Huy động mọi nguồn lực để phát triển Phú Quốc thành trung tâm du lịch tầm cỡ thế giới
Chiều 30/3, tiếp tục chương trình công tác tại Kiên Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang và Ban Thường vụ Thành ủy Phú Quốc để cho ý kiến về tình hình phát triển Phú Quốc.
Theo Thành ủy Phú Quốc, qua 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng bộ thành phố, đạt được một số kết quả quan trọng, đã có 13/30 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội.
Riêng năm 2023, kinh tế Phú Quốc phát triển khá nổi bật: Giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp-thủy sản đạt 4.530 tỷ đồng, đạt 102,95% so kế hoạch; giá trị công nghiệp-xây dựng 21.077 tỷ đồng, đạt 99,39% so kế hoạch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 34.892 tỷ đồng, đạt 119,82% kế hoạch (trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 26,59%, doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 10,53%).
Phú Quốc thu hút được 2,84 triệu lượt khách, đạt 113,68% so kế hoạch, tăng 23,03% so với cùng kỳ (trong đó, khách quốc tế là 287.410 lượt khách, đạt 57,48% so kế hoạch, tăng 43,57% so với cùng kỳ); thu ngân sách 7.812 tỷ đồng, đạt 135,17% so với Nghị quyết, tăng 44,54% so cùng kỳ.
Về thu hút đầu tư, có 322 dự án đang triển khai, diện tích 10.676ha, trong đó, có 52 dự án được đưa vào hoạt động với diện tích 1.182,74ha, tổng vốn đầu tư 17.389 tỷ đồng; 78 dự án đang triển khai xây dựng với diện tích 4.367ha, tổng vốn đầu tư khoảng 198.308 tỷ đồng (78 dự án nêu trên có 18 dự án đã đưa vào hoạt động 1 phần); có 181 dự án đang triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư với diện tích khoảng 4.626,39ha, tổng vốn đăng ký khoảng 168.092,3 tỷ đồng. Phần lớn các dự án này chưa phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, do đó chưa có quỹ đất sạch để giao cho nhà đầu tư triển khai dự án…
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh Phú Quốc có vị trí chiến lược, vai trò quan trọng trên các lĩnh vực; có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ có nhiều Nghị quyết, Quyết định, Quy hoạch để phát triển Phú Quốc nhanh và bền vững, là trung tâm du lịch hiện đại, trung tâm văn hóa, dịch vụ, logistics, phát triển kinh tế biển, phát triển công nghiệp văn hóa.
Để đạt được mục tiêu xây dựng và Phú Quốc thành trung tâm du lịch dịch vụ chất lượng cao, sinh thái, tầm cỡ kết nối với các trung tâm trên thế giới, góp phần khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam trên bản đồ thế giới, Thủ tướng nhấn mạnh các nhiệm vụ: huy động và khơi thông mọi nguồn lực để Phú Quốc phát triển, dựa vào nguồn lực bên trong là con người, truyền thống lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, kết hợp hài hòa nguồn lực bên ngoài là vốn, kinh nghiệm, công nghệ, quản trị; kết hợp nguồn lực nhà nước đầu tư và ngân sách địa phương, vốn vay, vốn tài trợ, vốn đầu tư của xã hội, đặc biệt là đề xuất cơ chế hợp tác công-tư; tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại: là hạ tầng giao thông gồm đường nội bộ, phát triển hiện đại, quy hoạch lâu dài, chiến lược, thực hiện phân kỳ; hạ tầng đô thị gồm điện, nước, xử lý rác thải, trong đó coi trọng làm hồ trữ nước, phát triển hạ tầng điện; hạ tầng về giáo dục đào tạo, kỹ năng nghề, theo đó phải tập trung đào tạo nghề liên quan lĩnh vực du lịch, dịch vụ, logistics, văn hóa, ẩm thực…; hạ tầng về y tế phải đầu tư hiện đại để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe, bảo vệ tính mạng của người dân, du khách, nhất là bệnh hiểm nghèo mang tính thời điểm; hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, logistics…; hạ tầng môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trước tình trạng hạn hán xuất hiện sớm…
Thủ tướng nhấn mạnh nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.
Với tinh thần đó, Thủ tướng nhấn mạnh: Phú Quốc cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo đảm số lượng, chất lượng cho các lĩnh vực trọng điểm như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…; có chính sách khuyến khích đa dạng hóa các loại hình đào tạo, hợp tác các trung tâm đào tạo trong và ngoài nước, hợp tác các doanh nghiệp để đặt hàng đào tạo; tập trung xây dựng hệ thống y tế hiện đại, có trang thiết bị y tế, có các trung tâm y tế phù hợp sự phát triển dân số, du khách; quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng phù hợp tình hình; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; kiên quyết cắt giảm các thủ tục hành chính gây phiền hà cho doanh nghiệp, người dân; phải đặt địa vị của người dân, doanh nghiệp vào mình và ngược lại với tinh thần “cùng làm, cùng thắng”, xử lý công việc nhanh, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nghiêm quy hoạch được duyệt, kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm.
Theo Thủ tướng, đất đai là nguồn lực, do đó Phú Quốc phải giải quyết dứt điểm vấn đề này; lưu ý các cơ chế, chính sách để thực hiện tốt công tác quy hoạch vì hiện còn tình trạng manh mún, chia cắt; nhấn mạnh, Phú Quốc còn điểm nghẽn về hạ tầng, nguồn nước, vệ sinh môi trường; tập trung bảo vệ môi trường để phát triển du lịch xanh, nghỉ dưỡng tạo hệ sinh thái xanh, bền vững và an toàn; tập trung làm tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; khuyến khích các chương trình để làm cho đảo Phú Quốc xanh, sạch, đẹp; tích cực phát triển công nghiệp văn hóa, tổ chức các sự kiện lớn ở đây để khai thác hết tiềm năng; chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ vững an ninh quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo, bảo vệ trật tự an toàn xã hội.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh phải xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ hiện đại, phát triển mạnh kinh tế biển, công nghiệp văn hóa mang tầm cỡ quốc tế; phải giải quyết bài toán Phú Quốc đang phát triển nóng nhưng chưa thật sự bền vững, chưa thật sự dựa vào khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo...
Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu Phú Quốc phải cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, quy hoạch được phê duyệt để có lộ trình thực hiện phù hợp, hiệu quả, bám sát vào tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng gồm giao thông, cảng biển, đường bộ, hàng không, hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường; đột phá về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đào tạo nghề, kỹ năng nghề, thu hút lao động chất lượng cao để phát triển các ngành mới nổi gồm chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức…; phát triển đồng bộ hệ sinh thái về bảo vệ môi trường, du lịch, văn hóa bản địa, phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng, có bản sắc của Phú Quốc nói riêng, Kiên Giang nói chung, kết hợp hài hòa sức mạnh nội lực với sức mạnh ngoại lực; xây dựng tổ chức Đảng, hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh; bảo đảm sự bình yên cho người dân và du khách; làm tốt công tác an sinh xã hội…