Huy động sức mạnh toàn dân trong đấu tranh với vấn nạn hàng giả

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng có diễn biến phức tạp. Đáng báo động, tội phạm triệt để lợi dụng kẽ hở của pháp luật tiến hành hành vi vi phạm, nhất là trong sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc tân dược, mỹ phẩm quy mô lớn.

Lực lượng chức năng vừa phát hiện số lượng lớn quần áo thể thao có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Lực lượng chức năng vừa phát hiện số lượng lớn quần áo thể thao có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Buôn lậu và sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái không chỉ khiến ngân sách Nhà nước thất thu mà còn đe dọa trực tiếp quyền lợi và sức khỏe của người dân.

Đâu là nguyên nhân?

Nhiều người tiêu dùng bỏ tiền thật mua phải hàng kém chất lượng, thậm chí nguy hại đến tính mạng, làm suy giảm sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng đối với tính minh bạch của thị trường hàng hóa, gây hoang mang lo lắng trong dư luận.

Với doanh nghiệp chân chính, đây là mối đe dọa lớn, làm giảm doanh thu, mất uy tín, có thể dẫn đến phá sản vì bị cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất, kinh doanh, trật tự an toàn xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, 4 tháng đầu năm 2025, các đơn vị, địa phương đã bắt giữ, xử lý hơn 34 nghìn vụ việc vi phạm. Trong đó, hơn 8,2 nghìn vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25,1 nghìn vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; hơn 1,1 nghìn vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 4.897 tỷ đồng; khởi tố hình sự gần 1,4 nghìn vụ, hơn 2,1 nghìn đối tượng.

Trong đó, chỉ tính riêng lực lượng Công an đã điều tra, xử lý 1,4 nghìn vụ việc , gian lận thương mại và hàng giả; khởi tố hơn 1,2 nghìn vụ, hơn 2 nghìn bị can; tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước hơn 134 tỷ đồng.

Để xảy ra tình trạng trên do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các sở, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, có sự buông lỏng quản lý. Kết quả phát hiện, bắt giữ, xử lý chưa tương xứng thực tế. Trong khi đó, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi, nhất là khi hình thức kinh doanh trên không gian mạng bùng nổ.

Công tác tổ chức, phối hợp trong quản lý, kiểm tra, thanh tra, chia sẻ dữ liệu, thông tin còn hạn chế, vừa chồng chéo vừa xảy ra tình trạng bỏ sót, có khoảng trống. Công tác thông tin tuyên truyền chưa thực sự đầy đủ, cụ thể giúp người dân trang bị kỹ năng nhận biết, phân biệt hàng giả, thủ đoạn gian dối, tinh vi của các đối tượng.

 Lực lượng chức năng kiểm kê số thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả trong đường dây do vợ chồng Phạm Ngọc Tiến và Đoàn Thị Nguyệt cầm đầu.

Lực lượng chức năng kiểm kê số thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả trong đường dây do vợ chồng Phạm Ngọc Tiến và Đoàn Thị Nguyệt cầm đầu.

Bên cạnh đó, tội phạm này thường lợi dụng các hoạt động quảng cáo sai sự thật thông qua các đơn vị quảng cáo, người nổi tiếng, người có uy tín để tiêu thụ sản phẩm. Nghiêm trọng hơn, trong một số vụ việc còn có được sự tiếp tay, bao che của một số cán bộ trong các cơ quan quản lý Nhà nước, dẫn đến hành vi vi phạm khó bị phát hiện.

Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, sản xuất và kinh doanh , xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về an toàn thực phẩm ngày càng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng...

Đáng chú ý, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Hà Nội, đã phát hiện đường dây sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả với số lượng lên tới 100 tấn do vợ chồng Phạm Ngọc Tiến và Đoàn Thị Nguyệt cầm đầu. Tổng giá trị hàng hóa thu giữ được ước tính khoảng 77 tỷ đồng.

Là dược sĩ, Tiến tự tạo ra công thức của các sản phẩm, sau đó mua vật liệu trong nước giao cho nhân viên không có trình độ, bằng cấp tự phối trộn thành viên nang và đóng gói thành các sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài là thực phẩm chức năng, và thiết bị y tế.

