Hữu Kiên: Người dân vươn lên từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi

Hữu Kiên là xã vùng 3 còn nhiều khó khăn của huyện Chi Lăng. Những năm qua, xác định nguồn vốn vay ưu đãi có vai trò quan trọng giúp người dân vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách, giúp người dân có vốn phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu.

Trước đây, điều kiện kinh tế của gia đình anh Hoàng Văn Hà, thôn Co Hương, xã Hữu Kiên còn khó khăn, không có thu nhập ổn định, thiếu vốn sản xuất. Năm 2016, nhờ được tổ tiết kiệm và vay vốn thôn và Hội Nông dân xã hướng dẫn, anh đã làm hồ sơ vay vốn NHCSXH 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi ngựa bạch.

Người dân thôn Co Hương, xã Hữu Kiên sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư chăn nuôi ngựa

Người dân thôn Co Hương, xã Hữu Kiên sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư chăn nuôi ngựa

Anh Hà chia sẻ: Từ số vốn vay, gia đình tôi xây dựng chuồng trại và mua 2 con ngựa bạch. Trong quá trình vay vốn, tôi được tham dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do xã phối hợp tổ chức để áp dụng vào chăm sóc đàn ngựa. Nhờ đó, đàn ngựa sinh trưởng và phát triển tốt. Đến nay, gia đình tôi đã có 20 con ngựa, bình quân mỗi năm bán ra thị trường từ 5 hoặc 6 con, đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng. Nhờ có thu nhập ổn định từ chăn nuôi ngựa, hiện gia đình tôi đã trả hết nợ ngân hàng và có vốn đầu tư trồng gần 10 ha rừng.

Còn đối với gia đình chị Vi Thị Anh, thôn Suối Mạ, nhờ nguồn vốn giúp sức, gia đình chị vươn lên thoát nghèo vào năm 2023. Chị Anh cho biết: Gia đình tôi có diện tích đồi rừng lớn nhưng thiếu vốn để phát triển sản xuất. Tháng 6/2022, tôi được cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện tuyên truyền, hướng dẫn làm hồ sơ vay 100 triệu đồng để đầu tư trồng rừng. Có vốn, gia đình tôi đã cải tạo đồi rừng và trồng được hơn 1 vạn cây bạch đàn, có thêm nguồn lực để chăm sóc 2.000 cây bạch đàn đã trồng từ năm 2015. Năm 2023, gia đình tôi khai thác một số diện tích rừng trồng từ năm 2015 và thu được trên 100 triệu đồng.

Không chỉ gia đình anh Hà, chị Anh, những năm qua, từ nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn xã Hữu Kiên đã xây dựng được các mô hình kinh tế hiệu quả. Hiện nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay ưu đãi trên địa bàn xã đạt 36,6 tỷ đồng với 456 hộ còn dư nợ.

Ông Nguyễn Văn Tin, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để nguồn vốn đến đúng đối tượng, hằng năm, UBND xã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tuyên truyền về các chương trình cho vay; nắm bắt nhu cầu vay vốn của các hộ dân, từ đó hướng dẫn họ lập hồ sơ vay vốn để phát triển sản xuất. Đến nay, người dân toàn xã đã trồng được trên 5.000 ha rừng (thông, bạch đàn), tổng đàn ngựa có trên 2.800 con.

Ngoài ra, để nguồn vốn phát huy hiệu quả, hằng năm, UBND xã phối hợp với cơ quan chuyên môn huyện tổ chức 2 - 3 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và dạy nghề về chăn nuôi, trồng trọt cho người dân. Đồng thời, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của hộ vay. Theo đó, hằng năm, UBND xã thành lập đoàn kiểm tra do Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng tiến hành kiểm tra tại 4 - 5 tổ tiết kiệm và vay vốn và 15 - 20 hộ vay; các tổ chức hội nhận ủy thác kiểm tra 100% hộ vay sau khi giải ngân cho vay 30 ngày, kiểm tra đột xuất để nắm bắt tình hình sử dụng vốn của hộ vay...

Ông Hoàng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Chi Lăng đánh giá: Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Hữu Kiên luôn quan tâm, tạo điều kiện để hoạt động cho vay của ngân hàng đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND xã đã tích cực phối hợp với ngân hàng nắm bắt và chỉ đạo giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc về hoạt động tín dụng trên địa bàn xã. Nhờ đó, nhiều năm qua xã không có nợ quá hạn, 100% tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động khá, tốt. Với những kết quả đó, tháng 7/2024, xã Hữu Kiên được Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam tặng giấy khen vì có thành tích tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị số 40 ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội.

Nguồn vốn ưu đãi được người dân xã Hữu Kiên đầu tư, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả đã giúp đời sống người dân nơi đây ngày càng được cải thiện, nâng cao. Hiện trên địa bàn xã có khoảng 100 hộ có mô hình kinh tế đem lại thu nhập trung bình từ 100 đến 300 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm dần qua các năm, hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 29%, giảm 9% so với năm 2022.

HIỂU LAM

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/huu-kien-nguoi-dan-vuon-len-tu-nguon-von-tin-dung-uu-dai-5022590.html