Hữu Lũng: Các cơ sở sản xuất công nghiệp khắc phục khó khăn sau bão
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhiều tài sản của các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã bị thiệt hại. Ngay sau khi mưa bão đi qua, các cơ sở đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Hữu Lũng khoảng 340 doanh nghiệp, cơ sở chế biến lâm sản, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng (cơ sở sản xuất công nghiệp)… với gần 3.500 công nhân, cùng đó đây cũng là huyện có số nhà xưởng, cơ sản xuất kinh doanh lớn nhất tỉnh. Cơn bão số 3 vừa qua đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện. Đặc biệt là đối với các xưởng sản xuất, chế biến lâm sản.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại những nhà xưởng, cơ sở sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng do bão trên địa bàn huyện Hữu Lũng chủ yếu là tốc mái tôn, đứt đường dây điện, hỏng các loại ván đã chế biến...
Đơn cử như tại xã Minh Sơn, là một trong những xã có số xưởng chế biến lâm sản bị thiệt hại khá nặng, có những xưởng ước thiệt hại lên tới gần 500 triệu đồng.
Theo thống kê của cơ quan chức năng huyện Hữu Lũng, trong cơn bão số 3 vừa qua, tại địa bàn huyện đã có trên 40 nhà xưởng, cơ sở sản xuất bị tốc mái, hư hỏng tài sản.
Ngay khi bão tan, các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn bị ảnh hưởng đã nỗ lực khắc phục như: sửa chữa lại nhà xưởng, các thiết bị sản xuất bị hỏng, kéo lại đường dây điện... để trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm kịp hoàn thành những đơn hàng, sản phẩm cho các đối tác…
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, chủ cơ sở chế biến lâm sản tại thôn Cã Trong, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng cho biết: Do ảnh hưởng của bão số 3 kèm theo mưa lớn, xưởng chế biến lâm sản của gia đình đã bị tốc mái tôn với diện tích gần 400 m2; hư hỏng 50 m3 ván loại 1, đứt hệ thống dây điện, hệ thống camera…, tổng thiệt hại gần 450 triệu đồng. Ngay sau khi mưa bão đi qua, cùng với sự nỗ lực của các thành viên trong gia đình, người lao động tại xưởng đã tập trung dọn dẹp lại các khu vực sản xuất, đến nay đã đưa trở lại hoạt động 1 máy bóc với 10 công nhân hoạt động, từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh.
Còn cơ sở chế biến lâm sản Nguyễn Quốc Huy, thôn Cã Ngoài, xã Minh Sơn, do ảnh hưởng của bão, cơ sở cũng bị tốc mái tôn với diện tích gần 200 m2; hỏng 2 môtơ máy bóc, đứt hệ thống dây điện, hỏng gần 50 m3 ván loại 1…, ước tổng giá trị thiệt hại gần 200 triệu đồng. Ngay sau bão qua đi, cơ sở đã nỗ lực khắc phục thiệt hại, đến nay đã lợp lại được mái tôn nhà xưởng, sửa chữa máy, môtơ điện và hoạt động trở lại để đảm bảo phục hồi sản xuất, hoàn thành đơn hàng cho các đối tác đã ký.
Theo thống kê của cơ quan chức năng huyện Hữu Lũng, trong cơn bão số 3 vừa qua, tại địa bàn huyện đã có trên 40 nhà xưởng, cơ sở sản xuất bị tốc mái, hư hỏng tài sản.
Ngay khi bão tan, các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn bị ảnh hưởng đã nỗ lực khắc phục như: sửa chữa lại nhà xưởng, các thiết bị sản xuất bị hỏng, kéo lại đường dây điện... để trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm kịp hoàn thành những đơn hàng, sản phẩm cho các đối tác…
Cùng với nỗ lực của các cơ sở sản xuất kinh doanh, cấp ủy, chính quyền huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành của huyện chủ động tham mưu nhằm đưa ra các chính sách để hỗ trợ các đơn vị sản xuất kinh doanh kịp thời khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất.
Ông Bàng Đức Cường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Hữu Lũng cho biết: Cơn bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại cho địa bàn huyện Hữu Lũng khá lớn, cả về nông nghiệp, các cơ sở sản xuất công nghiệp, nhà ở của người dân… với tổng thiệt hại ước tính khoảng 193 tỷ đồng. Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, hiện nay chúng tôi đã tổng hợp, báo cáo, tham mưu lãnh đạo UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, hỗ trợ các nơi bị thiệt hại để có thêm nguồn lực khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn như: Phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu UBND huyện phương án sử dụng nguồn ngân sách dự phòng của huyện và các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng quy định. Đồng thời, UBND huyện cũng chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các tổ chức đoàn thể phối hợp cùng các chi nhánh ngân hàng rà soát tạm dừng thu lãi, hỗ trợ gia hạn, khoanh nợ, giảm lãi suất... đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực I (phụ trách địa bàn huyện Hữu Lũng, Chi Lăng) cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão và chỉ đạo của lãnh đạo Cục Thuế tỉnh, chi cục đã tham mưu UBND huyện Hữu Lũng, phối hợp cùng các đơn vị, cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn rà soát, hướng dẫn các quy định về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí cho hộ, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng do gặp thiên tai. Cụ thể, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền chính sách mới, giải đáp những vướng mắc trong đó có hướng dẫn người nộp thuế (NNT) thực hiện các chính sách, giảm, giãn, hoãn thuế do ảnh hưởng của thiên tai theo quy định. Qua đó, nhằm giúp các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Tính đến thời điểm hiện tại, 80% cơ sở bị ảnh hưởng bởi bão số 3 đã quay trở lại hoạt động. Mong rằng với sự chủ động của các chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan, các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện Hữu Lũng sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh.