Huy động cả hệ thống chính trị ứng phó khẩn cấp với siêu bão
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 87/CÐ-TTg chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024.
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng các bộ, Bí thư tỉnh ủy, thành ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bão với tinh thần phải chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là với trẻ em và các đối tượng yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Các Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố liên quan cần đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công từng đồng chí trong Thường vụ, Thường trực Ủy ban trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng chống bão, lũ.
Các địa phương cần rà soát kỹ, triển khai ngay công tác bảo đảm an toàn đối với các hoạt động trên biển, đảo; bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển (nhất là tàu thuyền ở khu vực Vịnh Bắc Bộ và ven biển từ Hà Tĩnh trở ra) và tại nơi tránh trú; bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm.
Các địa phương cũng cần chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh. Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ dẫn tới thiệt hại lớn về người và tài sản.
* Chiều 5/9, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì họp ứng phó bão số 3. Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 87 của Thủ tướng Chính phủ. Cơ quan dự báo khí tượng duy trì công tác dự báo thường xuyên; trao đổi với cơ quan khí tượng các nước để có thông tin đầy đủ, chính xác trong dự báo; đồng thời, thông tin đưa ra trong bản tin cảnh báo, dự báo cần được cập nhật theo hướng dễ hiểu, gần gũi để từng người dân có thể nắm được và chủ động trong công tác ứng phó thiên tai.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu đến trưa 6/9, các địa phương phải quyết liệt vận động du khách rời đảo để bảo đảm an toàn; đồng thời đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công để ngày 6/9, có các đoàn công tác đi các địa phương kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó bão. Phó Thủ tướng cũng sẽ trực tiếp kiểm tra các địa phương đang triển khai phòng chống bão.
Khẩn trương, quyết liệt, sẵn sàng xử lý mọi tình huống
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, các ban, ngành, địa phương đã chủ động, sẵn sàng xử lý mọi tình huống có thể xảy ra nhằm giảm thiệt hại.
UBND tỉnh Nam Ðịnh chỉ đạo cấm các phương tiện ra khơi; cấm các hoạt động vui chơi trên biển, tắm biển từ 6 giờ ngày 6/9; đồng thời kiểm đếm, kêu gọi chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển, chủ các cơ sở nuôi trồng thủy sản, nhân dân vùng cửa sông, ven biển, chòi canh vào nơi tránh trú an toàn, hoàn thành trước 11 giờ ngày 6/9.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tham mưu BĐBP và các Công điện của UBND tỉnh Nam Định về tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 3, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Nam Định đã triển khai kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền, ngư dân địa phương hoạt động trên các ngư trường chủ động ứng phó và tìm nơi tránh trú. Theo đó, BĐBP tỉnh Nam Định đã tổ chức 4 điểm bắn pháo hiệu theo quy định, duy trì 5 đài canh trực 24/24 giờ, giữ thông tin liên lạc với tàu cá của ngư dân đang hoạt động trên biển. Các đơn vị đã phối hợp thông báo, kêu gọi 1.714 tàu thuyền với 5.287 ngư dân đang hoạt động trên biển.
Đồng thời, 20 tổ công tác của BĐBP tỉnh Nam Định đã được tăng cường xuống các địa bàn trọng điểm, phối hợp với địa phương, hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền, chằng chống nhà cửa, chuẩn bị các phương án sẵn sàng di dời nhân dân ở các khu vực trọng điểm khi có chỉ đạo.
Đến 17 giờ ngày 5/9, các đơn vị BĐBP tỉnh Nam Định đã sắp xếp neo đậu 1.569 phương tiện/4.842 ngư dân; 230 phương tiện/695 ngư dân ngoại tỉnh đang neo đậu tại các bến trong địa bàn và 692 lao động ở 622 lều, chòi ven biển biết về tình hình bão để chủ động vào nơi tránh trú an toàn.
Ðến sáng 5/9, tại Quảng Ninh, toàn bộ 398 tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, 98 tàu chở khách tuyến đảo, 5.556 tàu cá đã nhận được thông tin về bão số 3. Ðối với 257 tàu cá xa bờ, các lực lượng chức năng đã thực hiện liên lạc thông báo về hướng di chuyển của cơn bão và dự kiến đến ngày 6/9, các tàu này sẽ về đến nơi neo đậu.
Bắt đầu từ 5 giờ ngày 6/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi; dừng các hoạt động khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và các hoạt động khác ở khu vực cửa sông, cửa biển, ngoài khơi. Tỉnh Thái Bình cũng yêu cầu trước 18 giờ cùng ngày di dời các hộ dân sinh sống trong nhà yếu, khu vực nguy hiểm, lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy sản, hải sản ở vùng bãi thấp ven sông, ven biển vào nơi an toàn.
Tính đến sáng 5/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình đã thông báo đến tất cả 119 phương tiện cùng 267 thuyền viên về diễn biến và hướng di chuyển của bão để phòng tránh; trong đó 105 phương tiện cùng 220 thuyền viên đã neo đậu vào nơi tránh trú an toàn. Toàn bộ 218 lều chòi với 374 lao động cũng được thông báo để chủ động di dời vào nơi tránh trú bão an toàn khi có lệnh; trong đó, có 161 lao động đã vào bờ, còn 186 lao động đang trên đường vào.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa, đến 9 giờ 30 phút ngày 5/9, toàn tỉnh còn 882 tàu, thuyền với 5.350 lao động vẫn hoạt động trên biển. Toàn bộ người và phương tiện nêu trên đã nắm được thông tin về bão và thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng và gia đình, chính quyền địa phương. Ngoài ra, Thanh Hóa cũng có 5.234 phương tiện với 14.551 lao động đã vào các vị trí tránh trú bão.
Ngày 5/9, Bộ Y tế có công điện yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ; các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền bắc, miền trung về việc chủ động triển khai công tác y tế ứng phó bão số 3 và mưa lũ.
Bên cạnh có phương án phòng, chống bão lũ phù hợp, các đơn vị y tế tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24 giờ; sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, lũ gây ra; không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân; bảo đảm cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư dự trữ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Tổng cục Dự trữ Nhà nước vừa có Công điện số 03/CÐ-TCDT gửi 15 cục dự trữ nhà nước khu vực về việc chủ động ứng phó bão số 3 đi vào vùng biển phía đông bắc của khu vực bắc Biển Ðông, tổ chức trực ban 24/24 giờ, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin diễn biến của bão để kịp thời phòng chống.
Chiều 5/9, Cục trưởng Hàng không Việt Nam Ðinh Việt Thắng chủ trì họp trực tiếp và trực tuyến triển khai phương án ứng phó cơn bão số 3 với đại diện các tổng công ty: Cảng hàng không Việt Nam, Hàng không Việt Nam, Quản lý bay Việt Nam; các hãng hàng không Việt Nam; các Cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Vân Ðồn,... Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Cục trưởng Hàng không Việt Nam Ðinh Việt Thắng đã yêu cầu tạm ngừng tiếp thu, khai thác tàu bay tại một số cảng hàng không, sân bay.
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam có trách nhiệm thông báo tin tức hàng không phù hợp theo quy định hiện hành và điều hành bay bảo đảm tuyệt đối an toàn. Ðối với Cảng vụ hàng không miền Bắc, Cục yêu cầu kiểm tra, giám sát việc bảo đảm an toàn khai thác tại các cảng hàng không theo quy định.