Huy động vốn qua chứng khoán vẫn ở mức thấp

Dù thị trường chứng khoán đang 'ấm' dần nhưng chưa đủ mạnh để hỗ trợ cho các đợt huy động vốn lớn, cần có thêm các giải pháp hút vốn dài hạn.

Theo thống kê đến cuối quý I/2023 cho thấy nhu cầu huy động vốn qua thị trường chứng khoán (TTCK) từ các kế hoạch phát hành của doanh nghiệp (không bao gồm Novaland và VPBank) chỉ đạt 61.000 tỷ đồng, giảm khoảng 40% so với con số đã thực hiện năm 2022.

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) nói rằng huy động vốn của doanh nghiệp phụ thuộc vào 2 yếu tố chính là môi trường vĩ mô và nhu cầu tự thân của doanh nghiệp có khả năng hấp thụ vốn hay không?

Chuẩn bị cho hồi phục

Giai đoạn từ 2022 đến nay chứng kiến nhiều thách thức như lãi suất cao dù đã có xu hướng giảm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp khó khăn, tâm lý nhà đầu tư còn dè dặt thể hiện qua thanh khoản sụt giảm.

"Thị trường bắt đầu khởi sắc một tháng gần đây nhưng trung bình vẫn chỉ 12.000-13.000 tỷ đồng/phiên, cho thấy môi trường vĩ mô chưa hỗ trợ cho các đợt phát hành", bà Bình nói trong talkshow Khơi thông dòng vốn trên TTCK.

 Chứng khoán đang dần hồi phục nhưng chưa đủ mạnh để hỗ trợ cho các đợt phát hành. Ảnh: Việt Linh.

Chứng khoán đang dần hồi phục nhưng chưa đủ mạnh để hỗ trợ cho các đợt phát hành. Ảnh: Việt Linh.

Bà còn đánh giá áp lực từ các chính sách tài chính và nền kinh tế khó khăn khiến sức khỏe doanh nghiệp cũng đi xuống, cho thấy nhu cầu vốn trong ngắn hạn và khả năng hấp thụ vốn không có nhiều.

Thực tế, số lượng đăng ký phát hành trên kênh chứng khoán từ đầu năm đều suy giảm. Đến nay SSC mới tiếp nhận và đang xử lý 5 hồ sơ IPO, cũng như đang xem xét các hồ sơ chào bán và huy động vốn khác.

"Các con số hồ sơ này thì so về số lượng và giá trị giảm 45% so với cùng kỳ, riêng phát hành cổ phiếu ra công chúng chỉ bằng 40%", bà Bình dẫn số liệu.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng nhu cầu huy động vốn sẽ quay trở lại. Do đó, để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi, lãnh đạo SSC đề nghị doanh nghiệp cần lưu ý nhiều vấn đề để khơi thông những ách tắc và không bỏ lỡ các cơ hội.

Thứ nhất, Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán có nhiều quy định pháp lý mới về chào bán và quản trị công ty. Nhiều hồ sơ lại chưa nắm hết các quy định nên còn có những điểm sai sót, dẫn đến thời gian xử lý bị kéo dài.

Thứ hai, một số doanh nghiệp chưa có phương án dài hạn về kinh doanh và sử dụng vốn, mà chỉ đăng ký chào bán để tận dụng sức nóng thị trường tại từng thời điểm.Phương án sử dụng vốn chưa chi tiết, chưa minh bạch và đâu đó vẫn tiềm ẩn rủi ro cho chính cổ đông.

"Nhiều đợt chào bán lớn lại sử dụng vốn để mua lại cổ phiếu hoặc góp vốn vào tổ chức khác, thậm chí lại là doanh nghiệp chưa đại chúng nên tính minh bạch cần thêm kiểm định.", bà Bình cho biết.

Thứ ba, doanh nghiệp chưa đại chúng thực hiện IPO có nhiều vấn đề chưa được làm rõ như quá trình tăng vốn, quản trị công ty, góp vốn bằng tài sản khác….đều cần được xác minh làm rõ và sẽ mất thời gian.

