Huy động sức mạnh toàn dân cho giáo dục
Phong trào Bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ cho đến nay còn nguyên ý nghĩa thời sự và có thể vận dụng sáng tạo vào các hoạt động đổi mới nền giáo dục nước ta, để đạt đến mục tiêu phát triển bền vững và hiện đại hóa.
GS.VS Phạm Minh Hạc: Dựa vào sức dân
Chia sẻ về phong trào Bình dân học vụ, GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho biết: Năm 1945, sau khi giành được độc lập, Nhà nước Việt Nam non trẻ phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra 3 loại “giặc” phải đối mặt lúc đó là giặc đói, giặc ngoại xâm và giặc dốt. Thời điểm đó, có đến 95% dân Việt Nam mù chữ. Người chỉ rõ:“Nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta… Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”.
Ngay sau ngày đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị mở chiến dịch “Chống nạn mù chữ”. Để phục vụ chiến dịch này, Nha Bình dân học vụ được thành lập ngày 18/9/1945.
Điều đáng chú ý nhất của phong trào này là chủ yếu dựa vào sức dân vì ngân sách Nhà nước khi đó còn thiếu thốn. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng toàn bộ người đi học được hoàn toàn miễn phí và trong một thời gian ngắn, phong trào lan rộng trong khắp cả nước; các lớp học bình dân học vụ được mở ra ở khắp nơi.
Từ phong trào Bình dân học vụ, giáo dục Việt Nam những năm qua hoàn thành và vượt mục tiêu thiên niên kỷ của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP).
“Năm 2000, Việt Nam đạt tỷ lệ xóa mù chữ đạt 80% dân số. Tôi khi đó với tư cách là Chủ tịch Ủy ban quốc gia xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học tuyên bố trên bản tin việc Việt Nam đã thực hiện được phổ cập tiểu học, xóa mù chữ. Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố của chúng ta đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, giáo dục tiểu học và giáo dục THCS. Đó là một thành tựu vô cùng lớn, bởi hiện nay, một số nước, nhất là các nước châu Phi vẫn có nơi còn đến 60% dân mù chữ. Chúng ta có thể tự hào vì một dân tộc phải trải qua chiến tranh lâu dài, kinh tế thiếu thốn, nhưng thành quả giáo dục đạt được không hề nhỏ” - GS Phạm Minh Hạc chia sẻ.
Từ phong trào Bình dân học vụ, GS Phạm Minh Hạc cho rằng, bài học lớn cho giáo dục hiện nay chính là phải có một chủ trương, đường lối đúng đắn; tiếp đó là phát động phong trào quần chúng, huy động sức mạnh của mọi lực lượng xã hội. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm thúc đẩy hoạt động xã hội hóa giáo dục. Hành lang pháp lý về xã hội hóa giáo dục từng bước được hoàn thiện. Việc triển khai chính sách xã hội hóa giáo dục cũng đạt được nhiều kết quả tích cực, huy động được nhiều lực lượng xã hội cùng chăm lo cho giáo dục. Bên cạnh đó, việc xây dựng xã hội học tập cũng được triển khai bài bản, hiệu quả với những mô hình hiếu học và khuyến học (gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học). Sau nhiều năm phát triển, các mô hình này đã giúp đẩy mạnh việc học tập và học tập suốt đời.
Tất nhiên, giáo dục Việt Nam hiện nay bên cạnh những ưu điểm, vẫn còn có những khuyết, nhược điểm. Cần phải có sự đúc kết, nhìn lại để từ đó xây dựng đường lối đổi mới giáo dục phù hợp với sự phát triển của thời đại. “Rất mong được thấy cụ thể đường lối này sau Đại hội 13 của Đảng sắp tới” – GS Nguyễn Minh Hạc nêu ý kiến.
