Hữu Ước... và bài thơ 'Một mình'

19h30 ngày 29 và 30-11-2019, tại Nhà hát Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội, sẽ diễn ra chương trình 'Hữu Ước & Bài thơ một mình' (Kỷ niệm 50 năm quân ngũ trong cuộc đời binh nghiệp của ông). Đây là chương trình do ông đích thân viết, dàn dựng kịch bản, lời tự sự bằng cảm xúc dào dạt và cái nhìn giàu nhân văn, nhân ái với cuộc đời.

Ai đó đã nói rằng: “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý”, nghĩa là hòn ngọc thô kia nếu chẳng được mài giũa thì cũng chẳng thành món đồ trân quý được, con người ta không học qua thầy hay bạn tốt, qua nghịch cảnh của đường đời thì chẳng thể hiểu được đạo lý làm người.

Anh hùng lao động, Trung tướng, nhà văn Hữu Ước là minh chứng cho câu nói trên. Có một vị tướng trong nhà văn lãng du, hay đã có một nhà văn thi sĩ trong vị tướng? Có lẽ, là cả hai. Cuộc đời với không ít vinh quang, thăng trầm, nghịch cảnh đã tạo nên trong ông một bản lĩnh sống, một thương hiệu và con người thi sĩ lãng tử như thế.

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước cùng gia đình ngày mới nhập ngũ.

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước cùng gia đình ngày mới nhập ngũ.

Từ lâu lắm, cái tên Hữu Ước đã quá quen thuộc với công chúng, dù rằng có nhiều người chưa từng biết mặt ông. Từ thời mà truyền thông, internet còn chưa tưng bừng và rộn rã như bây giờ, vậy mà nói đến Tổng Biên tập, nhà văn Hữu Ước là mọi người phải dừng lại, nói đôi ba câu về ông. Ông quả là con người khác lạ, bởi rằng, tên cá nhân đã là mãnh lực lôi kéo được nhiều người.

Có những người sinh ra trên đường đời may mắn được trải thảm hoa hồng nhưng cũng không ít người trên đường sinh mệnh hứng chịu không ít những gió bão, chông gai, thác ghềnh và nếu không kiên định, bản lĩnh sẽ bị nhấn chìm và tiêu hủy.

Chỉ có một số ít còn sót lại là “kì nhân dị thảo” khi càng đương đầu với số phận thì càng cho thấy bản lĩnh, khát vọng sống mãnh liệt và đương nhiên con người đó không phải bình thường nếu không muốn nói là dị thường, phi thường. Muốn nói gì thì nói, không thể phủ nhận, ông là người khơi mào công cuộc làm báo thời đổi mới, tiên phong cho phong trào đổi mới báo chí, khi đất nước được mở cửa, đã có thời kì huy hoàng rực rỡ của thương hiệu An ninh thế giới.

Tuổi Quý Tị, ông sinh ra ở huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, vùng quê nhãn lồng nức tiếng miền Bắc. Người Việt ta xưa có câu “Trai Đinh, Nhâm, Quý thì tài. Gái Đinh, Nhâm, Quý phải hai lần đò”. Nói vậy, hẳn cũng không đúng lắm, bởi năm Quý đấy, đã có bao nhiêu đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời, chỉ tính riêng vùng nhãn lồng Hưng Yên thì những đứa trẻ trong một xã, một huyện, một tỉnh đã là bao nhiêu. Trên con đường binh nghiệp, danh tướng, hổ tướng thì nhiều lắm nhưng tướng như nhà văn Hữu Ước thì... hiếm.

 Một tập thơ của Trung tướng, nhà văn Hữu Ước.

Một tập thơ của Trung tướng, nhà văn Hữu Ước.

Những người đã từng quen biết ông, hoặc chưa từng biết ông, chỉ gặp gỡ ông ở những tác phẩm do ông xuất bản, hoặc đọc những bài phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông đều công nhận không chỉ là một người quản lý giỏi mà ông quả là vị tướng đa tài, ngút ngàn khẩu khí.

Trên bình diện văn học nghệ thuật, ông đều có thể tham gia cho ra trò. Từ truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, ca nhạc, họa. Ngay cả những tác phẩm sân khấu và ở bộ môn nghệ thuật thứ 7 đều có thành tựu.

