Huy động 95% trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi đến lớp trong giai đoạn 2026-2030
Trong chuyên mục Dân hỏi - Chính quyền trả lời kỳ này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang Huỳnh Văn Hóa sẽ trả lời xung quanh đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo (3 và 4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, giai đoạn 2024-2030.
- Phóng viên: UBND tỉnh Kiên Giang vừa phê duyệt đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo (3 và 4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, giai đoạn 2024-2030, với tổng kinh phí thực hiện trên 921 tỷ đồng, đồng chí cho biết một số nội dung của đề án?
Đồng chí: Huỳnh Văn Hóa: Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo (3 và 4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2024-2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 480/QĐ-UBND, ngày 6-3-2024. Đề án có ý nghĩa vô cùng to lớn, đó là tập trung được nguồn lực của chính quyền, nhân dân cùng chăm lo cho trẻ mầm non; đảm bảo mục tiêu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ được tốt hơn, chăm lo cho thế hệ trẻ từ lúc ban đầu. Quan trọng nhất là tạo tiền đề để trẻ vững vàng bước vào lớp 1, tạo điều kiện để phụ huynh an tâm gửi trẻ, tham gia lao động, sản xuất.
Đề án sẽ góp phần cải thiện cơ sở vật chất ngành học mầm non, giúp đội ngũ giáo viên mầm non phát triển về số lượng, nâng lên về chất lượng. Tất cả ý nghĩa trên nhằm góp phần thực hiện tốt Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trong đó có trẻ mầm non.
- Phóng viên: Những mục tiêu cụ thể của đề án?
- Đồng chí Huỳnh Văn Hóa: 5 mục tiêu cụ thể là, thứ nhất, nâng dần tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi mẫu giáo 3-4 tuổi và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi ở các huyện, thành phố nói riêng và toàn tỉnh nói chung; thứ hai, tạo mọi điều kiện cho trẻ mẫu giáo có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ học tập, trẻ khuyết tật được quan tâm phát hiện sớm, can thiệp sớm, học hòa nhập, góp phần nâng cao tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; thứ ba, phấn đấu hàng năm tăng tỷ lệ trẻ đến lớp được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục mầm non nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, ngôn ngữ và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để trẻ vào học lớp 1; thứ tư, đáp ứng yêu cầu về điều kiện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, các chính sách cần thiết để bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ mẫu giáo theo chương trình giáo dục mầm non khi thực hiện phổ cập; thứ năm, góp phần vào thực hiện bảo đảm quyền của trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh.
- Phóng viên: Vềnguồn lực, lộ trình, giải pháp triển khai thực hiện?
- Đồng chí Huỳnh Văn Hóa: Về nguồn lực, chúng tôi sẽ huy động tập trung nguồn vốn từ ngân sách Trung ương lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia, từ ngân sách địa phương chi cho đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo theo Luật Đầu tư công giai đoạn 2021-2025, giai đoạn 2026-2030, nguồn ngân sách chi cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo theo phân cấp quản lý nhà nước và nguồn xã hội hóa giáo dục, nguồn hợp pháp khác để thúc đẩy thực hiện hoàn thành đề án.
Về lộ trình, đề án có 2 giai đoạn: Giai đoạn 2021-2025 sẽ phấn đấu huy động 80% trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi đến lớp và tiếp tục nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Giai đoạn 2026-2030 sẽ cố gắng huy động 95% trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi đến lớp và tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Về giải pháp, đề án có 4 giải pháp: Giải pháp quan trọng nhất là hàng năm tăng dần tỷ lệ huy động trẻ theo lộ trình, quan tâm đầu tư mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực về kinh phí từ các nguồn để tăng cường cơ sở vật chất, bổ sung giáo viên và cán bộ quản lý, đáp ứng tiêu chí giáo viên trên lớp theo quy định của Điều lệ trường mầm non bằng nhiều hình thức, có thể tuyển mới cho đủ biên chế hoặc hợp đồng.
Chúng tôi xem công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-4 tuổi, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; trong thực hiện có phân công nhiệm vụ rõ ràng, phối hợp, kết hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, địa phương trong toàn tỉnh. Hàng năm có kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, đề ra kế hoạch cụ thể để thực hiện; khen thưởng, động viên kịp thời, nhắc nhở, phê bình những tập thể, cá nhân thực hiện không tốt đề án.
- Phóng viên: Nhiệm vụ của các chủ thể trong thực hiện đề án?
- Đồng chí Huỳnh Văn Hóa: Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, các cấp, ngành cần phải: Một là, tuyên truyền trong toàn xã hội về vai trò, mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, từ đó tạo sự đồng thuận cao của toàn xã hội.
Hai là, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến địa phương quan tâm lãnh đạo chỉ đạo sâu sát và kịp thời. Xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên.
Ba là, phải có sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là tranh thủ sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện đề án.
Bốn là, huy động được nhiều nguồn lực tạo sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy hoàn thành đề án.
Năm là, Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thường trực phải phát huy vai trò tham mưu, năng động trong phối hợp, kết hợp, sáng tạo, đưa ra những giải pháp phù hợp, phát huy nội lực của ngành, tiên phong và gương mẫu trong thực hiện đề án.
- Phóng viên: Cảm ơn đồng chí!
TÂY HỒ thực hiện