Huy động và phát triển các nguồn lực tài chính cho đào tạo nghề tại Việt Nam
Việc tạo điều kiện, cơ chế chính sách cho huy động, phát triển nguồn lực tài chính cho đào tạo nghề là rất cần thiết, giúp khuyến khích được các thành phần kinh tế tham gia nhằm thu hút nguồn lực tài chính hỗ trợ cho công tác đào tạo nghề và tìm kiếm đầu ra cho người học nghề, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, thu hút nguồn lực tài chính cho đào tạo nghề còn gặp nhiều khó khăn như: Chi phí hỗ trợ cho người dân còn hạn hẹp, dẫn đến việc bỏ lớp, không tham gia đào tạo; Một số địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo chưa sát với thực tế, dẫn đến tình trạng khó tuyển sinh, không mở được lớp; Việc phân bổ vốn còn khó khăn và chậm trễ do phải qua nhiều khâu... Do đó, để giải quyết những khó khăn này cần có giải pháp trọng tâm để huy động hiệu quả nguồn lực tài chính cho đào tạo nghề tại Việt Nam.
Thực trạng nguồn lực tài chính cho đào tạo nghề tại Việt Nam
Nguồn lực tài chính cho dạy nghề tại Việt Nam bao gồm các nguồn từ ngân sách nhà nước (NSNN) và ngoài NSNN. Nguồn NSNN gồm 3 nội dung: Nguồn kinh phí thường xuyên, vốn đầu tư xây dựng cơ bản và vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Nguồn tài chính ngoài NSNN gồm: Học phí, lệ phí tuyển sinh, các khoản thu từ dịch vụ, hoạt động sản xuất kinh doanh, tư vấn chuyển giao công nghệ, vốn đầu tư, tài trợ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.
Để đạt được mục tiêu giai đoạn 2016-2020 của Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” bình quân mỗi năm phải đào tạo khoảng 1 triệu lao động nông thôn. Đây là mục tiêu khá khó khăn trong bối cảnh những năm qua nền kinh tế còn nhiều khó khăn, NSNN đảm bảo cho công tác này còn hạn chế. Thực tế cho thấy, từ năm 2016, kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn được bố trí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các địa phương phải căn cứ vào việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới để cân đối, bố trí kinh phí cho các hoạt động phù hợp với tổng số kinh phí được cấp và khả năng hoàn thành các tiêu chí. Trong tổng số 5,5 triệu lao động nông thôn học nghề, NSNN dự kiến hỗ trợ đào tạo khoảng 3,8 triệu người, số còn lại do các địa phương huy động các nguồn kinh phí khác từ doanh nghiệp (DN), tổ chức cá nhân và người học để tổ chức đào tạo... Hiện nay, nguồn lực tài chính cho đào tạo nghề tại Việt Nam được thể hiện như sau:
Nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước
Thời gian qua, Nhà nước luôn quan tâm, đầu tư cho đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đào tạo nghề cho đối tượng yếu thế. Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có kinh phí gần 26.000 tỷ đồng. Ngoài ra, lao động nông thôn và đối tượng yếu thế còn được hưởng hỗ trợ theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. NSNN cũng được bố trí đào tạo nghề cho lao động nông thôn thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình cho vay giải quyết việc làm, cho vay vốn hộ nghèo…
Theo số liệu của Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), chi NSNN cho lĩnh vực giáo dục đào tạo và dạy nghề đảm bảo tăng đều qua các năm: Năm 2015 là 184.070 tỷ đồng, năm 2016 là 195.604 tỷ đồng, năm 2017 là 215.167 tỷ đồng, năm 2018 là 229.074 tỷ đồng. Như vậy, nếu so sánh mức tăng năm 2018 với năm 2015 thì số tăng gấp 1,24 lần. Mức kinh phí này đã góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam.