Nhiều người không hiểu, sức lực nào, ở đâu ra, để ông trong hành trình dài đằng đẵng của mình với khối lượng công việc đồ sộ vậy mà vẫn ăm ắp, hôi hổi cảm xúc để cho ra những tác phẩm nghệ thuật đầy nhựa sống, chất thơ như thế? Có lẽ, chính là nội lực mãnh liệt đã lôi kéo, cuốn đi, để ông hòa tan vào cảm xúc cuồn cuộn như ngọn núi lửa tuôn trào.

Với thơ. Người ta nói thơ của Hữu Ước rất lý tính, có người lại cãi bảo: “Thơ Hữu Ước rất buồn, rất sâu và cũng rất đời”.

Thôi thì, mỗi người mỗi ý, cảm nhận khác nhau nhưng ta nghe những vần thơ ấy thấy một nỗi buồn cứ âm thầm, lặng lẽ, mênh mang, len lỏi. Cảm xúc đó rất thật, cứ như thể con người đó cầm nắm nó ở trong tay. Thơ là tâm trạng, nói ra suy nghĩ của mình bằng ca từ chắt lọc tinh túy. Đọc thơ Hữu Ước, người ta mới nghiệm ra rằng: “Không phải chỉ uống rượu mới say mà người ta còn biết say trong thơ. Hay nói cách khác đi, thơ làm người ta say”.

Say là trạng thái không còn đủ tỉnh táo, lý trí cũng chẳng còn đủ mạnh mẽ, chỉ có cảm xúc là ùa gọi nhau về giữa căn ngõ hun hút gió. Vậy thì ai đó, đừng nói rằng thơ ông lý tính, lý trí gì gì đó. Không phủ nhận ông là người lý tính, lý trí đấy là khi ông vận hành đầu óc minh bạch, rành rẽ vào công việc quản lý báo chí, hay kiểm duyệt các bài báo. Còn khi sáng tác ông phiêu đến tận phương trời nào, xa lắm, cao lắm. Lúc này ông là một nghệ sĩ đích thực.

Hồn nghệ sĩ ù ù gió thổi/ Mặt diễn viên trăng gió gọi soi”, nhà văn Hữu Ước là vị tướng của lực lượng vũ trang nhưng đích thị từ sâu thẳm là tâm hồn đa cảm, đa mang, giàu cảm xúc và nhiều nước mắt của chính ông.

Chỉ có người nghệ sĩ mới thấy khe khẽ buồn khi đêm trở dậy và càng thấm thía, cảm thấy mình cô độc: “Đêm u tịch/ Không ánh sáng/ Không tiếng động/ Bỗng thấy cô đơn/ Cảm giác sợ ùa về/ Không rõ hình hài/ Chẳng biết sợ vì sao/ Và vì sao phải sợ (?)” Bỗng: “Mồ hồi vã/ Sống lưng lạnh ngắt/ Thổn thức cõi lòng... Từ tâm khảm/ Muốn thét gào” và rồi nhận ra chân lý “Ta cần sự sống/ Sự sống của âm thanh rung động/ Sự sống ánh sáng lung linh/ Sự sống của chồi non/ của cây/ của lá/ và hoa” và hăm hở tiến về phía trước đón ánh bình minh, khi tin rằng ở cuối đường hầm là ánh sáng: “Sự sống là dự định ước mơ/ Sự sống hãy xua nhanh đi/ Đêm u tịch/ Đêm không ánh sáng/ Và đêm không tiếng động/ Để bình minh bắt đầu”.

Cây càng lên cao càng cô độc. Trong chương trình “Hữu Ước & bài thơ Một mình”, khán giả sẽ được thưởng thức 50 bức tranh - tác phẩm hội họa của ông. Các ca khúc êm đềm và mượt mà qua những ca sĩ trẻ thể hiện. Có lẽ, không chỉ có thơ chơi, mà ngay cả trong âm nhạc, hội họa ông cũng “chơi”.

Một tập thơ của Trung tướng, nhà văn Hữu Ước.

Một tập thơ của Trung tướng, nhà văn Hữu Ước.

