Hút đầu tư từ Mỹ trong điều kiện mới

Chính sách thương mại nhẹ tay hơn nếu ông Joe Biden chính thức trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ có thể tác động tích cực đến Việt Nam

Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Mỹ năm 2020 với chủ đề "25 năm quan hệ kinh tế, thương mại và con đường phía trước" do Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP HCM tổ chức ngày 18-11 đã nêu giải pháp giúp duy trì đà tăng trưởng thương mại, đầu tư trong bối cảnh cuộc bầu cử Mỹ vừa diễn ra và dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát.

Quan hệ tích cực hơn

Nhấn mạnh Việt Nam là một trong những đối tác lớn nhất của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với tổng kim ngạch thương mại song phương trên 1.400 tỉ USD/năm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn, trụ cột là lĩnh vực kinh tế số, công nghệ, năng lượng, cơ sở hạ tầng... Với 13 hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực, Việt Nam đã trở thành một phần không tách rời của mạng lưới thương mại tự do toàn cầu, trong đó có Mỹ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm nhìn nhận Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của TP với kim ngạch xuất khẩu sang nước này năm 2019 chiếm 18% tổng kim ngạch. TP cũng đang chú trọng đẩy mạnh hợp tác với Mỹ trong triển khai 3 đề án lớn, gồm: Đô thị thông minh, Khu đô thị sáng tạo và tương tác cao phía Đông, Trung tâm tài chính quốc tế.

Công ty TNHH May mặc Dony (TP HCM) sản xuất khẩu trang xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Công ty TNHH May mặc Dony (TP HCM) sản xuất khẩu trang xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo ông Dustin Daugherty, Công ty Tư vấn Dezan Shira & Associates, nếu có sự chuyển giao quyền lực khi nước Mỹ có tân tổng thống, chắc chắn sẽ có những ưu tiên về mặt chính sách từ phía Mỹ mà Việt Nam cần lưu tâm. "Ngoài tập trung vào các vấn đề liên quan đến y tế và hồi phục kinh tế, ông Biden nếu thắng cử có khả năng sẽ "viết lại" những quy định thương mại liên quan Tổ chức Thương mại thế giới, đưa Mỹ trở lại những diễn đàn thương mại đa phương để thể hiện vai trò lớn hơn của nước này" - ông Dustin nhận định.

Ông Dustin Daugherty cũng đánh giá khả năng Mỹ quay lại bàn đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có thể mang lại lợi ích cho Việt Nam, nhất là trong xu hướng Mỹ đang thúc đẩy chuyển dịch chuỗi cung ứng. Ngoài ra, Mỹ cũng có thể sẽ có một số nỗ lực thỏa thuận khác về thương mại với Việt Nam trong nhiệm kỳ tổng thống mới thông qua ASEAN hoặc một diễn đàn đa phương khác.

"Khi chính sách của Mỹ tập trung nhiều hơn vào các thỏa thuận đa phương thì chắc chắn quan hệ với Việt Nam sẽ tích cực hơn" - ông Dustin bình luận.

TS Nguyễn Xuân Thành - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, giảng viên Trường Đại học Fulbright - cho rằng có thể kỳ vọng vào chính quyền mới của Mỹ nếu ông Joe Biden đắc cử tổng thống. "Mặc dù sức ép từ doanh nghiệp (DN) Mỹ và bối cảnh chính trị của nước này sẽ khiến chính quyền không sẵn sàng ủng hộ toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại nhưng việc tập trung vào vấn đề thâm hụt thương mại, đặc biệt là thương mại song phương sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều" - TS Thành nhìn nhận.

Phát triển hạ tầng để đón dự án lớn

Cũng theo TS Nguyễn Xuân Thành, chúng ta đã "tô hồng" thái quá về khả năng chuyển dịch chuỗi cung ứng sang thị trường Việt Nam từ sau khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc nổ ra. "Giá thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp được điều chỉnh, cổ phiếu tăng mạnh nhưng thực ra làn sóng đầu tư chưa rõ, dù đúng là Việt Nam nằm trong tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư đang muốn dịch chuyển" - ông Thành chỉ rõ.

Ông Thành cũng nêu một thực trạng bất hợp lý trong chính sách đón sóng đầu tư của Việt Nam là chuỗi dịch chuyển cung ứng thiếu vắng nhóm DN phụ trợ cấp 1, trong khi nhiều DN phụ trợ nước ngoài rất quan tâm đến Việt Nam, còn bản thân DN Việt Nam chỉ đáp ứng được vai trò là DN phụ trợ cấp 2, 3. "Chúng ta cứ nghĩ đến việc phải đón DN lớn, hay còn gọi là "đại bàng" mà không quan tâm đến môi trường chính sách với DN đầu tư nước ngoài quy mô nhỏ và vừa còn có khó khăn. Phải tạo dựng được môi trường kinh doanh tự do cho DN vừa và nhỏ trong nước cũng như nước ngoài" - TS Nguyễn Xuân Thành góp ý.

Theo bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), mặc dù Mỹ không nằm trong nhóm nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất ở Việt Nam khi chỉ đứng vị trí số 11 nhưng có những khoản đầu tư lớn của Mỹ vào Việt Nam là đầu tư gián tiếp thông qua nước thứ 3. Ví dụ, Foxcom mặc dù là DN của Đài Loan (Trung Quốc) nhưng họ nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple, Microsoft...

Thừa nhận Việt Nam còn nhiều dư địa để tiếp nhận đầu tư trong lĩnh vực may mặc, hàng không, tài chính số, y tế, song bà Mary Tarnowka cũng chỉ ra điều mà Việt Nam cần quyết liệt cải thiện hơn nữa là khung pháp lý có tính dự báo, minh bạch và công bằng. "Một vấn đề khác Việt Nam cần cải thiện là cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường, cầu, cảng, sân bay. Lãnh đạo nhiều công ty đặt trụ sở ở Việt Nam cho biết công ty mẹ yêu cầu họ mở rộng năng lực sản xuất ở Việt Nam nhưng họ không làm được vì cơ sở hạ tầng không cho phép. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần cải thiện hơn nữa chất lượng giáo dục, đào tao kỹ năng mềm…" - bà Mary Tarnowka nêu kiến nghị từ cộng đồng DN Mỹ.

Lãnh đạo một DN Mỹ có 12 năm hoạt động ở Việt Nam góp ý thời gian phê duyêt dự án đầu tư cần được rút ngắn hơn nữa. Mặc dù trong 12 năm qua, DN này ghi nhận đã có nhiều cam kết cũng như có nhiều cải thiện thực tế về thủ tục hành chính, thủ tục cấp phép ở cấp trung ương nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc ở cấp địa phương. Ngoài ra, lãnh đạo DN này cũng bày tỏ mong muốn những điều kiện thuận lợi hơn trong quy định liên quan đến tài khoản vốn đầu tư trực tiếp để DN có cơ hội đầu tư nhiều hơn và ngược lại, Việt Nam đón được nhiều dòng vốn hơn.

Phương Nhung

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/hut-dau-tu-tu-my-trong-dieu-kien-moi-20201118202341079.htm