Hút vốn ngoại vào chứng khoán Việt

Nhà đầu tư nước ngoài có những động thái thận trọng trong 6 tháng đầu năm 2024 trong bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn, bất ổn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chứng khoán Việt có còn hấp dẫn vốn ngoại? Thị trường cần gỡ những rào cản nào để kênh huy động vốn này thực sự hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài?

Báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, 6 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đã thực hiện bán ròng 52.548 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu, chứng chỉ quỹ. Trong đó, hoạt động bán ròng của NĐTNN diễn ra mạnh nhất vào tháng 5/2024 với giá trị bán ròng đạt hơn 19.000 tỷ đồng, giá trị bán ròng trên HOSE ước đạt 14.800 tỷ đồng.

Theo các phân tích, trong bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn, bất ổn, nhà đầu tư thận trọng và tập trung vào các nhóm phòng vệ. Mặt khác, chênh lệch lãi suất USD - VND, chính sách tiền tệ, áp lực tỷ giá vẫn ở mức cao cũng là nguyên nhân khiến khối ngoại tăng bán ròng 6 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, trong dài hạn, chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá là một thị trường có tiềm năng tăng trưởng rất lớn với nhà đầu tư ngoại. Điều này đến từ cơ cấu dân số trẻ, tăng trưởng GDP cao hơn nhiều so với các thị trường láng giềng cùng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dồi dào.

Bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn những hạn chế được các nhà đầu tư ngoại chỉ ra. Đó là việc phải ký quỹ 100% trước khi giao dịch, khác với thông lệ quốc tế, đã dẫn đến rất nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi họ có thể gặp trường hợp muốn giao dịch nhưng tiền chưa về đến nơi hoặc chưa kịp chuẩn bị được tiền, chuyển tiền vào rồi mà chưa được giao dịch. Tỷ lệ room nước ngoài chưa cao cũng hạn chế các lựa chọn của khối ngoại.

Ngoài ra, thị trường không có nhiều lựa chọn mới trong những năm qua. Điều này dẫn đến việc, dù muốn phân bổ nhiều vào thị trường Việt Nam ngay tức khắc, nhà đầu tư ngoại cũng sẽ phải chờ và kỳ vọng câu chuyện nới room để có thể tham gia nhiều hơn.

Trong bối cảnh này, nâng hạng thị trường sẽ là cơ hội lớn để các DN Việt gọi vốn hoặc lọt “mắt xanh” khối ngoại. Các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng nhiều vào câu chuyện thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Trong năm 2024, ước tính khoảng 2 tỷ USD vốn ngoại rút ra.

Tuy nhiên, nếu được đưa vào danh mục cổ phiếu thị trường mới nổi của FTSE, ước tính cũng sẽ thu hút được khoảng 2 tỷ USD tiền vào.

Trong kịch bản tốt nhất, khi các bước đi trong lộ trình tiến tới nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam suôn sẻ, Việt Nam có thể vào rổ chỉ số thị trường mới nổi vào tháng 3/2026.

Với trường hợp Việt Nam được FTSE nâng hạng vào tháng 9/2025, khoảng thời gian từ lúc công bố đến lúc thực sự được lọt vào rổ thị trường mới nổi thường cách khoảng 6 - 12 tháng. Chuyên gia dự báo, với các mốc thời gian này, thị trường sẽ sôi động ở nửa cuối năm 2025.

Ngoài ra, dòng tiền vào nhiều hay ít cũng còn phụ thuộc vào việc thị trường có nhiều câu chuyện mới, hàng hóa mới để tạo ra chất xúc tác cho thị trường. Hàng hóa phong phú, chất lượng cao là câu chuyện lớn kéo nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài đến và ở lại dài lâu cùng Việt Nam.

Hà Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hut-von-ngoai-vao-chung-khoan-viet.html