáng rồi về, trong lúc chương trình các em phải học hai buổi. Từ nhà các em đến trường nơi xa nhất gần 7 km, phải leo núi đi bộ mất hai tiếng nên học sinh không đủ sức để đến học buổi chiều nữa. Sau lũ, thầy, cô giáo của trường ngày ngày lội giữa bùn non, nguy hiểm rình rập đến từng thôn, bản tìm học trò của mình, động viên các em cố gắng trở lại trường; còn sách vở, bút mực bị lũ ngâm ướt, cuốn trôi, thầy cô kêu gọi xin các nhà hảo tâm giúp đỡ. Nếu các thầy, cô giáo không đến từng nhà vận động thì phần lớn học sinh sẽ bỏ học ngay sau lũ, rất ít em đi học trở lại.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị thăm hỏi, động viên người dân Hướng Việt cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Hướng Việt không cô đơn
Các thầy cô khu tập thể của trường thoát nạn nhưng lũ ống, lũ quét qua xã Hướng Việt đã cuốn trôi ba người dân hai thôn Tà Rùng, Ka Tiêm mất tích, đến nay vẫn chưa tìm thấy thi thể. Thượng úy Trương Văn Thắng, Công an xã Hướng Việt đi cứu dân cũng bị lũ cuốn trôi, hy sinh; Ðại úy Lê Văn Dùy, Bộ đội Biên phòng tăng cường làm Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy xã Hướng Việt và Chủ tịch UBND xã Hướng Việt Hồ Văn Sinh bị núi sạt lở vùi lấp trong khi đi cứu dân. Ðến sáng hôm sau, bộ đội biên phòng của đồn Hướng Phùng tìm kiếm cứu hộ phát hiện anh Sinh và anh Dùy bị bùn đất lấp ngang vai, khi đưa các anh ra khỏi đống bùn đất lại phát hiện cả hai đều bị gãy mấy đoạn xương chân, xương tay. Lãnh đạo xã Hướng Việt hiện chỉ còn Bí thư Ðảng ủy xã Hồ Văn Vọng đang là người đứng đầu lãnh đạo, chỉ đạo, động viên người dân gượng dậy khắc phục hậu quả thiên tai.
Gặp nhau tại trụ sở UBND xã Hướng Việt, anh Hồ Văn Vọng tiếp chuyện chúng tôi. Vẫn chưa hết bàng hoàng, anh cho biết chưa bao giờ người dân ở đây chịu đựng mưa lũ hung hãn đến thế. Lũ dữ đã diễn ra hai ngày 17 và 18-10, đến hôm sau 19-10, mưa lớn vẫn tiếp tục trút xuống, nhiều dãy núi lại đổ ập vùi lấp các con đường liên thôn bản, khiến Hướng Việt càng bị cô lập hơn nữa. Hướng Việt tan hoang, đổ nát, bùn, đất đá, cây cối ngổn ngang khắp mọi nơi, là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất tỉnh Quảng Trị. Có bốn nhà dân bị trôi mất, năm nhà bị sập và rất nhiều nhà bị xiêu vẹo, hư hỏng nặng. Già làng Hồ Văn Dũng ở thôn Ka Tiêm cho biết, năm nay đã 70 tuổi nhưng chưa bao giờ chứng kiến trận lũ nào có sức tàn phá dữ dội như vậy. Những đồng ruộng dưới chân núi cũng bị bùn đất vùi lấp toàn bộ. Cuộc sống hằng ngày của người Vân Kiều ở đây vốn đã khó khăn nay càng thêm vất vả hơn; không có điện thắp sáng, sóng điện thoại, không đủ nước sạch, thức ăn... Tất cả các công trình cầu cống, đường sá, công trình cung cấp nước sạch bị hư hỏng nặng. Người dân có một thứ duy nhất, là niềm tin vào Ðảng, Nhà nước và chính quyền tỉnh Quảng Trị luôn quan tâm, giúp đỡ họ. Giữa những ngổn ngang, đổ vỡ sau lũ, Hướng Việt không cô đơn. Ngày 22-10, Bộ Quốc phòng đã cho máy bay trực thăng kịp thả xuống ba tấn lương thực, thực phẩm cứu đói người dân Hướng Việt. Ðồn Biên phòng Hướng Lập đóng trên địa bàn xã Hướng Lập, sát Hướng Việt lại tiếp tục chia sẻ từng bát cơm, tấm áo với nhân dân xã Hướng Việt trong những ngày chưa có ai đến được để cứu trợ.
Cơn lũ đã đi qua, người dân Quảng Trị và cả nước đang nhìn lên Hướng Việt với biết bao chia sẻ thân thương, tiếp tục gửi hàng hóa đến hỗ trợ. Lặn lội đến từng hộ dân, vào kiểm tra từ Trường mầm non đến Trường TH-THCS Hướng Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Ðăng Quang và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cũng bàng hoàng trước thiệt hại mà thiên tai gây ra ở xã này. Trong rất nhiều nhu yếu phẩm tỉnh Quảng Trị mang theo hôm ấy, ngoài số tiền mặt hỗ trợ kịp thời cho nhân dân, còn có 15 tấn gạo.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng động viên, chia sẻ với nhân dân Hướng Việt. Dù trong hoàn cảnh nào, Ðảng và Nhà nước luôn quan tâm nhân dân vùng lũ, nhất là đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số bị thiệt hại nặng do thiên tai, bằng những việc làm kịp thời, thiết thực, ý nghĩa. Tỉnh Quảng Trị huy động các nguồn lực cũng như chi ngay ngân sách để dựng, sửa lại nhà cho những gia đình có nhà bị trôi, hư hỏng do mưa lũ, bảo đảm để không có một người dân nào sống trong cảnh màn trời, chiếu đất; bị thiệt hại do thiên tai mà không được hỗ trợ. Ngoài ra tỉnh còn tiếp tục hỗ trợ và huy động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm khác bảo đảm người dân không bị đói, bị rét trong thời gian tới. Hiện đường Hồ Chí Minh nhánh tây bắt đầu thông xe bước một tại Km 168+800 thuộc địa phận xã Hướng Lập. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị lực lượng vũ trang tỉnh và ngành giao thông kịp thời đưa phương tiện cơ giới vào sớm khắc phục để bảo đảm giao thông; giúp dọn bùn, đất đang phủ khắp các sân trường, trong lớp học, khu tập thể giáo viên để kịp thời đưa học sinh Hướng Việt cũng như các xã khác trong vùng trở lại trường học. Ngoài ra còn giúp nhân dân dọn dẹp bùn đất tại các thửa ruộng, vệ sinh nhà cửa, từng bước tổ chức sản xuất trở lại trên cơ sở có sự giúp đỡ của chính quyền các cấp. Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ cấp cho Quảng Trị kinh phí để hoàn thành tiếp 23 km của đoạn đường cứu hộ, cứu nạn nối giữa hai nhánh đường Hồ Chí Minh đông - tây, đoạn từ xã Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh) lên các xã Hướng Lập, Hướng Việt của huyện Hướng Hóa. Ðây trục ngang giao thông, được xác định là tuyến huyết mạch, có vai trò chiến lược quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là góp phần phục vụ tốt công tác cứu hộ, cứu nạn khi bão lũ xảy ra trên địa bàn các xã miền núi phía tây Quảng Trị.
Mười sáu năm trước, xã Hướng Việt được thành lập trên diện tích hơn 15 nghìn héc-ta đất tự nhiên cắt từ các xã Hướng Lập, Hướng Sơn và Hướng Phùng theo các hướng đông - nam - bắc. Phía tây Hướng Việt là đường biên giới với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Nhớ lại những ngày chuẩn bị khai sinh xã này, huyện Hướng Hóa và tỉnh Quảng Trị nhiều lần họp chọn một tên gọi cho phù hợp đặc điểm lịch sử, tự nhiên, văn hóa của con người và vùng đất nơi đây để đặt cho xã. Sau khi nghiên cứu rất cẩn thận tỉnh đã quyết định đặt cho xã mới này mang tên Hướng Việt. Từ trên núi cao, nơi biên cương giữa đại ngàn Trường Sơn, 1.205 nhân khẩu đầu tiên của xã bắt đầu quá trình kiến tạo quê hương, tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Thời gian qua, Ðảng, Nhà nước và chính quyền tỉnh Quảng Trị đã có nhiều chính sách đầu tư giúp Hướng Việt phát triển từng bước, hiện xã có 343 hộ với 1.479 nhân khẩu, sống chủ yếu bằng nông, lâm nghiệp, chăn nuôi. Già làng Hồ Văn Liếp ở bản Ka Tiêng cho biết, không chỉ sinh sống mà nhiệm vụ rất lớn của nhân dân Hướng Việt là phối hợp Bộ đội Biên phòng Quảng Trị bảo vệ, gìn giữ từng tấc đất nơi biên cương xa xôi của Tổ quốc. Vất vả, gian lao nhưng họ không bao giờ chùn chân, luôn tiến lên phía trước, mỗi người dân của Hướng Việt luôn như những cột mốc biên cương vững chắc.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/huong-viet-dung-day-sau-lu-622771/