Hữu Ước cùng những bài ca 'Tiếng lòng'…
19h30 ngày 29 và 30 tháng 11, tại Nhà hát Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội, diễn ra chương trình 'Hữu Ước & Bài thơ Một mình' (kỷ niệm 50 năm quân ngũ trong cuộc đời binh nghiệp của ông).
Không chỉ là một đêm tưng bừng với thơ, nhạc, họa mà ông còn làm một việc rất ý nghĩa và thiết thực là tặng đường chiếu sáng cho đồng bào dân tộc Vân Kiều khu vực làng Ho và thiết bị trường học cho Trường THPT Phù Cừ (Hưng Yên) và Trường Câm điếc Hà Nội. Chương trình có nhiều yếu tố bất ngờ khi hé lộ về cuộc đời bình nghiệp của ông từ khi còn là chàng trai 17 tuổi lên đường nhập ngũ với những trải nghiệp thú vị về tình yêu, tình bạn của những người lính trẻ và đậm chất thế sự về sự trải nghiệm đời.
Chính chất xúc tác đầu đời ấy đã làm nên thơ, ca, nhạc, họa trong con người nghệ sĩ đa tài này. 17 bài hát qua giọng ca giàu nội lực, truyền cảm của dàn ca sĩ trẻ: Ngọc Anh, Thu Thủy, Lê Mận, Thụy Miên, Thắng Lợi, Trọng Hùng, Kiều Minh, Thế Dũng, Huyền Trang, Lương Huy, Vương Long và nghệ sĩ xẩm Mai Tuyết Hoa cùng MC Mỹ Vân.
Ai cũng có những kỉ niệm, đó có thể là những kỉ niệm vui hoặc buồn. Nhưng, hẳn là với những ai “trót” mang trong mình trái tim mong manh và đa cảm của người nghệ sĩ thì trong họ, những kỉ niệm thường dạt dào nỗi buồn và thăm thẳm tận cùng là sự cô đơn.
Có ai đó đã nói, những người lính luôn thường trực trái tim trong trắng, trái tim ấy rất trinh nguyên khi hiến dâng cho Tổ quốc, trong đó có không ít những người lính trẻ ra đi và mãi mãi không có ngày trở về.
Hữu Ước ở ngay đầu chương trình đã nhớ về giai đoạn đầu cuộc đời binh nghiệp của mình khi còn là người lính binh nhì thơ ngây và trong sáng. Đó là một ngày cuối xuân năm 1971, những người lính khi ra chiến trận với hành trang một chiếc võng, một chiếc tăng bạt, một chiếc ba lô, một khẩu AK, một gùi tượng gạo và ngay cả khi đối diện với sự sống - cái chết, vẫn mang theo một cây đàn guitar.
Trung tướng, nhà văn Hữu Ước sáng tác rất nhiều ca khúc nhưng ông không chọn ca khúc của mình để mở màn cho chương trình mà chính ông lại thể hiện bài hát của nhạc sĩ Anh Bằng với “Nỗi lòng người đi”.
Cuộc đời như những thước phim sống động, để ông nhớ về một người bạn, một người lính trẻ Tô Khải Hoàn, là con trai của nhạc sĩ Tô Hải. Người lính ấy đại diện cho hàng triệu người lính ở mọi miền Tổ quốc, chia tay từ những làng quê nghèo, mái nhà tranh, với khóm chuối, bụi tre, hay những người lính từ thành phố sáng ánh đèn đường đêm, dáng dấp hào hoa của phố thị. Những người lính lên đường với hình bóng người mẹ, người chị, người vợ, người em gái nhỏ.
Và có vô cùng nhiều những chàng trai ở lứa tuổi 17 ôm ấp, mơ mộng về một người con gái của đời mình. Tình yêu đầu đời của người lính trẻ Tô Khải Hoàn với người con gái hơn anh 2 tuổi. Từng lá thư ăm ắp tình, vội vã viết từ chiến trường gửi về giữa bom rơi, đạn trút, cùng với dò phong lan rừng gửi về người con gái “tôi yêu” nơi hậu phương mà anh không biết là nó có đến đúng địa chỉ hay không.
Người con gái năm đó chính là một nữ phóng viên chiến trường của Báo Tiền Phong, người con gái ấy sau này trở thành một văn sĩ nổi tiếng, đó chính là nhà văn Lê Minh Khuê. Chiến tranh quá ác liệt, chàng trai trẻ Tô Khải Hoàn đã hi sinh, nằm lại chiến trường.