NGND.TS Đặng Huỳnh Mai: Di sản vô giá
Chia sẻ về phong trào Bình dân học vụ, NGND.TS Đặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng nhắc đến mốc thời gian đầu tiên là ngày 3/9/1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến vấn đề “diệt giặc dốt”, coi đây là một trong sáu nhiệm vụ cấp bách của nước nhà lúc bấy giờ. Lời kêu gọi của Bác về nhiệm vụ chống giặc dốt đã nhanh chóng thấm sâu, lan tỏa đến mọi người dân, làm thức dậy lòng tự tôn dân tộc và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc đẩy lùi giặc dốt. Sau một năm phát động chiến dịch, đã có 2,5 triệu người thoát nạn mù chữ với trên tổng số 22 triệu dân hưởng ứng và tham gia.
Vào thời điểm này, cả nước đã hình thành được hệ thống Ty giáo dục. Ty là đơn vị quản lý giáo dục cách mạng trên địa bàn tỉnh, nhiệm vụ chủ yếu là chỉ đạo “Thoát mù chữ và Bình dân học vụ”, vận động trong nhân dân phong trào “người biết chữ dạy người chưa biết chữ” cho đến khi hòa bình lập lại năm 1954.
Sau 1954, mặc dù đất nước bị phân chia theo Hiệp định Genève, nửa nước phía Nam do chính quyền Sài Gòn kiểm soát, phong trào bình dân học vụ ở vùng căn cứ kháng chiến được phát động khá sôi nổi và cũng thực hiện theo phương châm “người biết chữ dạy người chưa biết chữ, người biết nhiều dạy người biết ít” như lời giáo huấn của Bác.
Vào thời điểm cuối 1965 ở miền Nam, Tỉnh ủy các tỉnh đã chỉ đạo cơ quan Giáo dục mở các lớp Bổ túc văn hóa công nông và đẩy mạnh phong trào Bình dân học vụ để bồi dưỡng trình độ học vấn cho cán bộ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng.
“Lúc bấy giờ, cứ sau mỗi trận càn, đợt bom ném là mọi người tề tựu cùng nhau học tập bao gồm học văn hóa và học một phần các chủ trương đường lối của Đảng... Chúng tôi thường tự hào về tinh thần chịu khó của các cô chú trong kháng chiến. Và, một điều vô cùng đặc biệt là mặc dù trình độ văn hóa không cao nhưng cô chú nào cũng viết chữ rất đẹp”, NGND Đặng Huỳnh Mai nhớ lại.
Từ sau 1965 đến trước 30/4/1975, các lớp bổ túc văn hóa cho cán bộ từ cấp huyện trở lên được tập trung chỉ đạo song song với phong trào Bình dân học vụ trong nhân dân. Rất nhiều cán bộ, nhân dân tham gia dạy bổ túc văn hóa. Đặc biệt, có một nhóm người dân từ miền Bắc di cư vào Nam rồi về Vĩnh Long tham gia cách mạng, được nhân dân địa phương thương yêu và gọi một các rất thân mật là thầy Bắc kỳ Một, Bắc kỳ Hai, Bắc kỳ Ba.
Phong trào Bình dân học vụ và Bổ túc văn hóa công nông với những thành tựu về nguồn nhân lực kết hợp việc học tập Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ, là một di sản vô giá để lại cho hôm nay và muôn đời sau. Một di sản mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mà mỗi người dân Việt Nam luôn khắc sâu để cùng nhau học tập góp phần xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” và “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, như mong muốn cháy bỏng của Bác lúc sinh thời.
“Chúng ta có quyền tự hào về những thành tựu vẻ vang của cách mạng Việt Nam trong nửa thế kỷ thực hiện Di chúc của Bác Hồ, đặc biệt là những thành tựu đổi mới của đất nước nói chung trong đó có phong trào Bình dân học vụ. Tự hào về tầm nhìn chiến lược của Đảng ta trong công tác cán bộ, để xây dựng và phát triển một đội ngũ cán bộ luôn phát huy truyền thống cách mạng với mục tiêu học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh; đẩy mạnh giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống của Bác Hồ cho thế hệ trẻ của hôm qua, hôm nay và ngày mai”, NGDN Đặng Huỳnh Mai chia sẻ.