Huy động nguồn lực tái cơ cấu quỹ tín dụng nhân dân
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã xây dựng và ban hành Quy định tạm thời về việc cử nhân sự giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc quỹ tín dụng nhân dân.
Việc này, nhằm thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về xây dựng khuôn khổ pháp lý, cơ chế để huy động nguồn lực tham gia vào quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng một cách hiệu quả, phù hợp.
Theo Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, đây là văn bản bước đầu, có tính chất thí điểm, mở đường cho việc huy động nguồn nhân lực chất lượng cao từ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia quá trình hỗ trợ phục hồi, tái cơ cấu quỹ tín dụng nhân dân gặp vấn đề. Việc triển khai quy định tạm thời trước hết thí điểm một hoạt động nghiệp vụ mới của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, cần một quá trình thực hiện, đồng thời sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và hoàn thiện nhằm phục vụ quá trình soạn thảo, ban hành văn bản chính thức.
Tuy nhiên, với phạm vi chức năng, quyền hạn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, quy định tạm thời vẫn còn những tồn tại, bất cập cần được giải quyết trong quá trình hoàn thiện cơ chế trong thời gian tới. Cụ thể, tại Việt Nam hiện chưa có quy định cụ thể, đầy đủ, thống nhất từ Luật, Nghị định, Thông tư tới các quy chế nội bộ tổ chức về việc tổ chức bảo hiểm tiền gửi cử cán bộ tham gia giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt.
Như vậy, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam ban hành quy định tạm thời chỉ có hiệu lực trong phạm vi tổ chức; chưa có cơ chế, trình tự, thủ tục về việc phối hợp liên ngành, liên cơ quan trong công tác cử nhân sự từ các cấp văn bản cao hơn. Do đó, cần xây dựng hệ thống cơ chế chính sách tạo hành lang thông thoáng cho việc triển khai mảng nghiệp vụ đặc biệt này.
Trên thực tế, việc cử nhân sự tham gia quản trị, điều hành quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt đang được thực hiện theo quy trình: Ngân hàng Nhà nước yêu cầu, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đề xuất nhân sự, Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ định nhân sự phù hợp giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc giám đốc quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt.
Theo đó, nhân sự này có hợp đồng lao động với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, song được cử đi theo một quyết định của Ngân hàng Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ do Ngân hàng Nhà nước giao, tới công tác tại đơn vị thứ ba là quỹ tín dụng nhân dân, thậm chí có thể giữ vai trò người đại diện trước pháp luật của quỹ tín dụng nhân dân. Do đó, cần xác định rõ mối quan hệ lao động của nhân sự này với các bên có liên quan phù hợp với quy định hiện hành để có thể triển khai các chế độ, chính sách về lao động, tiền lương...
Tuy nhiên, cơ chế tài chính hiện tại chưa cho phép Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xây dựng các khoản dự trù kinh phí, quỹ lương phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của cán bộ được giao nhiệm vụ quản trị, điều hành quỹ tín dụng nhân dân. Do đó, song song với quá trình hoàn thiện cơ sở pháp lý, việc xác định cơ chế tài chính phục vụ cho hoạt động này cần được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Từ góc độ tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam - đơn vị chọn lọc, đề xuất cán bộ để Ngân hàng Nhà nước quyết định, nhân sự được cử đi theo Quy định tạm thời thường là cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, là cán bộ chủ chốt tại đơn vị. Do đó, trong trường hợp cần cử một số lượng lớn cán bộ tham gia nhận nhiệm vụ tại quỹ tín dụng nhân dân, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc sàng lọc, lựa chọn nhân sự.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp hãn hữu, vì những lý do khách quan và chủ quan, quỹ tín dụng nhân dân không thực hiện thành công phương án phục hồi đã được phê duyệt, buộc phải dẫn tới bước phá sản và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đứng ra chi trả bảo hiểm tiền gửi. Trong quá trình hoàn thiện cơ chế cử nhân sự tham gia quản trị, điều hành quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt, cần xem xét, ban hành cơ chế miễn trách, bảo vệ quyền lợi của nhân sự được cử tham gia quản trị, điều hành quỹ tín dụng nhân dân yếu kém được kiểm soát đặc biệt.