Tình yêu của người đồng đội từ thuở 17 tuổi với trái tim trong trắng, chưa khô giọt lệ nằm lại chiến trường đem đến cho Hữu Ước một cảm xúc sâu sắc và theo ông suốt những năm tháng sau này. Ngay cả khi kết thúc chiến tranh từ rất lâu và thời bình với sự đổi thay, ông vẫn không thể nào quên những năm tháng đẹp đẽ nhất và nỗi buồn sâu lắng nhất thuở đầu đời đấy.
Cách đây vừa tròn 15 năm, một buổi chiều nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, một người bạn của Trung tướng, nhà văn Hữu Ước đột ngột gõ cửa phòng làm việc của ông tại trụ sở Báo An ninh thế giới (100 Yết Kiêu) và bước vào.
Ông đi cùng một phụ nữ lớn tuổi. Đây chính là nhà thơ nữ, phu nhân nhạc sĩ Hoàng Giác, mẹ của Hoàng Nhuận Cầm. Bà nghe danh Hữu Ước từ lâu, biết ông là một người từ chiến trận trở về nên ít nhiều có sự đồng cảm và cũng từng nghe âm nhạc của ông nên bà muốn bài thơ của bà do chính ông viết nhạc. Hữu Ước đọc bài thơ và mê cung của cảm xúc thương nhớ những đồng đội mình đã ngã xuống trên chiến trường.
Vậy là âm hưởng và giai điệu của bài hát liền vang lên trong ông: “Cứ chiều chiều mẹ lại đến bên con. Một nấm mộ xanh như chiếc nôi tròn. Con của mẹ nằm đây. Con của mẹ nằm đây. Đồng đội con nằm đây. Hiu hiu gió thổi trưa hè mãi không đỏ nổi đầu que hương buồn. Mẹ già tay mẹ run run. Thương con khói vờn cỏ non. Nắng chiều nhuộm đỏ chân mây, con yêu của mẹ đã nhuộm hồng trời xanh...”.
Bài hát “Lời ru cỏ non” được ông sáng tác trong sự đồng điệu khi nghĩ về người bạn Tô Khải Hoàn thuở 17 tuổi ra chiến trận và tri ân cả những đồng đội khác nằm xuống trên mảnh đất chiến tranh thấm đẫm máu và hoa.
Bài hát “Lời ru cỏ non” lời thơ của Nguyễn Thị Kim Châu, âm nhạc Hữu Ước, trước đây NSND Thái Bảo thể hiện rất thành công. Khi chị hát ca khúc này, dưới khán phòng đã có bà mẹ lặng lẽ lấy vạt áo thấm nước mắt.
Sau này, qua giọng ca của ca sĩ Giải nhất Sao Mai điểm hẹn 2015, Huyền Trang để lại ấn tượng với nhiều người. Bài hát này đã có trên 100 lần lên sóng truyền hình. Trong chương trình kỉ niệm 50 cuộc đời binh nghiệp, sân khấu của Nhà hát Âu Cơ, “Lời ru cỏ non” một lần nữa được vang lên qua giọng ca mượt mà, truyền cảm của Huyền Trang.
Trong sáng tác âm nhạc của Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, ta bắt gặp nhiều cung bậc cảm xúc và sự đa dạng của màu sắc, phong phú giai điệu. Âm nhạc của ông nhiều màu cứ theo đó mà ra. Có lẽ, vốn trót mang trái tim đa cảm và rất dễ tổn thương, âm nhạc ông khi da diết, nồng nàn, khi lắng động, đầy tâm trạng.
Vũ Thắng Lợi cháy hết mình thể hiện “Mẹ tôi”. Phương Anh trầm lắng với “Tiếng chuông chùa”. Thụy Miên da diết, khắc khoải với “Em vẫn chờ, vẫn đợi” và mong manh, bay lên với “Phiêu diêu”. Thu Thủy trong trắng tan trong “Hạt nắng”. Lê Mận thánh thót, trong trẻo hòa trong “Tình yêu của em”. Ngọc Anh và Lương Huy nồng nàn, sâu lắng trong “Lời hò hẹn cuối cùng”.
Huyền Trang trữ tình, mênh mang buồn cùng “Một câu hò sông Hương” - “Đò đưa bên phá Tam Giang. Anh hò em hát con đò nghiêng trôi. Anh hò em hát nỗi buồn chia đôi. Đời em như cánh bèo trôi. Cánh bèo phiêu dạt biết về nơi mô. Cánh bèo phiêu dạt biết về nơi mô. Bèo trôi, nước chảy bèo trôi. Sông Hương núi Ngự ngẩn ngơ, ngẩn ngơ đứng nhìn. Hò ơ ơ hò ơ...”.
