Hụt mất Hiệp sĩ Dế mèn

Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 2 năm 2021 trao đúng Tết Thiếu nhi 1/6. Sự thiếu trọn vẹn ở chỗ không tìm ra chủ nhân giải thưởng cao nhất- Hiệp sĩ Dế Mèn.

Bộ truyện “Khác biệt mới tuyệt làm sao” là một trong năm tác phẩm được giải Khát vọng Dế Mèn

Không có giải cao nhất

Lễ công bố và trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn diễn ra sáng 1/6 tại Hà Nội, không có khán giả trực tiếp. Ban Tổ chức không trao giải tại khu vực TP. HCM do dịch bệnh. Ở mùa giải đầu tiên, Hội đồng tìm ra hai Hiệp sĩ Dế Mèn: Nguyễn Nhật Ánh với Làm bạn với bầu trời, và Nguyễn Quang Thiều với Chuyện của anh em nhà Mem và Kya (ông xin rút vì có tên trong hội đồng chấm giải). Còn ở lần tổ chức thứ hai, Ban tổ chức (BTC) không trao được giải cao nhất.

Năm giải đồng hạng- Khát vọng Dế Mèn trên ba lĩnh vực văn học, mỹ thuật và phim gồm: tiểu thuyết Đi trốn của Bình Ca, phim hoạt hình Khúc gỗ mục của NSND đạo diễn Nguyễn Thị Phương Hoa, chùm tranh về thiên nhiên và cuộc sống của họa sĩ nhí Xèo Chu (tên thật Phó Vạn An, sinh 2007), truyện tranh Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết! của Mèo Mốc (Đặng Quang Dũng) và bộ truyện Khác biệt mới tuyệt làm sao của Nguyễn Hoàng Vũ và các họa sĩ: Gà’s little world, Hoàng Trung, Ru-oi, Linh Vương.

“Tiếc rằng, sau mùa giải đầu tiên với danh hiệu Hiệp sĩ trao cho Nguyễn Nhật Ánh với Làm bạn với bầu trời và gia tài 40 cuốn cho thiếu nhi, tuổi mới lớn, năm nay chưa thấy có Nguyễn Nhật Ánh thứ hai. Trong năm có một số “cây đa cây đề” ra sách mới nhưng rất tiếc không có sáng tác mới như tiêu chí giải thưởng đề ra, do đó đành lỗi hẹn. Chúng tôi luôn kiên trì với tiêu chí: tác giả được vinh danh “hiệp sĩ” bất kể bề dày sáng tác trong quá khứ ra sao, vẫn phải có tác phẩm xuất sắc trong năm trao giải. Có như vậy mới khuyến khích được tác giả kỳ cựu đầu tư cho sáng tác mới nhằm nâng tầm nghệ thuật thiếu nhi. Hiệp sĩ thì phải “sung sức” trong sáng tác”, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng giám khảo nhận định.

Thiếu vắng Hiệp sĩ Dế Mèn đúng là điều khiến giải chưa được trọn vẹn, tuy nhiên nhà văn Nguyễn Quang Thiều, thành viên Hội đồng giám khảo nhận định “không có gì đáng buồn cả”. Là bởi lượng sách tham dự và đưa vào xét giải nhiều hơn năm ngoái với gần 120 tác phẩm, cũng như lĩnh vực, thể loại đều đa dạng cả ở truyện thiếu nhi, truyện tranh, âm nhạc, hội họa, phim ảnh. “Tín hiệu đáng mừng là năm nay chúng tôi chọn được phim hoạt hình, cho thấy sự tiến bộ của phim hoạt hình Việt Nam. Nếu trước đây phim thường chỉ thiên về giá trị giáo dục, ít quan tâm tới ngôn ngữ thể hiện thì Khúc gỗ mục thú vị về hiệu ứng thị giác, vừa chứa đựng câu chuyện hay”, ông Thiều nhận xét.

Chờ đỉnh cao

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, dù không có Hiệp sĩ Dế Mèn, nhưng tác phẩm được vinh danh ở hạng mục Khát vọng Dế mèn cũng mang dấu ấn đậm nét trong bức tranh nghệ thuật của thiếu nhi, vì thiếu nhi trong năm qua. Trần Đăng Khoa nhắc lại câu thơ Nguyễn Duy “Mẹ ru cái lẽ ở đời - Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn”, để thấy một đứa trẻ lớn lên nhờ hai nguồn sữa vật chất, phần tiếng hát là văn học nghệ thuật, thiếu một trong hai đều không ổn.