Cuối cùng, lãnh đạo SSC khẳng định đang tích cực sửa đổi NĐ155, bao gồm có quy định rõ các điều kiện, hồ sơ, thủ tục. Cơ quan này sẽ chỉnh sửa, bổ sung các vấn đề liên quan trực tiếp đến hoạt động chào bán theo hướng giảm thủ tục hành chính và làm rõ các nội dung trong hồ sơ để quy trình thuận lợi nhất.

Cần thêm giải pháp để hút vốn

Ở góc nhìn của đơn vị tư vấn, Tổng giám đốc Chứng khoán SHS Vũ Đức Tiến nhấn mạnh những quy định mới là nhằm hướng tới một thị trường vốn minh bạch, hiệu quả và giữ chân nhà đầu tư.

Lãnh đạo SHS cho biết luôn ý thức trao đổi và bám sát ngay từ đầu với đối tác doanh nghiệp về việc huy động vốn. Công ty chủ trương tìm kiếm các doanh nghiệp kinh doanh thực sự, làm ăn tốt, bản chất là kinh doanh đem lại hiệu quả cho cổ đông.

 CEO Vũ Đức Tiến nói phải bám sát từ đầu các vấn đề huy động vốn của doanh nghiệp . Ảnh: ĐTCK.

CEO Vũ Đức Tiến nói phải bám sát từ đầu các vấn đề huy động vốn của doanh nghiệp . Ảnh: ĐTCK.

"Để huy động vốn thì phải chuẩn hóa theo đúng mô hình công ty đại chúng hoàn chỉnh, có sự giám sát của các cơ quan quản lý để giúp doanh nghiệp hoạt động minh bạch, niêm yết dễ dàng hơn", ông Tiến khuyến nghị cho các đợt IPO.

Còn đối với huy động qua kênh trái phiếu, doanh nghiệp phải cân đối nguồn vốn, hệ số nợ, xác định phương án sử dụng vốn và phải có đơn vị trung gian. Bên cạnh vấn đề cam kết với nhà đầu tư thì "chữ tín" rất quan trọng.

Ông Nguyễn Vũ Long, Chủ tịch VNDirect nhận thấy những nút thắt trên thị trường dần được tháo gỡ bởi những hành động quyết liệt về mặt chính sách, quyết tâm hạ lãi suất điều hành để kích thích dòng vốn trở lại, đẩy mạnh tháo gỡ các pháp lý...

Những chính sách gần đây đang giúp nhà đầu tư lấy lại niềm trong ngắn hạn. Do vậy, CEO VNDirect nhìn nhận đây chỉ là những tín hiệu hồi phục bước đầu và thị trường cần có thêm biện pháp để thu hút các nhà đầu tư tổ chức, khối ngoại về mặt dài hạn.

Lãnh đạo SSC nói thêm đang xây dựng chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030, mục tiêu là quản lý sao cho thị trường có thể chống chọi được sức ép từ yếu tố khách quan, đồng thời vẫn phát triển bền vững.

Một trong những ý tưởng của phát triển bền vững là không quá chú trọng đi vào tăng trưởng về số lượng và quy mô, mà đi sâu các giải pháp để hỗ trợ thị trường phát tăng khả năng chống chịu trước các biến động.

Tiếp đến là cố gắng tạo sản phẩm tốt hơn. Đơn cử với thị trường phái sinh mới chỉ có một sản phẩm dễ gây nhiễu loạn nên cơ quan quản lý đang cố gắng triển khai thêm sản phẩm VN100, sau đó là hợp đồng tương lai với tài sản cơ sở khác, tiến tới hợp đồng quyền chọn.

"Tháng 7 tới đây sẽ vận hành thị trường thứ cấp trái phiếu riêng lẻ, kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ được nút thắt trên kênh này", bà Bình tiết lộ.

SSC còn đẩy nhanh tốc độ tái cấu trúc công ty chứng khoán, tiếp tục hoạt động chuyển đổi sản phẩm trên thị trường theo định hướng HoSE là giao dịch cổ phiếu, HNX là các sản phẩm phái sinh, trái phiếu.

Huy Lê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/huy-dong-von-qua-chung-khoan-van-o-muc-thap-post1440225.html