Huy động tối đa nguồn lực để giảm nghèo

ĐBP - Mặc dù nguồn lực đầu tư của Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong công tác xóa đói, giảm nghèo nhưng vẫn còn thấp so với mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Chính vì vậy, để xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, những năm qua tỉnh Điện Biên đã tập trung huy động các nguồn lực xã hội, vận dụng linh hoạt và kết hợp nguồn lực các chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cho công tác giảm nghèo. Nhờ đó đã tạo ra sức mạnh tổng hợp trong tập trung vốn đầu tư cho công tác giảm nghèo của tỉnh; hàng năm toàn tỉnh có hàng trăm hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.

Người dân xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên chăm sóc rau xanh.

Qua điều tra, phân tích về nguyên nhân nghèo thì có trên 90% số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh thiếu vốn đầu tư, thiếu khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, cơ sở hạ tầng… Xác định rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo khó của người dân, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã đề ra những giải pháp nhằm phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và tiềm năng lợi thế của địa phương để thực hiện tốt chương trình, kế hoạch giảm nghèo; trong đó tập trung huy động tối đa nguồn lực đầu tư thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh hơn 2.345 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Trung ương hơn 2.212 tỷ đồng; vốn viện trợ Chính phủ Ailen hơn 78 tỷ đồng. Tỉnh đã huy động tổng thể các nguồn lực khác (dưới hình thức lồng ghép), cùng với sự tham gia đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội và người dân để thực hiện. Trong giai đoạn này, vốn huy động trong nhân dân trên địa bàn tỉnh chỉ đạt gần 4 tỷ đồng. Nhưng ngược lại, người dân đã đóng góp hàng chục nghìn ngày công lao động; hiến đất thực hiện xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ công tác giảm nghèo. Tỉnh còn tranh thủ nguồn lực từ các tổ chức chính trị - xã hội quyên góp ủng hộ, chủ yếu hỗ trợ vật chất cho địa phương, cộng đồng dân cư, hộ nghèo về trang thiết bị văn hóa, giáo dục, y tế... Theo thống kê của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính từ tháng 10/2020 - 10/2021, Quỹ Vì người nghèo các cấp tỉnh Điện Biên đã tiếp nhận hơn 11,6 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ vận động được, ban vận động Quỹ các cấp đã hỗ trợ làm mới, sửa chữa 149 nhà đại đoàn kết, tặng 5.724 suất quà cho hộ nghèo…

Song song với việc huy động các nguồn lực đầu tư, tỉnh đã phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tránh đầu tư dàn trải gây lãng phí. Từ nguồn vốn các chương trình đầu tư mang tính đặc thù của Trung ương như: Chương trình 135, 30a và nông thôn mới… tỉnh đã ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng ở những vùng khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 654 công trình giao thông, thủy lợi, điện, văn hóa, giáo dục, nước sinh hoạt tại các xã, thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã biên giới được đầu tư, sửa chữa mang lại hiệu quả thiết thực cho đời sống người dân, tạo diện mạo nông thôn mới và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Ngoài ra, việc triển khai các dự án tạo sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo đã giúp các hộ nghèo được tiếp cận với các giống cây, con, khoa học kỹ thuật tiên tiến, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở các địa phương, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân. Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã có 2.775 lượt hộ được hỗ trợ khai hoang, phục hóa; gần 15.500 hộ được hỗ trợ tiền mua giống, phân bón cho việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; gần 650 hộ được hỗ trợ vay vốn lãi suất 0% làm chuồng trại chăn nuôi; gần 10.000 lượt hộ dân được hỗ trợ trên 63.000 con gia súc, gia cầm…

Thực hiện chương trình, chính sách giảm nghèo, cơ sở hạ tầng được đầu tư cải thiện, nâng cấp; nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi ngành nghề đã mang lại hiệu quả thiết thực. Mỗi năm toàn tỉnh đã có hàng trăm hộ dân thoát nghèo bền vững. Nếu như cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh là 48,14%, thì đến đầu năm 2021 giảm còn 29,97%. Người nghèo đã được cải thiện về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh…). Về lâu dài, tác động của chương trình giúp người nghèo có được cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững, tự giải quyết được vấn đề nghèo đói cũng như những nhu cầu thiết yếu của gia đình mà không trông chờ ỷ lại vào sự trợ giúp của cộng đồng và Nhà nước.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh ta xác định công tác giảm nghèo bền vững còn nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có cách làm chủ động, sáng tạo và huy động được nhiều nguồn lực hơn nữa. Vì vậy, trong quá trình thực hiện cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, chú trọng các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, trẻ em, phụ nữ nghèo; hộ nghèo là gia đình có công với cách mạng. Đồng thời rà soát, bảo đảm không để trùng lặp, bỏ sót nội dung, đối tượng hỗ trợ; có cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư. Lồng ghép các nguồn vốn Trung ương với địa phương, giữa ngân sách với huy động trong dân để xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, coi đây là giải pháp then chốt để giảm nghèo nhanh và bền vững. Đồng thời huy động vốn xã hội hiệu quả, linh hoạt, không để bị động, phụ thuộc quá nhiều vào ngân sách Trung ương.

Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/191874/huy-d%E1%BB%8Dng-toi-da-nguon-luc-d%E1%BA%BB-gi%E1%BA%A3m-ngh%C3%A8o