Có người cho rằng, tiểu thuyết Đi trốn viết cho trẻ nhưng trẻ không đọc, chỉ người lớn đọc. Về điều này, Nguyễn Quang Thiều cho rằng cuốn sách phân định lứa tuổi rõ rệt, phù hợp độc giả vị thành niên, bởi không viết về những điều ngây thơ đơn giản. “Chúng ta thấy trẻ 12, 13 tuổi hiện nay nhận thức khác hoàn toàn so với trẻ cùng tuổi một vài thập kỷ trước. Tôi có đứa cháu mới lên hai khiến tôi bất ngờ vì có những ngôn từ, suy nghĩ, cách ứng xử, đối đáp chứng tỏ trẻ con lớn lên rất nhiều. Những cuốn sách viết cho tuổi teen cũng cần nâng tầm văn hóa đọc lên vị thế khác. Nhiều khi chúng ta tưởng trẻ con còn bên cạnh mình, nhưng hóa ra chúng lại rời sang thế giới khác mà chúng ta không hề hay biết”, Nguyễn Quang Thiều nói.

Họa sĩ nhí gây ngạc nhiên

Ban Tổ chức từng vinh danh cô bé 10 tuổi Nguyễn Đới Chung Anh với bộ tranh về sự hỗn loạn cũng như kiên cường của thế giới trong cuộc chiến với COVID-19. Năm nay, BTC tìm ra họa sĩ nhí Xèo Chu với những bức vẽ thiên nhiên và cuộc sống thể hiện cái nhìn trong trẻo, thuần khiết đến mức “vô nhiễm” của cậu bé 13 tuổi. “Nhìn vào đó người ta thấy sự an nhiên tự tại của một tâm hồn trẻ thơ giữa những tháng ngày dịch bệnh bủa vây”, Trần Đăng Khoa nhận xét.

Xèo Chu có nghĩa gần gũi là “con heo nhỏ”, tên đầy đủ là Phó Vạn An, sinh 2007 tại TPHCM, vẽ tranh từ năm 4 tuổi, vẽ được hơn 300 bức tranh. Xèo Chu từng triển lãm cá nhân gây ấn tượng trong nước cũng như tại Singapore, New York (Mỹ) mà phần lớn tác phẩm đều được bán. Tất cả tiền bán tranh đều được cậu dành làm từ thiện, bởi Xèo Chu nghĩ có nhiều người cần tiền hơn cậu.

Gần chục năm trước dư luận lo lắng vì sách ngoại nhiều hơn sách nội nên tác phẩm thiếu nhi nội vẫn quanh quẩn với những tác phẩm của thời vang bóng. Vài năm trở lại đây, tác giả và tác phẩm cho thiếu nhi gia tăng đáng kể cả về số lẫn chất lượng. Hội Nhà văn Việt Nam tách hẳn Giải thưởng văn học thiếu nhi để đứng độc lập so với hệ thống giải thưởng thường niên của Hội. Giải Dế Mèn ra đời và một số giải thưởng hướng tới thiếu nhi, vì thiếu nhi góp phần phát hiện, khuyến khích tác phẩm mang tâm hồn Việt. Đời sống tác phẩm cho thiếu nhi sôi động hơn, nhưng đột phá thì chưa.

“Sáng tác cho thiếu nhi có mặt bằng khá cao nhưng đỉnh thì chưa có”, Trần Đăng Khoa nhận định. Nguyễn Quang Thiều phân tích, chưa bao giờ trẻ được bước vào thế giới sách phong phú như bây giờ, thế nhưng để cuốn sách mới gây tiếng vang vượt trội không phải dễ. “Sự phát triển về trí tuệ, sự tiếp nhận nhanh chóng của trẻ em ngày nay đòi hỏi các tác giả, tác phẩm phải vượt lên ghê gớm. Chúng ta khao khát những cuốn sách kinh điển mà nhà nhà đều đọc. Những cuốn sách mới để vươn lên thành đỉnh cao chắc chắn gặp nhiều thách thức, dù chất lượng nghệ thuật không thua kém nhiều cuốn vang bóng một thời”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói.

NGUYÊN KHÁNH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hut-mat-hiep-si-de-men-post1342160.tpo