Huy động nguồn lực xã hội hóa chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi

Huy động nguồn lực xã hội hóa, tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi; tập hợp đông đảo hơn nữa hội viên tham gia Hội và các phong trào thi đua của Hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tiếp tục khuyến khích người cao tuổi phát huy những kinh nghiệm quý báu, tham gia đóng góp tích cực vào các hoạt động chính trị - xã hội, kinh tế, khoa học, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh trật tự - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tiếp tục khuyến khích người cao tuổi phát huy những kinh nghiệm quý báu, tham gia đóng góp tích cực vào các hoạt động chính trị - xã hội, kinh tế, khoa học, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh trật tự - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 102/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Thủ tướng đánh giá cao báo cáo và đề xuất, kiến nghị của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí dự họp, đặc biệt ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về vị trí, vai trò của người cao tuổi, tổ chức hội người cao tuổi và các định hướng nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn tới.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam trong thời gian qua. Từ ngày thành lập đến nay, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo Hội người cao tuổi các cấp phát triển ngày càng vững mạnh, tập hợp đông đảo người cao tuổi tham gia Hội; phát huy tốt vai trò là tổ chức xã hội, đại diện cho nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước ta. Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã thực hiện tốt công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; làm tốt công tác chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi; tham mưu đóng góp ý kiến, xây dựng chính sách, pháp luật; thực hiện tốt công tác đối ngoại, nghiên cứu khoa học và tổng kết, biểu dương các điển hình tiên tiến. Nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả của Hội người cao tuổi các cấp đã được nhân rộng, đẩy mạnh, đặc biệt là công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi trong phát triển kinh tế - xã hội với nhiều chương trình cụ thể, thiết thực; đặc biệt, Hội đã phát huy vai trò tiên phong gương mẫu, chủ động cùng với các cơ quan của Chính phủ, chính quyền các cấp tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua.

Thủ tướng đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn 2021 - 2026 của Trung ương Hội với định hướng chung là: “Đoàn kết, sáng tạo xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Bên cạnh đó, ghi nhận những khó khăn, thách thức đối với hoạt động của các cấp Hội, như: Mô hình tổ chức Hội còn chưa đồng bộ; chính sách chăm sóc người cao tuổi còn dàn trải, còn nhiều người cao tuổi có hoàn cảnh rất khó khăn, không có thu nhập; nhận thức trong một bộ phận gia đình, cộng đồng và một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự đầy đủ; việc ban hành, triển khai một số chính sách người cao tuổi còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, nhất là chưa đón đầu xu hướng già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng trong thời gian tới. Những bất cập, hạn chế và khó khăn, thách thức nêu trên cần phải được nghiên cứu để khắc phục, hoàn thiện.

Chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi là một trong những chính sách lớn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến người cao tuổi đã được ban hành trong những năm qua, thể hiện rất rõ quan điểm nhân văn, khoa học, tiến bộ của Đảng và Nhà nước ta đối với người cao tuổi. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng mới đây tiếp tục khẳng định: Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình. Kính trọng, bảo vệ và chăm sóc người cao tuổi. Bảo trợ, giúp đỡ những người cao tuổi gặp khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa; đồng thời, đánh giá “Xu hướng già hóa dân số nhanh” là một trong những thách thức lớn mà Việt Nam phải giải quyết.

Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động

Trước yêu cầu đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, đoàn kết, sáng tạo xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Huy động nguồn lực xã hội hóa, tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi; tập hợp đông đảo hơn nữa hội viên tham gia Hội và các phong trào thi đua của Hội; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành trung ương, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cụ thể hóa và lãnh đạo triển khai có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác người cao tuổi; quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu gặp mặt các đại biểu về dự Đại hội đại biểu toàn quốc người cao tuổi Việt Nam lần thứ VI.

Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân về vị trí, vai trò của người cao tuổi, Hội người cao tuổi và công tác chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi.

Đồng thời, tiếp tục khuyến khích người cao tuổi phát huy những kinh nghiệm quý báu, tham gia đóng góp tích cực vào các hoạt động chính trị - xã hội, kinh tế, khoa học, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh trật tự; phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”; cuộc vận động “Toàn dân chăm sóc phụng dưỡng và phát huy vai trò người cao tuổi”; đẩy mạnh phong trào “Tuổi cao - Gương sáng”.

Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người cao tuổi

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người cao tuổi để kịp thời thông tin, phản ánh đến các cấp có thẩm quyền để tập trung giải quyết, khắc phục, tháo gỡ, bảo đảm các quyền lợi của người cao tuổi được thực hiện đầy đủ.

Tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, nhất là giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về người cao tuổi, liên quan đến người cao tuổi; tham gia góp ý và phản biện xã hội trong quá trình các cơ quan nhà nước xây dựng chính sách, pháp luật; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tích cực đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực, góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Ngoài ra, phối hợp với Bộ Ngoại giao thực hiện tốt nhiệm vụ tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu, khảo sát học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ về công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi trong nước, khu vực và quốc tế; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành, cơ quan tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 21/12/2021; ký kết và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án liên quan đến công tác người cao tuổi.

Thủ tướng trao đổi với lãnh đạo Hội Người cao tuổi Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng trao đổi với lãnh đạo Hội Người cao tuổi Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nghiên cứu hỗ trợ hợp lý đối với nhóm người cao tuổi chưa có bảo hiểm y tế

Về các kiến nghị, đề xuất của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí với các kiến nghị cụ thể của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, trong đó, đối với đề nghị tham gia xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi, Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam trong quá trình xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi, trong đó, tập trung nghiên cứu điều chỉnh về các vấn đề mới, cấp thiết, sát với tình hình thực tiễn.

Về đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ, chính sách đối với người cao tuổi và chủ trương hỗ trợ nhóm người cao tuổi chưa có bảo hiểm y tế, Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu đánh giá tình hình, kết quả thực hiện; trên cơ sở đó, đề xuất hoàn thiện các chế độ, chính sách, pháp luật về người cao tuổi, trong đó có việc nghiên cứu hỗ trợ hợp lý đối với nhóm người cao tuổi chưa có bảo hiểm y tế.

Về đề nghị xây dựng Đề án “Trung tâm nghỉ dưỡng người cao tuổi” trên cơ sở huy động nguồn lực xã hội hóa, Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, điều kiện thực tế và các quy hoạch, quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm phát huy nguồn lực của địa phương và các tổ chức, cá nhân.

Chí Kiên

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/huy-dong-nguon-luc-xa-hoi-hoa-cham-soc-phat-huy-vai-tro-nguoi-cao-tuoi-102220406171224692.htm