Trong chương trình “Hữu Ước & Bài thơ Một mình” còn có một tiết mục đặc sắc, đó là lối hát xẩm được nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa và chính tác giả - nhà văn Hữu Ước thể hiện qua bài “Vịnh thi sĩ”.
Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa chia sẻ được làm việc với anh cũng đã lâu, thấy trong vị tướng đa tài này là một biển giông gió và quả thực ông viết lời, nhạc cho xẩm đậm chất xẩm. Ca từ, giai điệu không thua kém bất cứ một nghệ sĩ chuyên nghiệp tài năng nào trong nghề xẩm.
Khó có một ông tướng nào ngồi trên vinh quang, quyền cao chức trọng, tiền hô hậu ủng, người người tung hô lại nghĩ đến thân phận cùng đinh, tầng lớp thấp nhất của xã hội. Không màu mè, cường điệu, xẩm đi vào đời sống âm nhạc chân thực, lay động tâm hồn với phận người chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh.
Nghe lời ca, giai điệu của Hữu Ước, đôi khi ta thấy gai gai người. Tuy chỉ là một nghệ sĩ tay ngang, vậy mà rất thi sĩ, nghệ sĩ. Giai điệu và âm hưởng cứ thể mà tuôn ra như vỉa nham thạch của núi lửa phun trào.
Vì sao có thể viết, vì sao có thể vẽ nếu con người đó không có bút lực dồi dào. Bút lực ở đây không chỉ viết những áng văn chương thi ca, bút ký, tiểu thuyết mà bút lực này còn gom cả khối màu hội họa để thành một khối lượng đồ sộ với 50 bức tranh được trưng bày triển lãm tại đêm thơ, nhạc, họa của ông vào ngày cuối tháng 11 này.
Nhà phê bình lí luận âm nhạc Nguyễn Thụy Kha nhận định: “Trong Hữu Ước là một người lính có tính đồng hiện. Chạy quanh tất cả mọi thứ để tìm thấy tận sâu ngóc ngách trái tim mình, cảm xúc mình. Điều đó chỉ những người lính Việt Nam mới có thể làm được”.
Nhạc sĩ Tuấn Phương chia sẻ: “Tôi và anh đến với nhau rất tình cờ. Tôi nghe danh anh Ước đã lâu nhưng chưa có dịp gặp mặt. Chỉ biết đây là một vị Tướng Công an nhưng lại thử sức qua nhiều lãnh địa nghệ thuật, như văn thơ, bút kí, truyện ngắn, tiểu thuyết, hội họa. Anh mang đến cho tôi sự ấn tượng và phục vì mình đã nghĩ con người này làm được nhiều thứ quá, quả là vị tướng đa tài. Khi anh bắt đầu viết nhạc, tôi cũng tò mò lắm, không hiểu ông nhà văn này viết nhạc thế nào.
Tôi và anh Hữu Ước có một người bạn chung là nhạc sĩ Quang Vinh. Quang Vinh vừa là em, vừa là bạn của anh Ước, đồng thời cũng là bạn thân của tôi. Rồi duyên đến, tôi gặp anh. Thật ra, đến với nhau cũng là sự nể trọng nhau. Tôi luôn coi anh Ước như một người anh.
Sau lần quen biết đầu tiên để lại trong tôi ấn tượng về anh, sau này mỗi dịp hai anh em gặp nhau là khoe thơ, khoe nhạc. Hai anh em có tác phẩm gì mới thì thường chia sẻ, giãi bày với nhau. Trong nhiều bài thơ của anh, có một bài mà tôi rất ấn tượng. Bài thơ “Trái tim tôi” lột tả đúng con người anh. Một người đầy sóng gió, giông bão. Trong bài có câu: “Ôi kiêu hãnh trái tim của tôi suốt một đời bi kịch...”.
Cái câu rất đúng và có phần hơi kiêu. Khi tôi để ý những công việc anh làm thì thấy đúng như anh ấy viết “Ôi côi cút trái tim của tôi”. Một trái tim kiêu hãnh và côi cút. Lột tả đúng con người của anh ấy, rất nhạy cảm. Bài hát này trong chương trình sẽ được giọng ca giàu nội lực của ca sĩ Vũ Thắng Lợi thể hiện.
Nhạc sĩ Tuấn Phương hào hứng: “Qua câu chuyện của anh Ước cũng cho tôi đầy cảm xúc dào dạt để viết bài về Yên Tử. Và ngay cả bây giờ, khi anh không còn công tác nữa thì chúng tôi vẫn gắn bó đúng nghĩa là anh em, bạn bè chia sẻ và đồng cảm. Có người có thể nói được hết với nhau, nghe được hết với nhau, có một người như vậy ở cõi sống này thật không dễ chút nào và tôi luôn trân trọng tình cảm này”.