Huy động và sử dụng tốt các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội

Để bảo đảm thực hiện hoàn thành mục tiêu phấn đấu đưa Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước; ngay trong chủ đề đại hội đã đề cập đến các thành tố và giải pháp quan trọng, trong đó việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội là giải pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tính quyết định.

(Trích tham luận của đồng chí TRƯƠNG CHÍ TRUNG, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư)

 Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trương Chí Trung trình bày tham luận tại đại hội - Ảnh: Thành Dũng

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trương Chí Trung trình bày tham luận tại đại hội - Ảnh: Thành Dũng

Để đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế thành công, cần quán triệt và thực hiện nhất quán phương châm mà tỉnh đã xác định và được đúc rút trở thành bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ vừa qua, đó là: “Nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng”. Vì vậy, cùng với việc tích cực, chủ động khơi dậy và phát huy sức mạnh nội lực; cần tập trung huy động tối đa các nguồn lực bên ngoài; tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ to lớn, hiệu quả của Trung ương; đồng thời, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để huy động sự tham gia, đóng góp, vào cuộc của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước.

Thứ hai là, tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” của nền kinh tế, bảo đảm cho mọi nguồn lực được khai thông, giải phóng tối đa, vận hành thông suốt, phân bổ và sử dụng có hiệu quả đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.

Trong những năm qua, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã nỗ lực rất lớn để khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế, đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn thấp so với yêu cầu, một số nguồn lực vẫn ở dạng tiềm năng, chưa phát huy được hiệu quả, nhất là về tài nguyên, đất đai, khoáng sản. Quá trình triển khai thực hiện một số dự án đầu tư có liên quan đến việc sử dụng đất đai, tài nguyên đã gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc đã gây lo ngại cho nhà đầu tư, làm ảnh hưởng rất lớn đến nỗ lực cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cũng như kết quả huy động các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Vì vậy, chú trọng tăng cường công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng các nguồn tài nguyên, nhất là đất đai để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong giao đất cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng trong tiếp cận về tài nguyên đất đai theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm quy định đấu giá quyền sử dụng đất. Xử lý dứt điểm những bất cập trong quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp, nhất là tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích, cho thuê, cho mượn, giao khoán trái pháp luật. Đẩy mạnh thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất gắn với đổi mới hình thức tổ chức sản xuất và cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản. Ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; hạn chế tối đa, tiến tới chấm dứt tình trạng xuất khẩu tài nguyên khoáng sản thô hoặc chỉ qua sơ chế.

Thứ ba là, vừa nâng cao hiệu quả đầu tư công gắn với đổi mới nội dung, phương pháp tiếp cận để huy động ngày càng nhiều hơn nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước. Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn đầu tư công, ưu tiên tập trung đầu tư các công trình trọng tâm, trọng điểm, các công trình kết cấu hạ tầng bảo đảm tính đồng bộ, kết nối nhằm tạo động lực cho phát triển lan tỏa. Phát huy vai trò dẫn dắt, “vốn mồi” của đầu tư công để thu hút các nguồn vốn ngoài nhà nước.

Nâng cao vai trò, vị thế của doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm doanh nghiệp nhà nước là bộ phận rất quan trọng của kinh tế nhà nước, tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh, những lĩnh vực mà tư nhân không làm hay chưa làm.

Để thực hiện hoàn thành các chương trình, dự án trọng điểm và các ngành, lĩnh vực đột phá đã xác định trong nhiệm kỳ 2020-2025 nhất định phải nỗ lực và có nhiều biện pháp để thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư, nhất là nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước. Đây phải được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa kết cấu hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội.

Muốn huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội phải quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm thị trường đóng vai trò chủ yếu trong phân bổ nguồn lực và kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân hoàn toàn tự mình quyết định hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh theo tín hiệu của thị trường; được tự do đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Quá trình thu hút, sử dụng nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước, phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội.

Bên cạnh việc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia vào quá trình hoạt động của nền kinh tế; cần xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ hình thành nhóm doanh nghiệp có tiềm lực và quy mô lớn “dẫn đầu” khu vực kinh tế tư nhân để nâng cao năng lực cạnh tranh và vươn ra thị trường. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, mở rộng hình thức đầu tư theo đối tác công tư (PPP),... tạo dư địa cho huy động nguồn lực ngoài nhà nước.

Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và kinh tế đối ngoại. Tận dụng cơ hội được mở ra khi thực hiện các hiệp định tự do thế hệ mới để thu hút đầu tư, mở rộng thị trường, tiếp thu công nghệ và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tích cực và chủ động chuẩn bị đồng bộ cả hạ tầng “cứng”, hạ tầng “mềm” và môi trường đầu tư thông thoáng để xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược. Đổi mới nội dung, phương thức tiếp cận, thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư bên ngoài, bao gồm vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn phi chính phủ (NGO),...

Thứ tư là, nâng cao chất lượng, hiệu quả bộ máy hành chính nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, hiệu lực, hiệu quả, lấy kết quả phục vụ người dân, doanh nghiệp làm tiêu chí đánh giá. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý nhà nước, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, phát triển các dịch vụ công. Duy trì, phát triển hệ thống M.Score trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục xác định cải cách hành chính là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh. Tập trung mọi nỗ lực của cả hệ thống chính trị cho mục tiêu nâng cao chỉ số cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Thứ năm là, tập trung làm tốt công tác tác quy hoạch, đặc biệt là hoàn thành quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; quy hoạch hệ thống đô thị, các điểm dân cư nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật trong thời kỳ mới đảm bảo chất lượng cao nhất. Tất cả các quy hoạch này phải gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia và vùng quốc gia. Các quy hoạch này sẽ bảo đảm sự thống nhất về định hướng phát triển và sử dụng nguồn lực đầu tư có hiệu quả. Nhưng ý nghĩa quan trọng nhất là mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo sự yên tâm cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=152437