Huy động tạm thời năng lượng tái tạo chuyển tiếp để tránh lãng phí

Hiện có 84 dự án năng lượng tái tạo (công suất hơn 4.670MW) bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch. Trong đó, 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió, 6 dự án điện mặt trời) tổng công suất khoảng 2.091MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm, bảo đảm đủ điều kiện vận hành nhưng chưa được huy động công suất, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư, lãng phí tài nguyên.

Để tránh lãng phí trong thời gian chờ đàm phán giá, nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) huy động điện với giá tạm tính 6,2 cent/kWh, tương đương gần 1.500 đồng/kWh.

Mới đây, 36 nhà đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ khắc phục những bất cập trong cơ chế giá phát điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng, các nhà đầu tư cho biết, chỉ tính riêng 34 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, ước tính tổng vốn đầu tư gần 85.000 tỷ đồng, trong đó khoảng hơn 58.000 tỷ đồng được tài trợ từ nguồn vốn ngân hàng.

Theo đó, các chủ đầu tư kiến nghị Bộ Công Thương sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là vấn đề về cơ chế, chính sách, hướng dẫn cụ thể của cấp có thẩm quyền để thủ tục đàm phán hợp đồng mua bán điện đối với các dự án được sớm triển khai. Cùng với đó, trong thời gian chờ đợi chính sách mới, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan cho phép những dự án chuyển tiếp đã hoàn tất đầu tư xây dựng được đưa vào vận hành, ghi nhận sản lượng phát điện lên lưới và sẽ được thanh toán cho sản lượng điện này sau khi quá trình đàm phán giá điện theo khung giá mới đã hoàn tất.

 Một góc Nhà máy Điện gió Đắk N'Drung 1 (Đắk Nông).

Một góc Nhà máy Điện gió Đắk N'Drung 1 (Đắk Nông).

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó tổng giám đốc phụ trách lĩnh vực năng lượng của T&T Group, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Năng lượng T&T cho hay, các nhà đầu tư đã phải chờ khoảng hai năm để có cơ chế giá mới, nhưng hiện vẫn trong thời gian chờ đàm phán giá mới. Chính vì vậy, đề xuất Bộ Công Thương cho phép EVN huy động ngay sản lượng với các dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng để tránh lãng phí.

Giá huy động tạm tính trong thời gian này có thể bằng 90% giá điện nhập khẩu (6,95 cent/kWh), tức khoảng 6,2 cent/kWh, tương đương gần 1.500 đồng/kWh (với tỷ giá 23.750 đồng/USD). Mức giá này thấp hơn giá trần của các dự án điện mặt trời nổi, điện gió đất liền theo khung giá của Bộ Công Thương. "Đây là mức giá tạm tính cho các chủ đầu tư. Sau này, khi có giá chính thức có thể áp dụng nguyên tắc hồi tố, tức thiếu EVN bổ sung, còn thừa chủ đầu tư trả lại", đại diện T&T Group nêu quan điểm.

Phân tích thêm, nhiều chủ đầu tư, dự án điện tái tạo chuyển tiếp phần lớn không cần đầu tư thêm hạ tầng truyền tải, trong khi nếu EVN mua điện nhập khẩu thì vẫn phải đầu tư hệ thống đường truyền tải điện từ biên giới về điểm đấu nối tại Việt Nam. Do đó, không lý gì các dự án điện trong nước đã hoàn thành, sẵn sàng đưa điện lên lưới mà không được áp dụng giá tạm để huy động trong thời gian chờ đàm phán giá phát chính thức hoặc xem xét lại cơ chế giá.

Nhìn nhận ở góc độ khác cho thấy, để các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp được huy động công suất, doanh nghiệp phải hoàn thiện thủ tục đầu tư, nghiệm thu và đàm phán với EVN theo khung giá vừa được ban hành. Đây là việc đòi hỏi sự nỗ lực của nhà đầu tư, EVN và Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, theo thông tin cập nhật, sau khi Công ty Mua bán điện thuộc EVN có văn bản gửi chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp đề nghị gửi hồ sơ thì đến ngày 20-3-2023, mới chỉ có duy nhất một chủ đầu tư gửi hồ sơ để chuẩn bị cho việc đàm phán hợp đồng mua bán điện và giá điện theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công Thương.

Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết, hiện nay, khung giá điện đã có, phương pháp xác định giá điện cũng đã được đặt ra và chỉ chờ Bộ Công Thương thông qua. Trên cơ sở đó, các chủ đầu tư nhanh chóng nộp hồ sơ cho bên mua bán điện. Phía EVN mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các chủ đầu tư trong quá trình chuẩn bị hồ sơ đàm phán với mong muốn những dự án chuyển tiếp được đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất trên cơ sở bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Để sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký văn bản yêu cầu EVN khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp thỏa thuận, sớm thống nhất giá năng lượng tái tạo chuyển tiếp.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về xây dựng khung khổ pháp lý liên quan đến năng lượng tái tạo và dự thảo cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp (DPPA). Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương rà soát, xử lý theo thẩm quyền những vấn đề liên quan đến các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng song chưa được vận hành. Trong đó, rà soát các quy định hiện hành về hoạt động điện lực và pháp luật có liên quan để xem xét, hướng dẫn về việc huy động tạm thời phát điện những dự án chuyển tiếp đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vận hành trong thời gian các bên mua bán điện thực hiện đàm phán/thỏa thuận giá phát điện theo các quy định của Bộ Công Thương.

MINH ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/huy-dong-tam-thoi-nang-luong-tai-tao-chuyen-tiep-de-tranh-lang-phi-723973