Hút và nạo thai khác nhau thế nào?
Hai thủ thuật này có sự khác biệt nhất định nhưng chúng đều mang lại những nguy cơ với cơ thể phụ nữ.
Do thiếu kiến thức giới tính cùng quyết định sai lầm, nhiều cặp đôi buộc phải giải quyết "tai nạn" khi có thai ngoài ý muốn. Trong trường hợp này, họ phải chấp nhận rủi ro và lưu ý những gì?
Phân biệt và xác định rủi ro
Hút thai là phương pháp sử dụng ống hút và bơm chân không nhằm lấy thai, nhau thai ra khỏi buồng tử cung. Thông thường, các bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp này cho thai nhỏ, khoảng 3 tháng đầu tiên của thai kỳ.
Với nạo thai, bác sĩ sẽ dùng các dụng cụ kim loại, mảnh nhỏ (thìa nạo) để lấy các tổ chức thai và nhau thai ra ngoài. Phương pháp này được áp dụng với thai lớn trên 12 tuần, thai lưu hoặc thai lưu vôi hóa. Nạo thai thường kết hợp với nong thai bằng dụng cụ, thuốc hoặc đồ gắp thai trong một số trường hợp.
BSCKI Nguyễn Trọng Hùng, khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội), cho biết: "Do cùng là thủ thuật, cả hai phương pháp này đều có nguy cơ biến chứng".
Hút và nạo thai đều có tỷ lệ khiến bệnh nhân bị nhiễm khuẩn. Nguyên nhân là trong quá trình thực hiện, các bác sĩ buộc phải đưa dụng cụ từ bên ngoài vào cơ thể người bệnh.
Phụ nữ chấp nhận hút hoặc nạo thai cũng có nguy cơ băng huyết trong quá trình thực hiện. "Việc sót thai, nhau thai do làm thủ thuật không hết có thể gây ra hiện tượng này. Ngoài ra, động tác của người làm thủ thuật quá mạnh, tử cung yếu cũng gây băng huyết, chảy máu nhiều, nguy hiểm tới tính mạng", bác sĩ Trọng Hùng giải thích.
Với những phụ nữ từng sinh bằng phương pháp mổ, việc hút, nạo thai còn mang tới nguy cơ thủng, rách vết mổ cũ khi đưa dụng cụ vào cơ thể.
Theo bác sĩ khoa Phụ sản, phương pháp nạo thai còn có một số biến chứng nguy hiểm khác. "Các dụng cụ nạo thai khi đưa vào cơ thể có nguy cơ gây thủng tử cung. Ngoài ra, với phụ nữ có cổ tử cung chưa mở hết, việc làm thủ thuật này gây rách cổ tử cung, chảy máu nhiều", bác sĩ này nói.
Nạo thai còn khiến bệnh nhân có nguy cơ mắc hội chứng Asherman. Bác sĩ Trọng Hùng cho biết hội chứng này thường gặp ở những người nạo thai nhiều lần. Asherman gây dính buồng tử cung, tạo sẹo và gây khó khăn cho lần thụ thai tiếp theo. Nguy hiểm hơn, nếu thụ thai thành công trong tương lai, biến chứng này mang đến nguy cơ sẩy thai và thai lưu lớn.
Cần chú ý gì trước khi thực hiện thủ thuật?
Bác sĩ Trọng Hùng khuyến cáo mọi người chuẩn bị tâm lý kỹ lưỡng trước khi quyết định xử lý thai ngoài ý muốn. Nếu còn băn khoăn hoặc nghi ngại, bệnh nhân nên hỏi ý kiến của bác sĩ và những người có kinh nghiệm trong gia đình về quyết định của mình.
Sau khi quyết định, bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế. "Trong một số trường hợp, các bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân nong cổ tử cung bằng thuốc trước khi thực hiện thủ thuật. Thời gian này có thể kéo dài 3-6 tiếng. Chúng ta không nên sốt ruột mà cần ưu tiên sự an toàn", bác sĩ này chia sẻ.
Ngoài ra, trong quá trình làm thủ thuật, bệnh nhân nhận thấy triệu chứng bất thường hoặc khó chịu cần thông báo ngay với nhân viên y tế. Đó có thể là dấu hiệu của dị ứng thuốc hoặc ngộ độc thuốc tê.
Sau khi thực hiện thủ thuật, mọi người cần uống thuốc đúng theo đơn của bác sĩ, giữ vệ sinh âm đạo và tránh làm việc quá sức. Phụ nữ vừa làm thủ thuật cũng chưa nên quan hệ tình dục khi còn sản dịch.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần theo dõi kỹ các dấu hiệu sức khỏe tại nhà. Một số biến chứng có thể xảy ra như sốt, khí hư có mùi hôi, âm đạo ra máu nhiều hoặc kéo dài. Người bệnh cũng phải đảm bảo tái khám đúng hẹn nhằm xử lý kịp thời các biến chứng.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hut-va-nao-thai-khac-nhau-the-nao-post1128077.html