Chơi mà trội, mà ấn tượng thì không phải ai cũng làm được. Người khác biệt thường làm nên chuyện khác biệt và đương nhiên không tránh khỏi sự đơn độc. Càng đi về cuối chặng đường ông càng thấm thía - một mình. Bản chất của người nghệ sĩ có thực tài thì sự một mình đấy ăn sâu vào máu huyết, gặm nhấm tâm can. Ngay kể cả trong đám đông đang reo hò cổ vũ, huyên náo tung hô thì bản chất của người nghệ sĩ trong ông vẫn trực chờ đối diện với nỗi buồn và sự cô đơn.

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước có nỗi buồn một mình không thể khỏa lấp, không chỉ là một nhân vật em cụ thể, mà là cả với vũ trụ, với cuộc đời, với cả kiếp nhân sinh. Văn thơ là dự báo, dự cảm.

Ngay từ ngày đầu xuân năm mới cách đây 15 năm, tết Ất Dậu, trong một buổi chiều tà, ông thăm ngôi chùa cổ, nghe tiếng chuông chùa mà ông đã tuôn ra những vần thơ lắng lòng: “Cái rét heo may giá lạnh/ Thinh không vang tiếng chuông chùa/ Âm u lòng người hiu quạnh/ Cô đơn của một kiếp người/ Tiếng chuông chùa không biết/ Tiếng chuông chùa cứ buông...”.

Vậy đó, trong tận cùng sâu thẳm của vị Tướng là một nỗi buồn mênh mang sâu lắng. Nỗi buồn đấy lớn đến nỗi chẳng thể gọi tên, dù rằng đang ở giữa tiết xuân rực rỡ, đào khoe sắc thắm, cây cối đâm chồi non lộc biếc, ở ngay giữa chốn thiền môn tĩnh tại, vậy mà tâm hồn dào đạt đa cảm ấy không thể có phút thảnh thơi, thư thái mà chỉ thấy cả một biển bao la buồn.

Nhiều năm qua, giữa bảng lảng mùi nhang khói, giữa tiếng kinh cầu và an vị phật, giữa sum sê của cỏ cây hoa trái, vị tướng càng nhận ra chân giá trị của nỗi buồn, không thể kể, không thể đếm, không thể gọi tên.

Dự cảm đấy như theo ông cho đến tận giờ. Nỗi buồn dai dẳng và da diết, chính thế mà cuối tháng 11 năm nay, ông kỉ niệm 50 năm đời binh nghiệp, quân ngũ của mình chỉ đơn giản vẻn vẹn một cái tên thật giản dị, đầy đủ nhất về con người mình: “Hữu Ước & Bài thơ Một mình”.

-----------------------------------------------------------------------------------

MỘT MÌNH

(Hữu Ước)

Một ngày

Một ngày

Lại một ngày...

Một mình

Một mình

Lại một mình...

Đi đâu, về đâu...

Thế giới rộng dài

Vũ trụ bao la

Ai đến với ai

Và ai tìm ta...

Ai là bạn

Ai là người qua đường

Câu chuyện làm quà

Nụ cười nhạt

Cái gật đầu vô nghĩa

Người đến với người

Nụ cười cũ,

Mặt người cũng cũ.

Mặt đất hẹp, miếng ăn chật chội

Chốn quan trường vương bụi hư vô

Thời gian cũ kiếp người cũng cũ

Nốt nhạc buồn lang thang

Một mình nốt nhạc buồn rơi

Một mình ta với đơn côi một mình

Một mình

Một mình

Lại một mình

Một ngày

Một ngày

Lại một ngày...

Nốt nhạc buồn - gió hoang....

Năm 1970, tròn 17 tuổi, ông nhập ngũ, tham gia bộ đội biên phòng. Sau khi xuất ngũ, ông theo học Đại học Báo chí, sau đó trở thành phóng viên Báo Công an nhân dân và trở thành sĩ quan Công an nhân dân.

Năm 1997, ông làm Tổng Biên tập Báo An ninh thế giới và Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ công an. Năm 2003, làm Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân. Năm 2006, ông được phong hàm Thiếu tướng. Năm 2008, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kì đổi mới.

Năm 2009, ông giữ chức Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân và kiêm chức Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân. Năm 2010, ông đeo quân hàm Trung tướng. Năm 2011 ông kiêm Tổng Biên tập Kênh Truyền hình Công an nhân dân (ANTV). Hiện nay, ông là Chủ tịch Chi hội nhà văn Công an.

Mỹ Trân

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/huu-uoc-va-bai-tho-mot-minh-566887/