Hiện nay, nguồn lực tài chính từ NSNN chiếm khoảng 60% tổng nguồn lực tài chính cho dạy nghề. Trong giai đoạn năm 2014-2018, NSNN chi cho dạy nghề thường chiếm tỷ lệ xấp xỉ 9% ngân sách chi cho giáo dục dạy nghề và không ngừng gia tăng theo con số tuyệt đối tương ứng với sự gia tăng của khoản chi cho giáo dục dạy nghề. Theo bảng1, mức chi cho giáo dục dạy nghề không ngừng tăng qua các năm (Từ mức 139.926 tỷ đồng năm 2014 đến 229.074 tỷ đồng năm 2018). Nếu so sánh mức tăng năm 2018 với năm 2015 thì số tăng gấp 1,24 lần. Chi cho giáo dục dạy nghề chiếm tỷ lệ từ 13,90% (năm 2015) đến 17,64% (năm 2017) trong tổng chi NSNN, tỷ lệ này sụt giảm còn 16,10% vào năm 2018.
Về cơ cấu chi, NSNN đã ưu tiên bố trí kinh phí cho giáo dục dạy nghề ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng biên giới hải đảo và vùng đồng bào dân tộc. Theo đó, định mức phân bổ chi sự nghiệp đào tạo và dạy nghề theo tiêu chí dân số cho vùng miền núi - đồng bào dân tộc ở đồng bằng, vùng sâu cao hơn 1,56 lần so với vùng đô thị; đối với vùng cao - hải đảo cao hơn 2,22 lần so với vùng đô thị. Dù nguồn lực do NSNN cấp cho dạy nghề có tăng trong những năm gần đây, nhưng so với yêu cầu phát triển dạy nghề của nước ta thì vẫn còn nhiều hạn chế cả về quy mô và cơ cấu...
Tuy NSNN hiện nay dành cho công tác đào tạo nghề khá cao, song hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn không đồng đều giữa các vùng trong cả nước, các vùng trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên có số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề và tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề thấp hơn các vùng khác, trong khi kinh phí trung ương hỗ trợ bình quân luôn bằng hoặc cao hơn mức hỗ trợ bình quân chung của các vùng khác trong cả nước. Trong khi đó, cả nước có không ít cơ sở đào tạo hoạt động cầm chừng, hoặc đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động.
Nguồn lực tài chính ngoài ngân sách
Thời gian qua, nguồn lực tài chính ngoài NSNN dành cho đào tạo nghề gồm các nguồn sau:
- Học phí: Nguồn thu từ học phí hiện nay chiếm khoảng 18% tổng nguồn lực tài chính cho dạy nghề. Tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nguồn thu chủ yếu là học phí, song mức thu học phí còn thấp, chưa đủ bù đắp chi phí cho các hoạt động. Do vậy, dù nguồn thu từ học phí vẫn tăng đều đặn qua các năm, nhất là trong giai đoạn 2014-2018 với mức từ 1.523 tỷ đồng năm 2014 lên khoảng 4.892 tỷ năm 2018 (tăng xấp xỉ 3,2 lần) nhưng mức học phí học nghề hiện còn thấp. So với chi thường xuyên cho dạy nghề, tỷ trọng học phí thu được năm 2018 bằng khoảng 34%, trong khi năm 2014 chỉ khoảng 30%. Hiện nay, nguồn thu học phí tăng hàng năm và phần lớn được sử dụng để bù đắp các hoạt động đào tạo, một phần tích lũy để tái đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đã góp phần tích cực trong việc tăng cường năng lực đào tạo của các cơ sở dạy nghề.
- Nguồn viện trợ phát triển ODA: Nguồn vay và đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hiện nay chiếm tỷ trọng khoảng 9% trong tổng nguồn tài chính cho đào tạo nghề. Nguồn tài chính ODA đầu tư cho các dự án dạy nghề còn rất nhỏ; qua khảo sát chưa đầy đủ vốn ODA đầu tư cho đào tạo nghề trọng điểm năm 2015 là gần 32 tỷ đồng, năm 2016 gần 38 tỷ đồng, năm 2017 là gần 40 tỷ đồng. Trong khi đó, các cơ chế, chính sách tài chính đối với nguồn kinh phí này còn nhiều bất cập. Nguồn vốn vay trong và ngoài nước cho đào tạo nghề còn hạn chế về số lượng và chất lượng; thủ tục giải ngân còn phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều cơ quan. Vì vậy, vốn giải ngân thường là chậm, kéo dài thời gian dự án và thường không giải ngân hết được số vốn vay theo Hiệp định đã ký kết, dẫn đến vốn đối ứng cũng không được bố trí đủ, không đạt được hiệu quả từ nguồn vốn này.
