Hủy án sơ thẩm với lý do xác định sai bị đơn, sai thẩm quyền

TAND tỉnh Gia Lai cho rằng Công ty Điện lực Gia Lai không phải là bị đơn trong khi nguyên đơn nói khởi kiện chính đơn vị này.

TAND tỉnh Gia Lai vừa xử phúc thẩm, tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND TP Pleiku vụ tranh chấp hợp đồng mua bán điện giữa hai nguyên đơn là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thanh Danh (gọi tắt Công ty Thanh Danh) và Công ty TNHH Năng lượng xanh Vạn Phát (Công ty Vạn Phát); bị đơn là Tổng công ty Điện lực Miền Trung (EVNCPC), Công ty Điện lực Gia Lai (PC Gia Lai).

TAND tỉnh Gia Lai chuyển hồ sơ cho TAND TP Pleiku để hướng dẫn, giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Tòa phúc thẩm nói tòa sơ thẩm không có thẩm quyền

Trước đó, xử sơ thẩm hồi tháng 9-2022, TAND TP Pleiku tuyên buộc EVNCPC, PC Gia Lai thanh toán cho Công ty Thanh Danh hơn 5,8 tỉ đồng, thanh toán cho Công ty Vạn Phát hơn 5,8 tỉ đồng và chịu án phí hơn 119 triệu đồng.

Sau đó, bị đơn kháng cáo, yêu cầu hủy bản án sơ thẩm của TAND TP Pleiku với lý do cho rằng tòa cấp sơ thẩm thụ lý, xét xử vụ án chưa đúng thẩm quyền.

Phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: LK.

Phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: LK.

HĐXX phúc thẩm cho rằng TAND TP Pleiku có nhiều vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng; những vi phạm này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

Tòa cấp sơ thẩm xác định PC Gia Lai (trụ sở tại TP Pleiku) là bị đơn trong vụ án là không đúng quy định pháp luật, không đúng nội dung khởi kiện của nguyên đơn.

TAND TP Pleiku không những xác định không đúng tư cách tố tụng của PC Gia Lai, mà còn tuyên buộc PC Gia Lai cùng EVNCPC thanh toán cho Công ty Thanh Danh và Công ty Vạn Phát hơn 11,7 tỉ đồng. Điều này gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của PC Gia Lai.

Theo HĐXX phúc thẩm, bị đơn trong vụ án phải là Tổng công ty Điện lực miền Trung có trụ sở tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng và có nơi thực hiện hợp đồng tại huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Như vậy, chỉ có TAND quận Hải Châu và TAND huyện Krông Pa mới có thẩm quyền thụ lý, giải quyết vụ án.

HĐXX phúc thẩm nêu: Năm 2019, EVNCPC ủy quyền cho cá nhân (ông Văn Đình Hậu, Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai - PV) thực hiện ký hợp đồng mua bán điện, chứ không phải ủy quyền cho tổ chức nhân danh mình thực hiện việc ký kết hợp đồng với hai công ty nêu trên.

Đại diện EVNCPC, cho rằng nếu tòa tuyên nguyên đơn thắng kiện thì PC Gia Lai sẽ không có khả năng tài chính để thực hiện việc chi trả tiền mua điện cho nguyên đơn. PC Gia Lai không phải là bị đơn trong vụ án.

Đồng thời, thừa nhận có sử dụng số điện bán vượt nhưng không có cơ sở thanh toán số tiền bán vượt này do chưa có quy định.

Do đó, tranh chấp hợp đồng này không phải là tranh chấp hợp đồng phát sinh giữa hoạt động chi nhánh của EVNCPC là PC Gia Lai quy định tại điểm D, khoản 1, Điều 40 của BLTTDS. Do đó, TAND TP Pleiku không có thẩm quyền giải quyết vụ án.

