Hút doanh nghiệp đầu tư tăng chuỗi giá trị xuất khẩu sản phẩm dừa
Năm 2024, Trà Vinh đã tăng cường quảng bá, xúc tiến tư mở rộng diện tích trồng dừa và sản xuất chế biến để đa dạng sản phẩm nhằm thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm dừa.
Tỉnh Trà Vinh chọn dừa là một trong những cây trồng chủ lực để phát triển tăng cao giá trị, giúp nông dân thu nhập bền vững. Năm 2024, Trà Vinh đã tăng cường quảng bá, xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp liên kết đầu tư mở rộng diện tích trồng dừa và sản xuất chế biến để đa dạng sản phẩm vươn xa ra thị trường xuất khẩu.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện cho biết, địa phương đã quy hoạch vùng trồng dừa tập trung tại các huyện vùng ven sông Hậu như: Cầu Kè, Càng Long, Tiểu Cần, Châu Thành... Mục tiêu tỉnh đề ra đến năm 2030 là nâng diện tích vườn dừa trên 28.000 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ để đáp ứng nhu cầu chế biến các mặt hàng từ dừa xuất khẩu.
Trong 5 năm tới, tỉnh sẽ tăng cường hoạt động ứng dụng và chuyển giao về khoa học công nghệ trong trồng và sản xuất chế biến để nâng cao năng suất cây dừa cho trái đạt bình quân khoảng 17,8 tấn/ha, đạt kim ngạch xuất khẩu từ các sản phẩm dừa tăng bình quân 5%/năm.
Ông Lê Văn Đông - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết, theo chủ trương của tỉnh, ngành nông nghiệp đang xúc tiến mời gọi doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến ngành hàng dừa tham gia đầu tư các chuỗi liên kết mở rộng hơn nữa diện tích trồng dừa tại Trà Vinh.
Hiện tại, tỉnh có gần 89.000 hộ trồng hơn 7,2 triệu cây dừa với diện tích 27.520ha; trong đó có 23.600ha đang cho trái. Năng suất dừa ở Trà Vinh đạt bình quân trên 17,1 tấn/ha/năm, tương đương 14.300 quả/ha/năm, cao gấp 1,5 lần năng suất bình quân của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tỉnh đã có 5.276 ha dừa trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ đạt chuẩn quốc tế do 8 công ty, hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ và còn 3.000ha dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đang chờ được cơ quan chức năng chứng nhận. Vùng trồng dừa của tỉnh đã được cấp 20 mã số vùng trồng; trong đó có 10 mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là định hướng về phương thức sản xuất của tỉnh để phát triển cây dừa nâng cao chuỗi giá trị đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế và thu nhập bền vững cho người trồng.
Trong giai 2025-2030, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển ngành công nghiệp chế biến dừa. Tỉnh phấn đấu có ít nhất 10 doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã sản xuất chế biến sản phẩm từ dừa và xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu.
Cùng với việc thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư ở ngành hàng dừa, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cho sản phẩm từ dừa, tỉnh còn hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và cấp mã số vùng trồng dừa đạt tiêu chí các nước nhập khẩu quan tâm.
Năm 2024 là năm giá trị về kinh tế cây dừa đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Giá dừa khô và dừa tươi không ngừng tăng, đạt mức cao nhất và ổn định cho đến hiện nay từ 110.000-120.000 đồng/chục (12 trái) đối với dừa khô đem lại nông dân trồng dừa mức thu nhập từ 80-90 triệu đồng/ha/tháng. Theo dự báo từ các doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất các mặt hàng từ dừa xuất khẩu thì giá trị kinh tế cây dừa sẽ tiếp tục giữ vững và tăng thêm so với tiền lệ trong những năm tiếp theo.
Ông Huỳnh Khắc Nhu - Tổng gián đốc Công ty Cổ phần Trà Bắc (Trabaco) cho biết, cả nước hiện có khoảng 854 doanh nghiệp sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa; trong đó có hơn 90 doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm từ dừa. Trong số các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu có 42 doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu gần 90 sản phẩm mang thương hiệu "Made in Vietnam”. Các sản phẩm chế biến từ dừa xuất khẩu hiện rất đa dạng, như: than hoạt tính, nước dừa khô uống, sữa dừa uống, nước cốt dừa cấp đông, dầu dừa trắng, thảm sơ dừa, chỉ sơ dừa…Dự báo năm 2024, ngành hàng dừa sẽ gia nhập "Câu lạc bộ ngành hàng xuất khẩu 1 tỷ USD".
Trong xu thế ngành hàng dừa tăng thị trường xuất khẩu thì nhu cầu nguyên liệu trong thời gian tới sẽ rất lớn. Minh chứng trong 5 năm vừa qua, các doanh nghiệp chế biến đều phải nhập khẩu dừa khô từ Indonesia và hiện nay vẫn nhập khoảng 2 triệu trái/tuần để các nhà máy có nguồn nguyên liệu chế biến. Trabaco đã xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ dừa sang hơn 39 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài thị trường truyền thống Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ…, Trabaco đã mở rộng tiêu thụ thêm nhiều quốc gia trong năm 2024 như: Australia, Sudan, Bỉ, Ai Cập…
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh Lê Văn Đông, năm 2025, ngành nông nghiệp xây dựng và đề xuất phương án bố trí kinh phí hàng năm, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án có liên quan để thực hiện chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa và phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao. Cùng với việc mở rộng diện tích trồng mới, ngành nông nghiệp khuyến khích nông dân cải tạo khoảng 5.000 vườn dừa bị lão hóa tại các vùng trồng theo quy hoạch.
Phát triển diện tích vườn dừa được thực hiện song song việc xúc tiến, ưu đãi chính sách mời gọi doanh nghiệp liên kết đầu tư cho nông dân thực hiện phương thức canh tác cây dừa tiên tiến đạt tiêu chuẩn hữu cơ, các tiêu chuẩn châu Âu-UE, Mỹ-USDA, Nhật-JAS, Australia-ACO, Thụy Điển-KRAV, GlobalGAP để đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp sản xuất chế biến sâu sản phẩm từ dừa, đảm bảo đạt mục tiêu nâng cao chuỗi giá trị cây dừa, tăng thu nhập bền vững cho người trồng./.