Tiến chỉ đạo Lương Thị Yến là kế toán công ty thành lập 17 công ty, trong đó có 6 công ty có chức năng nhập khẩu hàng hóa, 11 công ty có chức năng phân phối hàng hóa trong nước...

Mới đây nhất, ngày 1/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 vợ chồng Võ Thành Tâm và Ngô Ánh Hồng cùng 17 người khác để điều tra về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”.

Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, Tâm, Hồng đã chỉ đạo các nhân viên tổ chức sản xuất 7 loại dầu Con Ó nhãn hiệu “Eagle Brand Medicated Oil” của Singapore với tổng số lượng gần 70 nghìn chai, tương đương giá trị hàng thật hơn 6 tỷ đồng.

Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra còn thu giữ hàng trăm nghìn sản phẩm dầu gió, kem dưỡng da... các loại có dấu hiệu bị làm giả để tiếp tục điều tra, xử lý.

Cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi hàng giả, hàng nhái

Trước diễn biến phức tạp, nghiêm trọng trên, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 65/CĐ-TTg, Bộ Công an mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng trên trong 3 tháng, kể từ ngày 15/5.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, chia sẻ một số thông tin liên quan đến vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và an toàn vệ sinh thực phẩm hiện đang được dư luận đặc biệt quan tâm, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết: Bộ Công an đã chỉ đạo tập trung vào 3 nội dung trọng tâm, triển khai đồng bộ trên toàn quốc.

Cụ thể: Bộ Công an huy động toàn lực lượng công an các đơn vị, địa phương vào cuộc; tham gia phối hợp Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ triển khai các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn vi phạm theo đúng tinh thần khẩn trương, quyết liệt; triển khai song song công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, khắc phục những hạn chế, bất cập trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.

Người phát ngôn Bộ Công an cho biết: Kết quả bước đầu của đợt cao điểm tấn công từ ngày 15/5-3/6, cơ quan chức năng đã khởi tố 36 vụ án, 119 bị can, chủ yếu về các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng tại 24 địa phương trên cả nước.

Trong đó, đã xử lý một số cán bộ (hoặc nguyên cán bộ) trong cơ quan quản lý Nhà nước có dấu hiệu tiếp tay cho vi phạm, vi phạm quy trình, thậm chí có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che.

Đồng thời, làm rõ, xử lý nghiêm đối với hành vi bao che, tiếp tay cho tội phạm của một số cán bộ của các cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này; phát hiện, xử lý nghiêm đối với một số đối tượng có các hành vi liên quan đến quảng cáo sai sự thật, phóng đại công dụng của sản phẩm, nhằm lừa dối người tiêu dùng.

 Các bị can trong vụ sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh do vợ chồng Võ Thành Tâm và Ngô Ánh Hồng cầm đầu.

Các bị can trong vụ sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh do vợ chồng Võ Thành Tâm và Ngô Ánh Hồng cầm đầu.

Để công tác này thật sự đạt hiệu quả, thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo lực lượng Công an toàn quốc rà soát, tập trung nhận diện, đấu tranh quyết liệt với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ với tinh thần làm thật sâu, thật kỹ, liên tục, thường xuyên.

Nhất là, làm rõ “tiêu cực”, “bảo kê” của cán bộ các cơ quan quản lý Nhà nước, xác định trách nhiệm của các đơn vị quảng cáo, các tiktoker, người có uy tín trong để xử lý nghiêm minh; phối hợp chặt chẽ các cơ quan tư pháp đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý triệt để các vụ án về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường phối hợp các bộ, ngành, cơ quan liên quan nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, Bộ Công an cần tiếp tục tham mưu Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện thể chế, xây dựng pháp luật, khắc phục các sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước; kiến nghị tăng mức phạt đối với một số vi phạm liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét, thông qua nhằm tăng cường sự răn đe đối với loại tội phạm này.

Có thể thấy, công tác đấu tranh với loại tội phạm này hết sức quan trọng, mang tính lâu dài, do đó cần huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, lấy nhân dân là trung tâm, nói “không” với hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; chung tay xây dựng xã hội thật sự an toàn, lành mạnh, bình yên.

THANH HÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/huy-dong-suc-manh-toan-dan-trong-dau-tranh-voi-van-nan-hang-gia-post891136.html