Hụt thu từ dệt may, Gilimex dồn vốn đầu tư khu công nghiệp
Khi ngành truyền thống là dệt may gặp khó do mất khách hàng lớn là Amazon, Gilimex tìm nguồn thu từ mảng kinh doanh mới.
Vốn là ngành kinh doanh chủ lực của Công ty CP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) nhưng doanh thu từ dệt may đã sụt giảm nghiêm trọng sau khi doanh nghiệp vướng vào kiện tụng với khách hàng lớn là Amazon.
Amazon là đối tác chiến lược quan trọng khi chiếm khoảng 85% tổng doanh thu của Gilimex và kể từ khi hợp tác với nhà phân phối này vào năm 2014, doanh thu và lợi nhuận của Gilimex liên tục tăng trưởng.
Thời kỳ được coi là “vàng son” của Gilimex là giai đoạn từ 2019 đến 2022, khi doanh thu tăng từ 2.538 tỷ lên 3.166 tỷ đồng, lợi nhuận từ 160 tỷ đồng lên 361 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sự cố Gilimex khởi kiện đối tác chiến lược Amazon đòi bồi thường 280 triệu USD do đột ngột thu hẹp các đơn hàng vào cuối năm 2022 đã khiến doanh nghiệp này rơi vào tình trạng khó khăn.
Bên cạnh việc đã đầu tư lớn để dự trữ nguyên vật liệu, mở rộng nhà xưởng, mua máy móc, tuyển dụng nhân công thì Gilimex cũng bị nghi ngờ về việc xử lý hàng tồn kho liên quan tới khách hàng lớn lên tới 800 tỷ đồng.
Từ doanh thu nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trăm tỷ, kết thúc năm 2023, Gilimex chỉ còn 936 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 28 tỷ đồng, giảm lần lượt 70% và 92% so với năm trước.
Khi khó khăn bủa vây, giới đầu tư hoài nghi về động lực tăng trưởng thì Gilimex bất ngờ tìm thấy “ánh sáng cuối đường hầm”. Quý IV năm ngoái, lần đầu tiên doanh nghiệp này ghi nhận hơn 14 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động cho thuê đất khu công nghiệp, lãi gộp 6 tỷ đồng.
Đẩy mạnh đầu tư khu công nghiệp
Mặc dù là doanh nghiệp dệt may nhưng Gilimex đã âm thầm đầu tư vào bất động sản công nghiệp khi nhận thấy tiềm năng của mảng này. Khi lĩnh vực truyền thống là dệt may gặp khó thì mảng mới là bất động sản công nghiệp được Gilimex đẩy nhanh hơn.
Cụ thể, Gilimex đã và đang đầu tư vào việc thành lập các khu công nghiệp tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Quảng Ngãi và Quảng Nam.
Gilimex đã thành lập bốn công ty con phụ trách phát triển các dự án bất động sản công nghiệp là Công ty CP Khu công nghiệp Gilimex, Công ty CP Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long, Công ty CP Khu công nghiệp Gilimex Bắc Giang và Công ty CP Khu công nghiệp Gilimex Quảng Ngãi.
Trong số các khu công nghiệp Gilimex đang đầu tư, Khu công nghiệp Phú Bài 4 tại tỉnh Thừa Thiên Huế và Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương và đang triển khai xây dựng.
Khu công nghiệp Phú Bài 4 tọa lạc tại thị xã Hương Thủy có quy mô 460ha do Công ty CP Khu công nghiệp Gilimex làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 2.600 tỷ đồng.
Dự án hiện nay đã hoàn thành 91% công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Giai đoạn 1 của khu A hiệnsẵn sàng đón nhận nhà đầu tư thứ cấp. Giai đoạn 2 khu A dự kiến sẽ hoàn thành và quí II này. Khu B bắt đầu thi công xây dựng từ tháng 5/2023 và dự kiến đưa vào vận hành một phần vào quý II năm tới.
Dự án Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long có diện tích 400ha, tọa lạc tại thị trấn Tân Quới và huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long.
Dự án được chia làm hai giai đoạn đầu tư, trong đó, giai đoạn 1 có diện tích 255ha, hiện nay đã được Ban Quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Long cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Giai đoạn 2 rộng 145ha và đang được thực hiện thủ tục pháp lý theo quy định.
Gilimex kỳ vọng dự án này sẽ hoàn thành phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư vào tháng 6 năm nay và nhận bàn giao mặt bằng từ tháng 7.
Bất động sản công nghiệp sẽ trở thành mảng kinh doanh trọng tâm trong thời gian tới khi trong tài liệu đại hội cổ đông thường niên năm 2024, Gilimex đặt tham vọng phát triển thêm các khu công nghiêp ở miền Nam, miền Trung và miền Bắc.
Năm nay, Gilimex đặt mục tiêu đạt 1.500 tỷ đồng doanh thu và 100 tỷ đồng lợi nhuận.