Hút mắt với tranh kim sa

Dùng kỹ thuật để mô phỏng vẻ đẹp hút mắt như tranh pháp lam, nữ họa sĩ trẻ Lê Thị Thủy Tiên đã tạo nên những bức tranh kim sa độc đáo ứng dụng vào đời sống hiện đại.

 Thủy Tiên tỉ mỉ làm các bức tranh kim sa

Thủy Tiên tỉ mỉ làm các bức tranh kim sa

Khéo léo

Nữ họa sĩ trẻ cho biết: “Từ lâu, mình đã vô cùng ngưỡng mộ và kính phục những nghệ nhân đã tạo nên các tác phẩm nghệ thuật pháp lam ở di tích từ bát, ly, đĩa, bình hoa đến đồ trang trí. Không chỉ bởi tay nghề điêu luyện, dấu ấn của các nghệ nhân và sự kỳ công trong các công đoạn đã tô vẽ nên những bức pháp lam với vẻ đẹp độc đáo, riêng có”.

Mỗi sản phẩm pháp lam Huế xưa đều được tạo ra bằng chuỗi quá trình phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao từ tạo khuôn, tạo hình khối đến tráng men và nung. “Nhờ sự xuất hiện của các chất liệu mới, mình đã tìm tòi và học hỏi để mô phỏng lại vẻ đẹp tinh tế của pháp lam thông qua những công đoạn được rút gọn lại. Cụ thể, mình sẽ bỏ qua công đoạn nung; cùng với đó là sử dụng những chất liệu mới, có tính chất và tác dụng mô phỏng phù hợp để tạo nên những bức tranh pháp lam bằng kim loại, cát màu và keo epoxy resin với cái tên tranh kim sa”, Thủy Tiên chia sẻ.

Dù đã bỏ qua một số công đoạn, những bức tranh được làm từ kim loại và cát màu vẫn mất rất nhiều thời gian và công sức để thực hiện.

Vừa cẩn thận cầm chắc chiếc kìm chỉ nhỉnh hơn ngón tay với mũi kìm bén ngọt, nữ họa sĩ trẻ vừa khéo léo và tỉ mỉ cắt rời từng đoạn dây thép nhỏ. Dùng sức từ các ngón tay, chiếc kìm và chiếc nhíp dần uốn cong phần dây thép vốn thẳng thành hình búp sen mềm mại và cố định lên bề mặt sản phẩm đính tranh bằng keo chuyện dụng.

Tiếp tục tỉ mỉ với những cánh hoa và từng chi tiết nhỏ, Thủy Tiên cho biết thêm: “Chỉ một bức tranh kim sa nhỏ tầm nắm tay với rất ít chi tiết này, mình mất khoảng ba giờ đồng hồ để tạo nên cốt tranh hình khóm hoa sen. Các công đoạn khác như vẽ cát màu, đợi khô, phủ keo để tạo độ bóng và lớp gương..., cũng đòi hỏi cả sự khéo léo và tỉ mỉ không kém”.

Tinh tế

Một trong những kỹ thuật để tạo nên sự ấn tượng cho tranh, đó là kỹ năng phối và đi màu trong từng ô kim loại. Trong đó, nữ họa sĩ trẻ đã sử dụng những gam màu nguyên bảng, ít pha tạp nhằm tăng hiệu ứng sáng và bóng cho hoa văn sau khi được đổ keo. Với hiệu ứng từ chất liệu mới này và sự tinh tế của các họa tiết, như hoa quỳnh, hoa mai, hoa lan, rồng, phượng, đám mây..., bức tranh sẽ tăng thêm phần thanh thoát và sang trọng.

Sau nhiều giờ đồng hồ tập trung, bức tranh của Thủy Tiên đã dần hoàn thiện. Đam mê dòng tranh pháp lam và mong muốn mang hơi thở quý phái, tinh tế của dòng tranh này vào đời sống hiện đại, nữ họa sĩ 9X đã tính toán tỉ mỉ sự mô phỏng của tranh kim sa vào những chiếc gương, ốp điện thoại và sản phẩm trang trí vừa cầm nhẹ tay, vừa mang những nét hoài cổ nhưng vẫn phù hợp với xu thế hiện đại.

“Ưu điểm lớn nhất của tranh kim sa đó là khối lượng nhẹ, chịu va đập tốt, khó bể gãy nên có thể dễ dàng mang theo bên mình”, Thủy Tiên phân tích. Ngoài ra, giá thành sản phẩm cũng phù hợp với nhiều người tiêu dùng, thông thường, giá mỗi sản phẩm tùy độ phức tạp sẽ dao động từ 500 – 800 nghìn đồng (kích thước 8 – 10cm).

Yêu mến vẻ đẹp của tranh kim sa và chọn hình ảnh rồng cho chiếc ốp điện thoại, anh Nguyễn Trọng Trí, một khách hàng mua tranh cho biết: “Với tôi, tranh kim sa vừa mang vẻ đẹp tinh tế của pháp lam, vừa hiện đại khi có thể mang đến bất cứ đâu. Tôi rất hài lòng và thích thú với chiếc ốp điện thoại của mình, đặc biệt là phần màu sắc rạng rỡ và từng chi tiết nhỏ được kỳ công thực hiện”.

Ngoài tạo nên các sản phẩm tranh kim sa, Thủy Tiên còn mong muốn mang dòng tranh này đến gần hơn với nhiều người. Nữ họa sĩ trẻ cho biết: “Trong thời gian tới, mình sẽ mở thêm workshop để nhiều người tiếp cận bộ môn mới này. Mình hy vọng, sự giản lược của các công đoạn làm tranh kim sa sẽ giúp những ai yêu thích tranh pháp lam có thể làm tranh bằng các công đoạn dễ dàng hơn, từ đó ứng dụng nhiều hơn vào đời sống thường nhật”.

Bài, ảnh: Mai Huế

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/hut-mat-voi-tranh-kim-sa-145289.html