Huy động các nguồn lực giảm nghèo bền vững

Bù Gia Mập là huyện biên giới có xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp, hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, với gần 37% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Vì vậy, công tác giảm nghèo thời gian qua không chỉ là nhiệm vụ mà còn là thách thức đối với sự phát triển của huyện. Năm 2024, công tác giảm nghèo của huyện gặp khó khăn hơn do Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS của tỉnh tạm dừng. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của cộng đồng, Bù Gia Mập đang nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch tỉnh giao.

HỖ TRỢ ĐỒNG BỘ CÁC NGUỒN LỰC

Thiếu đất sản xuất, sức khỏe yếu... nên gia đình chị Ninh Thị Thủy ngụ thôn Cây Da, xã Phú Văn thuộc hộ nghèo của địa phương nhiều năm liền. Từ các nguồn lực khác nhau, chị Thủy được hỗ trợ sửa nhà ở, một cặp bò sinh sản, khoan giếng, máy phát cỏ. Với quyết tâm phấn đấu vươn lên, năm 2023, gia đình chị Thủy đã thoát nghèo bền vững. “Từ tỉnh Đồng Nai lên Bình Phước lập nghiệp năm 2014, gia đình rất khó khăn, đau ốm không có tiền chữa bệnh. Nhờ được Nhà nước hỗ trợ, bà con lối xóm giúp đỡ nên gia đình mới có cuộc sống ổn định như hiện nay” - chị Thủy xúc động chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Ri, Trưởng thôn Cây Da cho biết, năm 2023, tổng nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo của thôn hơn 4 tỷ đồng, chủ yếu xây dựng và sửa chữa nhà ở, mua cây - con giống, nông cụ sản xuất, nhờ vậy cuối năm 2023, thôn đã giảm 23 hộ nghèo. Năm 2024, thôn tiếp tục được xã giao giảm 19 hộ nghèo, đến nay đã phân bổ nguồn vốn để xây dựng 10 căn nhà cho các hộ khó khăn về nhà ở; các nhu cầu còn lại đang tiếp tục triển khai.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với địa phương hỗ trợ cây điều giống cho đồng bào DTTS xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với địa phương hỗ trợ cây điều giống cho đồng bào DTTS xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Văn Nguyễn Phú Tiến cho biết: Là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nên những năm qua, công tác giảm nghèo bền vững được cấp ủy, chính quyền từ xã đến thôn đặc biệt quan tâm. Hằng năm, UBND xã xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể, sát với tình hình thực tế; phân công tổ chức, cá nhân phụ trách từng hộ dân; phân bổ chỉ tiêu đến từng thôn trên địa bàn; rà soát nhu cầu cụ thể của từng hộ để đưa ra những giải pháp hiệu quả, thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Nhà nước. Đồng thời, thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn đa chiều, phân loại hộ thuộc chính sách giảm nghèo và hộ thuộc chính sách bảo trợ xã hội; thực hiện tốt công tác bình xét đối tượng thụ hưởng các chính sách, dự án của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Năm 2023, xã Phú Văn giảm 73 hộ nghèo.

“Năm 2024, Phú Văn được giao chỉ tiêu giảm 43 hộ nghèo, địa phương phấn đấu giảm 53 hộ. Ngoài nguồn lực hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia, địa phương đã vận động nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên địa bàn chung tay góp sức. Đến nay, tất cả nguồn lực hỗ trợ theo nhu cầu đăng ký của hộ nghèo cơ bản đảm bảo để giao các thôn triển khai thực hiện” - ông Tiến cho biết.

GẦN 16 TỶ ĐỒNG HỖ TRỢ HỘ NGHÈO

Với sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, những năm qua, công tác giảm nghèo ở huyện Bù Gia Mập luôn đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch tỉnh giao. Năm 2023, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng huyện Bù Gia Mập đã giảm được 618 hộ nghèo, vượt 99 hộ so với chỉ tiêu tỉnh giao. Cuối năm 2023, toàn huyện còn 443 hộ nghèo, chiếm 2,03% tổng số hộ dân trên địa bàn huyện, trong đó 262 hộ nghèo với 1.009 người DTTS, chiếm 59,5% số hộ nghèo toàn huyện.

Năm 2023, huyện Bù Gia Mập đã giảm được 618 hộ nghèo, vượt 99 hộ so với chỉ tiêu tỉnh giao

Năm 2024, UBND tỉnh giao huyện Bù Gia Mập giảm 180 hộ nghèo trong tổng số 443 hộ nghèo của huyện, trong đó, giảm 107 hộ nghèo DTTS. Theo chính quyền địa phương, tổng nguồn lực hỗ trợ chương trình giảm nghèo ước khoảng gần 16 tỷ đồng. Tuy nhiên năm 2024, chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS đã kết thúc. Việc hỗ trợ giảm nghèo theo nhu cầu của nhân dân không được phê duyệt kinh phí như các năm trước, do đó ban đầu các xã triển khai còn lúng túng, trong khi huyện không có nguồn ngân sách hỗ trợ.

Tuy còn một số khó khăn trong việc huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững của huyện, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; sự phân công đảng viên phụ trách bám sát địa bàn; tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động, tự lực vươn lên thoát nghèo… tin rằng, huyện sẽ hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo theo kế hoạch tỉnh giao năm 2024.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập TẠ HỒNG QUẢNG

Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập Tạ Hồng Quảng cho biết: Trước những khó khăn nêu trên, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND các xã xây dựng kế hoạch, xác định đối tượng cụ thể cần thoát nghèo năm 2024 để có phương án thoát nghèo, hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị lồng ghép, xem xét hỗ trợ nhân dân từ các dự án của chương trình DTTS và miền núi, chương trình giảm nghèo bền vững như cấp cây - con giống, nông cụ…

Ngoài triển khai thực hiện lồng ghép các chương trình giảm nghèo của Trung ương, Bù Gia Mập cũng đã tổ chức khảo sát, đề xuất hỗ trợ xây nhà ở cho hộ nghèo từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh phân bổ. Hiện nay, huyện đã kiểm tra, rà soát và đề xuất phê duyệt xây dựng 144 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo và các gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Địa phương cũng đã tranh thủ vận động các nguồn lực xã hội hóa, đổi mới phương thức hỗ trợ, chuyển dần sang hỗ trợ nông cụ, dụng cụ, phục vụ sinh kế đảm bảo nhu cầu đời sống lâu dài cho nhân dân.

Đức Hiến

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/162953/huy-dong-cac-nguon-luc-giam-ngheo-ben-vung