Hút vốn FDI tạo 'bàn đạp' cho Việt Nam trở thành công xưởng công nghệ cao
Thu hút đầu tư FDI không chỉ đem lại sự phát triển kinh tế bền vững, còn tạo 'bàn đạp' cho Việt Nam trở thành công xưởng công nghệ cao của khu vực, kéo theo đó là sự phát triển các khu công nghiệp sinh thái, thông minh.
Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho biết, những tháng đầu năm 2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài (vốn FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 7 tỷ USD, tăng ấn tượng 35,5% so với cùng kỳ. Điều này không chỉ đem lại sự phát triển kinh tế bền vững mà còn tạo “bàn đạp” cho Việt Nam trở thành công xưởng công nghệ cao của khu vực, kéo theo đó là sự phát triển các khu công nghiệp sinh thái, thông minh.
Theo dự báo từ các chuyên gia, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, nhất là dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất và công nghệ có giá trị cao như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, logistics, dược phẩm…. FDI giải ngân trong năm 2025 có khả năng vượt 30 tỷ USD.

Dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, nhất là dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất và công nghệ cao
Hiện Việt Nam nằm trong 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới. Thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA đánh dấu bước ngoặt quan trọng, tạo cơ hội để Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển tạo ra những sản phẩm mới (R&D) về AI hàng đầu châu Á.
“Các nhà đầu tư nhìn thấy rõ Việt Nam có những động thái hết sức cụ thể, trong việc chuẩn bị để sẵn sàng thu hút các dự án của các nhà đầu tư. Các điều kiện cơ bản của các dự án đầu tư nước ngoài như đất đai, năng lượng nguồn nhân lực luôn sẵn sàng. Riêng nguồn nhân lực, Việt Nam hướng tới đào tạo 50.000 kỹ sư, cũng như người lao động chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn. Việt Nam cũng tham gia các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất để cải thiện được vị thế trên trường quốc tế trong công tác đối ngoại. Đây sẽ là tiền đề cơ bản để Việt Nam tham gia vào các chuỗi kinh tế và sản xuất kinh doanh”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương nhận định.
Theo đánh giá của Sở Tài chính Hà Nội, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là nguồn lực vô cùng quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế Thủ đô trong năm nay. Từ ngày 1/1/2025, Luật Thủ đô sửa đổi chính thức có hiệu lực đã mở ra nhiều cơ chế ưu đãi, chính sách hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư.
“Thành phố Hà Nội đã xây dựng trong Luật Thủ đô một số cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư. Ví dụ như cơ chế liên quan đến miễn tiền sử dụng đất, miễn, giảm các loại thuế liên quan đến hoạt động doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ đến các ngành nghề, lĩnh vực mà Hà Nội đang quan tâm, chẳng hạn như sản xuất chip bán dẫn, sản xuất chip có tích hợp công nghệ AI; đối với thu hút đầu tư vào nông nghiệp sạch và các dự án để cải thiện môi trường”, ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà nội cho biết.
Làn sóng đầu tư vào các dự án công nghệ cao và các trung tâm nghiên cứu phát triển cũng thúc đẩy nhu cầu về hạ tầng, nhà xưởng, tạo đà tăng trưởng cho thị trường bất động sản khu công nghiệp. Giai đoạn từ năm 2024 - 2027, Việt Nam dự kiến có khoảng 15.200 ha nguồn cung đất công nghiệp, hơn 6 triệu m2 tổng nguồn cung kho xưởng. Đà tăng trưởng của doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ nối dài, trong đó lợi thế thuộc về những doanh nghiệp có sẵn quỹ đất lớn, hạ tầng giao thông thuận tiện.

Bước sang năm 2025, ngành bất động sản Khu công nghiệp có nhiều điểm sáng nhờ những yếu tố hỗ trợ từ chính sách và thị trường
Đón làn sóng FDI chảy mạnh vào Việt Nam, loạt các "ông lớn" bất động sản khu công nghiệp chạy đua mở rộng quỹ đất, xây dựng loạt các khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp thông minh kết hợp đô thị sinh thái. Một số doanh nghiệp nổi bật trong lĩnh vực Bất động sản khu công nghiệp như SIP, Kinh Bắc, IDICO…cũng đang tích cực mở rộng quỹ đất và triển khai các khu công nghiệp. Bước sang năm 2025, ngành bất động sản khu công nghiệp có nhiều điểm sáng nhờ những yếu tố hỗ trợ từ chính sách và thị trường. Các chuyên gia nhận định, doanh số bán hàng của các chủ đầu tư sẽ gia tăng mạnh khi nguồn cung và nhu cầu đất công nghiệp mới đều tăng lên.
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec, Chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Hải Phòng cho biết, cơ chế, chính sách để khuyến khích cho các nhà đầu tư, cũng như các doanh nghiệp FDI hoặc DDI trong thu hút đầu tư cần có sự đồng bộ; cần có cơ chế chính sách khuyến khích để họ có cảm hứng, liên kết với nhau cùng xây dựng một hệ kinh tế tuần hoàn, cũng như hệ doanh nghiệp sống cộng sinh trong khu công nghiệp, dẫn đến thành công một khu công nghiệp sinh thái.
Nguồn lực đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã có bước dịch chuyển lớn, đó là các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, bên cạnh việc phát triển các khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái, thông minh sẽ từng bước đưa Việt Nam bước lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu trong kỷ nguyên mới.