Huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong phòng, chống dịch
Trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng nay, 12.11 về những bài học kinh nghiệm về lý luận và thực tiễn để định hướng cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong chống dịch thời gian qua, Chính phủ đã chọn cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch, do đó, huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tham gia vào phòng, chống dịch - điều mà nhiều nước trên thế giới không có.
Lấy người dân là trung tâm
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, với khối lượng công việc lớn đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã triển khai đạt những kết quả đáng ghi nhận. Trong chống dịch đã chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt. Để kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, gắn với phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trạng thái bình thường mới đã được thiết lập ở một số địa phương. Tuy nhiên, với vai trò là người đứng đầu Chính phủ, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị Thủ tướng nêu khái quát những bài học kinh nghiệm gì, cả về lý luận và thực tiễn, để định hướng cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian tới?
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong chống dịch thời gian qua, kinh nghiệm thứ nhất là, đã có cách tiếp cận toàn dân. Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch và khi triển khai các chính sách đều hướng đến người dân. Đồng thời, người dân cũng cần tham gia vào phòng, chống dịch một cách tích cực, chủ động. Thực tế, khi dịch bùng phát mạnh ở Thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ đã thực hiện chủ trương “lấy xã, phường, thị trấn làm pháo đài”. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, một số nơi hiểu “pháo đài” như là lô cốt, bao vây lại, gây ách tắc, trong khi, ở đây lấy “pháo đài” là nơi tổ chức các công việc phòng, chống dịch.
Ảnh: Quang Khánh
Thứ hai là, trong toàn dân, chúng ta thấy hiện lên rất rõ tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Vừa qua, tinh thần đại đoàn kết dân tộc đã được huy động. Năm 2020, khi tình hình căng thẳng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi và năm 2021 khi dịch bùng phát mạnh tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam, Tổng Bí thư cũng ra lời kêu gọi. Từ đó, đã huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tham gia vào phòng, chống dịch mà nhiều nước trên thế giới không có.
Thứ ba là, ứng phó linh hoạt, mặc dù còn “chỗ này, chỗ kia” nhưng các địa phương đã ứng phó rất linh hoạt vì đây là việc làm không có tiền lệ. Ví dụ, khi năng lực y tế của cơ sở yếu thì lập tức điều quân đội và công an, y tế vào và xây dựng một lúc hơn 500 trạm xá di động. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm rất tốt.
Thứ tư là, khi chưa đủ vaccine, Chính phủ đã triển khai thực hiện các biện pháp hành chính để ngăn chặn dịch bệnh và an sinh xã hội cũng được quan tâm đầu tư. Khi tình hình dịch bệnh đi vào ổn định, Chính phủ sẽ có tổng kết vấn đề này để rút ra kinh nghiệm trong chăm lo an sinh xã hội nhằm giúp Nhân dân được yên tâm, cùng với cả nước tham gia phòng, chống dịch tốt hơn.
Thứ năm là, huy động sự giúp đỡ của quốc tế. Điều này đã thể hiện rất rõ khi thiếu vaccine, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thông qua các cuộc tiếp xúc, hội đàm trực tiếp hoặc trực tuyến đều kêu gọi hỗ trợ vaccine bằng mọi biện pháp như bán, nhượng, cho vay… bởi đây vaccine là “vũ khí” rất quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang chỉ đạo việc sản xuất vaccine trong nước và hiện nay quá trình này vẫn đang được thúc đẩy tích cực. Đối với vaccine trong nước, Thủ tướng nhất trí với các đại biểu Quốc hội cần giảm thủ tục hành chính theo thủ tục rút gọn. Vấn đề này Nghị quyết 30 của Quốc hội đã cho phép nhưng yêu cầu cao nhất vẫn là chất lượng phải bảo đảm an toàn.