Huy chương taekwondo ở Olympic: Thái Lan có vàng, Việt Nam không có, tại sao?
Trong lịch sử tham gia thế vận hội, tấm huy chương đầu tiên của Việt Nam là HCB taekwondo của Trần Hiếu Ngân tại Sydney 2000. Sau đó, Việt Nam chỉ có thêm 4 huy chương nữa và không có tấm nào của taekwondo.
Trong khi đó, Thái Lan liên tục có huy chương từ Olympic 1976 đến nay. Từ Olympic 1996, Thái Lan luôn có ít nhất 2 huy chương trở lên và hầu hết trong 7 kỳ gần đây đều có HCV (chỉ có Olympic 2012 là 2 HCB, 2 HCĐ). Thậm chí, Oympic 2004, Thái Lan giành đến 8 huy chương. Với quy mô dân số cùng thể hình tố chất của đất nước, con người Thái Lan không quá khác biệt với Việt Nam, thì việc họ thi đấu tại Olympic thành công hơn Việt Nam là điều đáng để chúng ta tìm hiểu và học hỏi.
Đâu là mỏ huy chương của Thái Lan tại Olympic?
Thái Lan tập trung chủ yếu ở 3 bộ môn là cử tạ, quyền Anh và gần đây là taekwondo. Cụ thể, cử tạ đã mang về cho Thái Lan 14 huy chương Olympic gồm 5 HCV, 2 HCB và 7 HCĐ; quyền Anh là 15 huy chương gồm 4 HCV, 4 HCB và 7 HCĐ.
Taekwondo là mỏ mới của Thái Lan với 6 huy chương gồm 1 HCV, 2 HCB và 3 HCĐ. Nếu nói về taekwondo thì Việt Nam mới là nước giành huy chương Olympic trước Thái Lan khi Hiếu Ngân đoạt huy chương bạc năm 2000. Sau đó, Thái Lan đẩy mạnh đầu tư cho bộ môn mà họ tin rằng người Đông Nam Á có thể tranh chấp huy chương tại thế vận hội. Lẽ ra Việt Nam phải thống trị khu vực ở bộ môn này chứ không phải Thái Lan.
Tại Olympic 2004, Thái Lan mới có tấm huy chương taekwondo đầu tiên khi Yaowapa Boorapolchai đoạt HCĐ hạng dưới 49kg nữ. Olympic 2008, đến lượt Buttree Puedpong đổi màu lên HCB cũng ở hạng dưới 49kg nữ. Vẫn hạng cân này, Thái Lan có HCĐ của Chanatip Sonkham tại Olympic 2012 và của Panipak Wongpattanakit tại Olympic 2016. Đến Olympic 2020, Thái Lan thành công đổi sang vàng ở hạng cân này với chiến thắng của Panipak Wongpattanakit. Như vậy 5/6 huy chương taekwondo của Thái Lan (chiếc còn lại là HCB của Tawin Hanprab ở hạng dưới 57kg nam ở Olympic 2012) tập trung ở hạng 49kg nữ.
Thái Lan đã tập trung tối đa đầu tư cho taekwondo hạng cân thấp nhất của nữ vì đây là nơi mà họ dễ thở khi các nền thể thao Âu - Mỹ không có VĐV giỏi ở hạng cân này… trong khi đây lại là tầm cân phổ biến của người Đông Nam Á nên dễ lựa chọn người có tố chất xuất sắc hơn.
Những năm gần đây, Việt Nam cũng nhận ra đó là mỏ có thể khai thác huy chương Olympic nhưng có lẽ chúng ta đi chậm hơn hoặc đầu tư chưa bằng người Thái nên thành tích vẫn chưa chạm giấc mơ. Tại Olympic 2020, Trương Thị Kim Tuyền đã thua Panipak Wongpattanakit vòng tứ kết với tỷ số 11-20, và tại SEA Games, Tuyền cũng thua Panipak vòng chung kết. Có lẽ muốn kiếm huy chương Olympic, Tuyền phải vượt qua được ngưỡng tâm lý khi đối mặt với Panipak. Cũng lưu ý rằng trong lịch sử có 2 lần taekwondo Việt Nam góp mặt tại Olympic thì đều thua ở tứ kết trước VĐV Thái Lan. Trước đó là Trần Thị Ngọc Trúc để thua Buttree Puedpong tại Olympic 2008.
