Huy động sức mạnh cộng đồng phòng chống dịch Covid-19

Sáng 3/10, Văn phòng Chính phủ tổ chức giao ban trực tuyến bàn công tác phòng chống dịch Covid-19. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam-Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch chủ trì cuộc họp.

Huy động sức mạnh cộng đồng

Báo cáo tại cuộc họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã lên trên 34,7 triệu người và đang có xu hướng gia tăng. Còn tại Việt Nam, tính đến sáng 3/10 có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước và 30 ngày không ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng. Tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm vẫn thường trực, có thể xảy ra bất kỳ ở địa phương nào. Vì thế các bộ, ngành, địa phương cần kiểm soát chặt chẽ các đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam. Chủ động xây dựng kế hoạch xét nghiệm phát hiện Covid-19 đảm bảo chính xác, tiết kiệm; tăng cường năng lực cung ứng các sinh phẩm xét nghiệm, chẩn đoán nhanh. Tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực xét nghiệm của các cơ sở xét nghiệm hiện có, để sẵn sàng nhận mẫu, hỗ trợ lẫn nhau khi cần thiết. Giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại cửa khẩu, cộng đồng, bệnh viện, đặc biệt đối với các trường hợp có biểu hiện triệu chứng, người viêm đường hô hấp, viêm phổi. Thực hiện quyết liệt nguyên tắc phòng, chống dịch là ngăn chặn – phát hiện- cách ly - khoanh vùng triệt để - dập dịch. Nâng cao năng lực của các đội phản ứng nhanh, làm tốt công tác truy vết. Đồng thời thực hiện nghiêm phòng chống dịch trong các cơ sở y tế, không để dịch bệnh lây lan trong các cơ sở y tế; mở rộng hoạt động đăng ký, khám chữa bệnh từ xa…

Phó Giáo sư, tiến sĩ Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Đội trưởng Đội điều tra giám sát dịch Bộ Y tế, các địa phương TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và một số đơn vị đã nêu ra một số kinh nghiệm, giải pháp về công tác phòng chống dịch trong các nhà máy, xí nghiệp và cộng đồng, như truy vết F1 đi từ lớn đến nhỏ; những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đều được cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm ngay lập tức; kiên quyết không cho F1 cách ly tại nhà, không có ngoại lệ, thỏa hiệp; khoanh vùng dập dịch một cách hợp lý với phương châm “Nguy cơ đến đâu khoanh vùng đến đó”. Ngoài ra, huy động sức mạnh cộng đồng vào công tác chống dịch, khai báo y tế, chốt chặn dịch…

Riêng tại Bình Thuận có 23 cơ sở cách ly, thực hiện cách ly tối đa được trên 3.000 người và hiện không còn trường hợp nào phải cách ly tại cơ sở y tế và cơ sở tập trung. Có 38 đội phản ứng nhanh sẵn sàng và hoạt động từ ngày 26/7. Đến nay đã 205 ngày không ghi nhận thêm trường hợp nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên không chủ quan với dịch bệnh và với quyết tâm cao không để dịch Covid-19 quay trở lại tỉnh ta, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, Mặt trận, đoàn thể và địa phương tập trung triển khai 5 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương lớn về thực hiện mục tiêu kép, vừa sẵn sàng phòng chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội; xác định chống dịch trong thời gian dài và dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch. Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Thực hiện nghiêm phòng chống dịch trong các cơ sở y tế. Tăng cường quản lý, không để xảy ra các hoạt động gây mất trật tự trên địa bàn; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm…

Thùy Linh

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/y-te/huy-d%E1%BB%8Dng-s%C3%BAc-m%E1%BA%A1nh-c%E1%BB%8Dng-d%C3%B2ng-phong-chong-dich-covid-19-131650.html