Huy chương đầu tiên

Tính đến hết chiều 8-8, mới có 80 đoàn thể thao giành huy chương ở Olympic Paris 2024.

Để bước lên bục nhận huy chương ở Thế vận hội (diễn ra 4 năm/lần) không chỉ là ước mơ của vận động viên (VĐV), huấn luyện viên mà đó còn là niềm khát khao của cả một dân tộc.

Đoạt huy chương vàng (HCV) điền kinh những ngày qua đã đưa St. Lucia và Dominica vào câu lạc bộ các quốc gia giành HCV ở Thế vận hội. Nhưng đối với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ khác, sự chờ đợi để giành huy chương Olympic vẫn còn kéo dài.

Mặc dù hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ đã giành được huy chương kể từ khi Thế vận hội hiện đại bắt đầu vào năm 1896 nhưng danh sách VĐV đoạt huy chương (nhất là HCV) vẫn chỉ là trong mấy chục đoàn quen thuộc. Trước khi tham gia Thế vận hội mùa hè Paris 2024, Hoa Kỳ có nhiều huy chương nhất trong lịch sử tham dự Olympic, với 2.975 huy chương, theo thống kê của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC). Tiếp theo là Liên Xô (1.204 huy chương), Đức (1.058 huy chương), Anh (955 huy chương), Pháp (898 huy chương)...

Hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, tức gần 1/3 số quốc gia tham dự Olympic chưa có VĐV giành huy chương Thế vận hội ở bất kỳ môn thể thao nào, dù là mùa hè hay mùa đông.

 Julien Alfred đoạt Huy chương vàng điền kinh nội dung 100m nữ cho quốc đảo St. Lucia. Ảnh: Getty

Julien Alfred đoạt Huy chương vàng điền kinh nội dung 100m nữ cho quốc đảo St. Lucia. Ảnh: Getty

“Quá sốt ruột và bực bội”, Marco Luque-thành viên Ủy ban Olympic Bolivia và là Chủ tịch Liên đoàn Điền kinh Bolivia than thở bên lề Olympic Paris 2024, khi chứng kiến VĐV đến từ St. Lucia và Dominica giành HCV điền kinh ở Thế vận hội kỳ này: “Tôi cảm thấy bất lực khi không thể làm tốt hơn. Bolivia khát khao một tấm huy chương ở đấu trường Olympic. Chúng tôi chờ đợi điều này đã gần một thế kỷ”.

Thỉnh thoảng, lại có quốc gia mới gia nhập câu lạc bộ có huy chương ở Thế vận hội. Tại Stade de France cách đây không lâu, Thea LaFond-Gadson, 30 tuổi, đến từ Dominica, đã giành HCV ở nội dung nhảy 3 bước nữ. Hay như Julien Alfred, 23 tuổi, đến từ St. Lucia (quốc đảo với dân số chỉ khoảng 110.000 người), cũng thuộc vùng Caribe, đã giành HCV ở nội dung chạy 100m nữ-đều là huy chương đầu tiên cho quốc gia của họ ở đấu trường Olympic.

“HCV có ý nghĩa rất lớn đối với những quốc đảo nhỏ”, Julien Alfred chia sẻ và tự hào khi “thế giới thấy được cách chúng ta đến với Thế vận hội từ một nơi nhỏ bé, nhưng đã có VĐV đứng trên bục nhận HCV”.

Đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ từ trước đến giờ vẫn miệt mài đầu tư chờ đợi tấm huy chương đầu tiên ở Thế vận hội, hẳn hết thảy đều đang tự hỏi: Nếu họ có thể làm được (tức giành huy chương), tại sao chúng ta lại không thể?

Khó đấy chứ không đơn giản!

Bolivia, quốc gia Nam Mỹ với 12 triệu dân, đã tham dự Thế vận hội đầu tiên vào năm 1936. Trong 22 lần tham dự Thế vận hội (15 Thế vận hội mùa hè, 7 Thế vận hội mùa đông), đất nước này chưa bao giờ có VĐV giành được huy chương.

Theo IOC, quốc gia có nhiều lần tham dự Olympic hơn Bolivia nhưng cũng có kết quả không như mong đợi là Monaco (32 lần) và Andorra (25).

Danh sách quốc gia và vùng lãnh thổ chưa giành huy chương ở Olympic là lăng kính phản chiếu của lịch sử, chính trị, kinh tế... Nó bao gồm các quốc gia nhỏ (như Eswatini, Bhutan và Tuvalu), những quốc gia kém phát triển (như Cộng hòa Trung Phi, Yemen và Honduras), những quốc gia mới hơn (như Seychelles, Bosnia và Herzegovina, Belize) và một số quốc gia là sự kết hợp của cả ba.

“Chúng tôi là một quốc gia rất nghèo”, Rajvaidya, Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Nepal cho biết. Nepal với dân số 31 triệu người, có tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người 1.300USD/năm. Quốc gia này chưa giành được huy chương Olympic nào trong 18 lần tham dự Thế vận hội, ngang bằng với Myanmar về sự thất vọng trong số các quốc gia châu Á.

“Đầu tư của chúng tôi vào thể thao rất thấp. Bây giờ thể thao là một loại hình kinh doanh. Bạn có thể đầu tư bao nhiêu và theo cùng tỷ lệ, bạn sẽ sớm nhận được kết quả”, Rajvaidya phát biểu trước giới truyền thông tại Paris ngày 8-8.

Đối với các sự kiện lớn, Rajvaidya cho biết Chính phủ Nepal sẽ hỗ trợ tài chính. Nhưng đất nước của ông còn nhiều nhu cầu cấp thiết hơn, chẳng hạn như đường sá, bệnh viện, trường học. Vì vậy, nguồn tài trợ cho chương trình đào tạo các VĐV Olympic Nepal đến từ sự hỗ trợ tài chính của IOC.

Các quan chức và vận động viên cho biết, sẽ khó hơn để phát triển những người giành huy chương khi một quốc gia không thể chi nhiều cho việc đào tạo, dinh dưỡng, cơ sở vật chất hoặc trợ cấp cho VĐV. Hầu hết VĐV Olympic không phải là những tuyển thủ triệu phú như LeBron James, Simone Biles, Rafael Nadal-những người có thể tự bỏ tiền ra lo mọi thứ cho bản thân, vì vậy, việc cạnh tranh ở cấp độ ưu tú như đấu trường Thế vận hội là một cuộc đua về tài chính.

IOC cho biết tổ chức này đã chi 590 triệu USD từ năm 2021 đến 2024 để giúp đỡ các VĐV, huấn luyện viên từ các quốc gia có nhu cầu tài chính lớn nhất nhằm phát triển thể thao. Trong bối cảnh thể thao hiện đại, IOC cho biết điều này đặc biệt quan trọng vì chỉ có tài năng và quyết tâm thôi là không đủ để đạt đến đỉnh cao. Theo IOC, trong số 11.000 VĐV tham dự Thế vận hội Tokyo năm 2021, có 827 người nhận được sự hỗ trợ tài chính từ 178 Ủy ban Olympic quốc gia, và họ đã giành được 113 huy chương.

Nhưng có lẽ tiền bạc không phải là tất cả. Monaco có tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người 241.000USD/năm, cao nhất thế giới, theo Ngân hàng Thế giới. Nhưng quốc gia với dân số chỉ 36.000 người này vẫn đang khát khao một tấm huy chương danh giá ở đấu trường Olympic.

PHƯƠNG THANH (từ Paris, Pháp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/quoc-te/huy-chuong-dau-tien-788771