Huy động tổng lực cơ sở khám, chữa bệnh để chăm sóc sức khỏe nhân dân

Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật sáng qua, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc chưa phân cấp chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập và cơ sở khám, chữa bệnh thuộc lực lượng vũ trang nhân dân là chưa phù hợp với tinh thần Nghị quyết 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII. Theo đó, phải huy động tổng lực các cơ sở khám, chữa bệnh để tăng cường chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Hội đồng Y khoa quốc gia do Thủ tướng thành lập

Theo Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), dự luật quy định phân cấp hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước (không bao gồm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc lực lượng vũ trang nhân dân) thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật: cấp ban đầu, cấp 2 và cấp 3. Quy định này nhằm thể chế hóa tinh thần Nghị quyết 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng băn khoăn về quy định này, bởi thực tế, hệ thống các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của quân đội, công an rất mạnh và các cơ sở này cũng tham gia khám, chữa bệnh cho nhân dân, chứ không chỉ phục vụ cho nội bộ lực lượng vũ trang nhân dân.

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

"Khi thực hiện phân cấp chuyên môn kỹ thuật thành 3 cấp, tại sao chỉ phân cấp đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, mà không áp dụng với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc lực lượng vũ trang nhân dân?". Đặt câu hỏi này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục làm rõ thêm và nhấn mạnh, theo tinh thần Nghị quyết số 20 của Trung ương thì cần phân cấp chuyên môn kỹ thuật đối với tất cả các cơ sở khám chữa bệnh chứ không chỉ có cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước. Chúng ta phải huy động tổng lực các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để tăng cường năng lực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Liên quan đến Hội đồng Y khoa quốc gia, Khoản 2, Điều 23 dự luật đã tiếp thu, chỉnh lý theo hướng Hội đồng Y khoa quốc gia là tổ chức độc lập do Chính phủ thành lập, có nhiệm vụ chủ yếu là tham mưu cho Bộ Y tế trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã nêu rõ, hạn chế thành lập các Ban chỉ đạo, các Hội đồng liên ngành. Nếu thành lập phải xác định rõ thời gian hoạt động và kiên quyết không thành lập các tổ chức xã hội làm phát sinh bộ máy chuyên trách, tăng biên chế. Dự thảo Luật quy định Chính phủ thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia, tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Y tế cũng không thống nhất với quy định Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia để giúp cho Thủ tướng Chính phủ tại Khoản 10, Điều 28 Luật Tổ chức Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết thêm, Hội đồng Y khoa quốc gia là một tổ chức mang tính chất tư vấn, không phải cơ quan quản lý nhà nước. Ngay trong Luật Tổ chức Chính phủ cũng quy định: “Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập các tổ chức có tính chất tư vấn, các Hội đồng, Ủy ban khi cần thiết để giúp Thủ tướng nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành”. Hiện nay, để thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-TW, Thủ tướng đã có Quyết định 956/QĐ-TTg ngày 6.7.2020 thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia. Tại sao từ thẩm quyền của Thủ tướng đến dự thảo Luật này lại chuyển thành thẩm quyền của Chính phủ thì rất cần phải lý giải rõ.

Luật hóa cơ chế bảo vệ cán bộ y tế

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị phải có cơ chế bảo vệ cán bộ y tế bằng luật và quy định các biện pháp cụ thể. Phải làm sao bảo vệ, tôn vinh được đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, những người đang ngày ngày làm công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Họ là những người hết sức vất vả, luôn phải ưu tiên chăm sóc cho người bệnh, có khi phải hy sinh các mối quan tâm của bản thân, bố mẹ ốm cũng không chăm sóc được..., nhất là trong đại dịch Covid-19 vừa qua, chúng ta đã chứng kiến sự hy sinh không thể nói được bằng lời của đội ngũ nhân viên y tế, "sự hy sinh ấy gian khổ không kém gì chiến trường".

Liên quan đến việc bảo vệ nhân viên y tế, tại Điều 109 dự thảo Luật cũng quy định về bảo đảm an ninh trật tự cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và an toàn cho người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, việc quy định cơ sở khám, chữa bệnh được áp dụng biện pháp tạm giữ người có hành vi gây mất an ninh trật tự hoặc có nguy cơ gây mất an ninh trật tự tại cơ sở khám, chữa bệnh và thông báo cho cơ quan công an trên địa bàn là chưa phù hợp. Chỉ ra vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cần rà soát lại để bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan vì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được quyền tạm giữ người mà phải là cơ quan chức năng.

Đối với thẩm quyền cấp phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề, Điều 28 dự thảo Luật quy định Bộ trưởng Bộ Y tế có thẩm quyền đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề đối với người hành nghề khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ và tại các cơ sở khám, chữa bệnh khác trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, cũng theo Điều 28 dự thảo Luật, đối với các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc lực lượng vũ trang thì Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thẩm quyền đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề. Băn khoăn về quy định này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng thẳng thắn, việc xử lý thẩm quyền giữa Bộ trưởng Bộ Y tế với thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng như thế nào? Có phải Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an xử lý trước, sau đó xử lý không thỏa đáng thì thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế không? Vấn đề này cần làm rõ, vì có liên quan đến tính mạng, sức khỏe của nhân dân, đến những sai sót về chuyên môn trong hoạt động của người hành nghề khám, chữa bệnh.

Thời điểm có hiệu lực của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) theo dự thảo Luật là ngày 1.1.2024, song tiếng nói từ đội ngũ cán bộ y tế, nhân viên y tế đều mong muốn Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sớm được ban hành, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, an toàn cho những người hành nghề y yên tâm công tác, gắn bó với nghề. Vì vậy, một số ý kiến tại Phiên họp mong muốn, những vấn đề đã chín, đã thống nhất thì cần được đưa vào luật, những vấn đề xác định được nguyên tắc chung, nhưng chưa thể quy định chi tiết thì giao Chính phủ quy định; một số vấn đề thấy cần nhưng chưa đủ cơ sở để quy định thì tạm gác lại để tiếp tục nghiên cứu thấu đáo. Đây là giải pháp nhằm phúc đáp yêu cầu của xã hội, của đội ngũ nhân viên y tế, cũng như giải quyết được bài toán chất lượng của dự thảo Luật.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Luật Khám bệnh, chữa bệnh là luật có tính chất xương sống của ngành y tế, định hướng công tác quản lý và sự phát triển bền vững của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế. Dự Luật được Nhân dân và ngành y tế mong đợi. "Tuy chúng ta mong ban hành luật sớm nhưng không vội vàng, phải chuẩn bị có chất lượng, chuẩn bị kỹ lưỡng, luật sửa đổi ban hành phải có "tuổi thọ", không thể ban hành năm nay rồi năm sau tiếp tục sửa", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/huy-dong-tong-luc-co-so-kham-chua-benh-de-cham-soc-suc-khoe-nhan-dan-i301339/