Đề xuất một số giải pháp
Trong khi nguồn kinh phí hỗ trợ từ NSNN còn hạn chế thì việc phát triển các nguồn lực tài chính cho đào tạo nghề trong thời gian tới là rất cần thiết. Để giải quyết được vấn đề đó, một số giải pháp cần thực hiện như sau:
Một là, tăng cường thu hút nguồn xã hội hóa vào hỗ trợ đào tạo nghề. Theo đó, để thu hút được các nguồn xã hội hóa, bản thân các cơ sở đào tạo phải đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới cách tiếp cận trong việc tổ chức đào tạo, đào tạo gắn với DN, thị trường lao động. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa trong việc thực hiện giáo dục nghề nghiệp nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng cho phù hợp. Nhờ đó, mới thu hút các DN, đặc biệt là các nguồn đầu tư nước ngoài vào việc đa dạng hóa các nguồn lực tài chính cho đào tạo nghề trong bối cảnh NSNN ngày càng khó khăn.
Hai là, mở rộng đối tượng được vay tín dụng để có khả năng tài chính tham gia học tập; Xem xét hỗ trợ trong giai đoạn đầu đối với các trường về cơ sở vật chất để đủ tiêu chuẩn triển khai tự chủ tài chính hoàn toàn vào năm 2020. Thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng như ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN...
Ba là, đẩy mạnh cơ chế tự chủ để đổi mới quản lý giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện tự chủ được trao quyền tự chủ toàn diện về các nội dung thực hiện nhiệm vụ, tổ chức, nhân sự và tài chính. Các cơ sở này cũng sẽ sử dụng các nguồn lực tài chính hiệu quả hơn; thông qua hợp tác liên doanh, liên kết huy động được nhiều nguồn vốn để tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện thu nhập cho cán bộ, nhà giáo, tạo động lực để nâng cao chất lượng đào tạo...
Bốn là, sớm ban hành thông tư hướng dẫn về tài chính, kế toán, kiểm toán và thuế đối với hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, các DN nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này.
Năm là, các địa phương cần tiếp tục ưu tiên phân bố chi ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp trong tổng chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Đồng thời, các địa phương cần ban hành các văn bản có liên quan trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp theo nhiệm vụ được giao tại các luật, nghị định, quyết định và thông tư của các bộ quản lý chuyên ngành, tạo hành lang pháp lý để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai thực hiện
Sáu là, cần có chính sách khuyến khích, để huy động tối đa sự tham gia của DN, làng nghề trong việc phát triển dạy nghề dưới các hình thức như: Tổ chức đào tạo tại DN, đầu tư cơ sở dạy nghề; Liên kết với các cơ sở dạy nghề để người học được thực tập nghề trong thực tiễn sản xuất; DN đóng góp kinh phí vào Quỹ Hỗ trợ đào tạo nghề khi tiếp nhận lao động qua đào tạo nghề vào làm việc trong DN. Đẩy mạnh việc hình thành các cơ sở đào tạo trong DN để chia sẻ các nguồn lực chung: Cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực, rút ngắn thời gian chuyển giao từ kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn cuộc sống...
Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ (2009), Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;
2. Bộ Tài chính và Bộ Lao động và Thương binh xã hội (2010), Thông tư liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/7/2010 hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” ban hành kèm theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ;
3. Bộ Tài chính và Bộ Lao động và Thương binh xã hội (2012), Thông tư liên tịch số 128/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 09/8/2012 về việc: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 112/2010/TTLT- BTC-BLĐTBXH, ngày 30/7/2010 về việc: Hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;
4. Tổng cục Dạy nghề (2012), Tài chính cho đào tạo nghề ở Việt Nam;
5. Tạp chí Tài chính số 3-2014: Đổi mới cơ chế quản lý tài chính dạy nghề.