Còn hạng 57kg, sau thành công của Hiếu Ngân thì taekwondo Việt Nam có thêm Nguyễn Thị Hoài Thu dự Olympic 2004 nhưng bị loại từ vòng 1. Tại hạng dưới 67kg, taekwondo Việt Nam có Chu Hoàng Diệu tại Olympic 2012 nhưng cũng bị loại từ vòng 1. Nhưng cũng nói thêm rằng tại các hạng cân đó, Thái Lan không có VĐV được dự Olympic từ 2000 đến nay. Nói như vậy để thấy Thái Lan chuyên tâm tập trung đào tạo võ sĩ ở hạng cân sở trường này, và thực tế chứng minh họ đã đúng.
Nhưng ở đấu trường SEA Games, các nữ võ sĩ Thái Lan vẫn thống trị. Tại 8 hạng cân thì ở 6 hạng cân nhẹ từ dưới 46kg đến dưới 62kg, người Thái vào chung kết cả 6 hạng cân, giành 5 HCV. Trong khi đó, không nữ võ sĩ nào của Việt Nam giành HCV mà chỉ có 4 HCB, trong đó có 2 trận thua người Thái Lan.
Trong các nội dung đối kháng dành cho nam võ sĩ taekwondo tại SEA Games, Việt Nam hơn Thái Lan khi có 2 HCV, còn Thái Lan chỉ có 1 HCV và 4 HCB. Nhưng Phạm Đăng Quang HCV dưới 63kg và Lý Hồng Phúc dưới 74kg lại khá lạc nhịp tại Olympic vì thế vận hội chỉ có hạng dưới 58kg, dưới 68kg và trên/dưới 80kg. Ở những hạng cân chuẩn Olympic thì trong kỳ SEA Games này, chúng ta không có võ sĩ nam taekwondo nào giành huy chương. Đây là điều mà các nhà hoạch định thể thao thành tích cao cần xem lại.
Taekwondo không chỉ là người mở đường cho thể thao Việt Nam tại Olympic, mà trước đó là tại Asian Games 1994 khi Trần Quang Hạ đoạt HCV hạng 58kg. Giải đó, Việt Nam là nước Đông Nam Á duy nhất có HCV taekwondo còn Thái Lan thậm chí không có huy chương. Ở Asian Games 1998, đến Hồ Nhất Thống giành HCV hạng dưới 54kg và Việt Nam có thêm 2 HCB, 3 HCĐ. Giải đó, Thái Lan đã có tiến bộ nhưng vẫn chưa có HCV. Nhưng đến thế kỷ 21 thì taekwondo Thái Lan đã bùng nổ khi họ không chấp nhận chịu thua Việt Nam.
Có thể nói vào cuối thế kỷ 20, taekwondo Việt Nam là lá cờ đầu của Đông Nam Á ở đấu trường quốc tế và châu lục. Nhưng Thái Lan đã tích cực đầu tư đúng hướng để vượt qua chúng ta khi không chỉ xếp trên SEA Games mà xếp trên cả khi ra đấu ở châu lục và đặc biệt là Olympic. Có lẽ trong 20 năm qua, taekwondo của chúng ta đã phát triển quá chậm so với sự tập trung đầu tư của Thái Lan. Muốn giành lại ngọn cờ đầu này, tìm kiếm huy chương tại Olympic, thể thao Việt Nam cần đầu tư lại cho taekwondo, đặc biệt là những nội dung tranh tài ở thế vận hội.
Một phần tư thế kỷ trước, taekwondo Việt Nam đã đi trước người Thái, nhưng sau đó taekwondo Thái Lan vượt qua Việt Nam. Taekwondo Việt Nam đã ngủ quên trên chiến thắng hay chiến lược đầu tư của chúng ta sai?