Hút thuốc lá sẽ mắc bệnh gì và có hại cho nền kinh tế ra sao?
Hút thuốc lá sẽ gây ra nhiều bệnh và làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30-80%. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo: Nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp hiệu quả để phòng chống tác hại thuốc lá, số ca tử vong sẽ tăng lên 70.000 ca/năm vào năm 2030.
Tỷ lệ người hút thuốc lá đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đa số là do sự hiểu biết một cách cụ thể về tác hại của khói thuốc lá còn hạn chế, kiến thức chưa đầy đủ; Thiếu các biện pháp tuyên truyền giáo dục về thuốc lá và tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người...
Theo số liệu khảo sát của GATS (Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ của WTO) vào năm 2015, người Việt Nam mỗi năm chi 31.000 tỷ đồng để hút thuốc lá. Tổng chi phí điều trị và chi phí do mất khả năng lao động và ốm đau, tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh trong tổng số 25 nhóm bệnh do thuốc lá gây ra gần bằng 1% GDP. Đây chính là lí do các chuyên gia y tế trong nước và quốc tế đề xuất Bộ Tài chính cần xem xét trình Quốc hội và Chính phủ tăng mạnh thuế đối với thuốc lá.
Theo đó, việc tăng thuế thuốc lá sẽ có tác động làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, ngăn ngừa thanh thiếu niên hút thuốc. Thuế cao hơn làm giá thuốc tăng, khiến một bộ phận người hút thuốc lá bỏ thuốc hoặc giảm số lượng điếu hút và ngăn ngừa một bộ phận bắt đầu hút thuốc...
Đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá sẽ nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, bởi trong khói thuốc chứa hơn 7.000 chất hóa học, khoảng 69 chất gây ung thư. Nicotine trong khói thuốc lá được xếp vào nhóm có tính dược lý gây nghiện tương tự như cocain và heroine. Khi hút thuốc lá, khói thuốc qua phổi ngấm vào máu, tích lũy lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh sau:
- Bệnh tim mạch chiếm hàng đầu trong các bệnh do khói thuốc: tạo ra mảng xơ vữa, tổn thương lòng mạch, gây viêm tắc mạch máu, gây đau nhức chân tay, nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, giảm trí nhớ, giảm trí thông minh và khả năng học tập...
- Bệnh ung thư: Chủ yếu là ung thư phế quản phổi (chiếm 90%), ung thư vòm họng, miệng, thực quản (hút thuốc kèm theo uống rượu, nguy cơ ung thư vòm họng rất cao), ung thư ruột... Ở người hút thuốc, bệnh ung thư dễ phát triển hơn so với người không hút thuốc.
- Bệnh hô hấp: Bệnh phổi mãn tính, tắc nghẽn thông khí, viêm phế quản mãn tính. Đặc biệt ở người hút thuốc còn gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng tới môi trường, những người xung quanh hít phải cũng bị nhiễm độc, nguy hiểm nhất là đối với các cháu nhỏ.
- Bệnh răng và lợi: Viêm loét, cao răng, các mảng bám vào răng làm cho răng dễ bị lung mủ, dễ rụng tự nhiên hơn.
- Các bệnh khác: Tăng nguy cơ loãng xương gây đau nhức thân thể, khó ngủ và giảm thể lực cơ thể do thiếu ôxy mãn tính.
- Đối với nam giới: Giảm khả năng sinh sản.
- Đối với phụ nữ và bào thai: Tăng nguy cơ ung thư tử cung, rối loạn kinh nguyệt, ung thư vú, dị dạng thai nhi. Nguy cơ bị thiếu cân sẽ cao gấp 2 lần so với người không hút thuốc.
- Đối với trẻ em: Dễ bị còi xương, trí tuệ chậm phát triển, suy dinh dưỡng do bị giảm tiết sữa ở người mẹ.
Trước những nguy hại của việc hút thuốc lá, mới đây, Bộ Tài chính cũng đã phát động Tuần lễ quốc gia không thuốc lá trong toàn Ngành. Theo đó, Bộ Tài chính chỉ đạo thực thi nghiêm quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; Quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, người đứng đầu, người quản lý các địa điểm cấm hút thuốc lá trong phòng, chống tác hại của thuốc lá; Quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại thuốc lá; nghĩa vụ của người hút thuốc lá; Các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị trong Ngành cần đưa tiêu chí không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua đối với cán bộ, công chức viên chức người lao động của cơ quan, đơn vị. Có hình thức động viên khen thưởng cá nhân, tổ chức thực hiện tốt công tác phòng chống tác hại của thuốc lá. Tập trung truyên truyền về tác hại của hút thuốc đối với sức khỏe và kinh tế; Ý nghĩa của việc thực hiện môi trường không khói thuốc, các mô hình, tấm gương cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các quy định về môi trường không khói thuốc, tấm gương cá nhân bỏ thuốc...