Nguyên đơn nói có khởi kiện PC Gia Lai

Sau khi tòa phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND TP Pleiku, bà Nguyễn Thị Mộng Huyền, giám đốc Công ty Thanh Danh và Công ty Vạn Phát, nói bà khởi kiện EVNCPC và PC Gia Lai ra tòa.

Theo bà Huyền, ngay từ đầu, giám đốc PC Gia Lai được EVNCPC ủy quyền thực hiện hợp đồng mua bán điện với công ty và có con dấu xác nhận hợp đồng mang tên Công ty Điện lực Gia Lai. Sau đó, PC Gia Lai cũng chính là đơn vị đã ba lần thực hiện thanh toán tiền mua điện, có mã số thuế và có các yêu cầu, thông báo, làm việc với bên bán điện.

Nguyên đơn vụ kiện nói sẽ kháng nghị giám đốc thẩm. Ảnh: LK.

Nguyên đơn vụ kiện nói sẽ kháng nghị giám đốc thẩm. Ảnh: LK.

“Chúng tôi kiện cả hai bị đơn là EVNCPC và PC Gia Lai. Tòa phúc thẩm cho rằng PC Gia Lai không phải bị đơn là tước quyền lựa chọn nơi khởi kiện của nguyên đơn. Tôi khởi kiện tại TAND TP Pleiku là phù hợp"- bà Huyền nói.

Cũng theo bà Huyền, trước đây TAND tỉnh Gia Lai đã hướng dẫn, chuyển đơn kiện của bà về TAND TP Pleiku để thực hiện các thủ tục khởi kiện. Tuy nhiên, đến khi xử phúc thẩm, TAND tỉnh lại cho rằng TAND TP Pleiku không có thẩm quyền giải quyết vụ án. Nguyên đơn sẽ kháng nghị lên giám đốc thẩm để làm rõ.

Bên mua điện nói lắp pin dư, tòa sơ thẩm nói không Bản án sơ thẩm của TAND TP Pleiku xác định: ngày 26-12-2020, EVNCPC ủy quyền cho giám đốc PC Gia Lai ký hợp đồng mua bán điện với Công ty Thanh Danh và Công ty Vạn Phát. Hợp đồng có công suất lắp đặt là 999,6 kWp, vị trí dự án tại xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Sau khi ký hợp đồng, PC Gia Lai thanh toán tiền điện ba tháng. Từ tháng 3-2021, PC Gia Lai tạm ngưng thanh toán với lý do cho rằng sản lượng điện của hai công ty trên tăng bất thường. Ngày 6-5-2021, PC Gia Lai tổ chức đoàn kiểm tra, ghi nhận: Công ty Thanh Danh có 2.915 tấm pin, vượt công suất đã ký kết là 195,55 kWp (tương ứng với 476 tấm pin lắp dư); Công ty Vạn Phát có 2.916 tấm pin, vượt công suất ký kết 195,96 kWp (tương ứng với 477 tấm pin lắp dư). Tuy nhiên, TAND TP Pleiku cho rằng trong quá trình thực hiện hợp đồng, bên mua không có biên bản kiểm tra số lượng, chất lượng pin. Sau khi xảy ra tranh chấp mới tiến hành kiểm tra và cho rằng bên bán đã lắp thêm sau nghiệm thu. Mặt khác, bên mua không xác định được vị trí của số lượng tấm pin lắp mới này lắp ở đâu, khi nào. Còn bên bán điện đã chứng minh không có lắp thêm pin kể từ khi ký hợp đồng. HĐXX sơ thẩm viện dẫn các quy định cho rằng hệ thống điện mặt trời mái nhà của hai công ty trên nằm trong giới hạn pháp luật cho phép, chưa vượt quá đỉnh công suất lắp đặt mà pháp luật quy định. Do đó, cần bảo vệ quyền lợi của bên bán điện.

LÊ KIẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/huy-an-so-tham-voi-ly-do-xac-dinh-sai-bi-don-sai-tham-quyen-post724398.html