Hủy dự án với Mỹ, Nga xây trạm Mặt trăng cùng Trung Quốc

Nga thông báo nước này sẽ tham gia xây dựng một trung tâm nghiên cứu trên Mặt trăng cùng Trung Quốc, sau khi hủy một dự án tương tự với Mỹ.

Thông tấn Nga TASS ngày 24/7 dẫn lời Giám đốc Cơ quan Không gian Nga Roscosmos Dmitry Rogozin tiết lộ ông mới đây có cuộc thảo luận với người đứng đầu cơ quan vũ trụ Trung Quốc Trương Khắc Kiện, trong đó hai bên đồng ý cùng xây dựng một trạm vũ trụ để nghiên cứu Mặt trăng cùng Trung Quốc.

Các cường quốc đang tham vọng xây dựng trạm không gian mới trên quỹ đạo Mặt trăng. Ảnh: NASA

Các cường quốc đang tham vọng xây dựng trạm không gian mới trên quỹ đạo Mặt trăng. Ảnh: NASA

Ông Rogozin nhấn mạnh Nga rất coi trọng hợp tác trong lĩnh vực này cùng phía Trung Quốc. Dù Bắc Kinh đã vấp phải một số tai nạn liên quan đến công tác nghiên cứu vũ trụ, song "họ vẫn đang tiếp tục làm việc, tiếp tục thách thức quyết tâm của chính mình".

Phát biểu được người đứng đầu Roscosmos đưa ra một tuần sau tuyên bố rút khỏi chương trình Mặt trăng do Cơ quan Vũ trụ Mỹ NASA khởi xướng. "Mỹ coi đó là dự án chính trị lớn. Với dự án Mặt trăng, chúng tôi thấy rằng Mỹ đang từ bỏ các nguyên tắc cơ bản của việc hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau", Rogozin nói.

Từ cuối 2017, Nga cho hay họ sẵn sàng hợp tác với NASA trong kế hoạch xây dựng trạm vũ trụ trên quỹ đạo của Mặt trăng có tên Deep Space Gateway (Cánh cổng vào không gian) nhằm tăng cường khả năng thám hiểm không gian của con người.

Deep Space Gateway được kì vọng sẽ trở thành trạm trung chuyển hậu cần dự phòng trên không gian, phục vụ việc đưa phi hành gia và thiết bị, phương tiện do con người chế tạo tới những nơi xa xôi hơn trong vũ trụ bao la.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ bắt đầu thực hiện từ năm 2020, trong khi các mô đun đầu tiên của trạm sẽ được đưa lên không gian trong khoảng năm 2024 đến 2026. Theo RT, Nga chịu trách nhiệm 3 mô đun quan trọng nhất. Bao gồm cả hệ thống kết nối để đón các tàu khác khi dự án đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, phía Mỹ gần đây tỏ ý họ chỉ muốn người Nga hỗ trợ bằng cách sử dụng các tên lửa đẩy Proton-M và Angara thế hệ mới để đưa người và các mô đun lên phục vụ việc xây dựng, còn Moscow tuyên bố họ sẽ chỉ tham gia nếu có vị trí ngang bằng Mỹ trong dự án.

Hiện vẫn chưa rõ quy mô và cách thức hoạt động của trạm không gian Mặt trăng mà Nga muốn triển khai cùng Trung Quốc. Mỹ cũng chưa thông tin về cách họ sẽ xây dựng trạm Mặt trăng khi thiếu sự hỗ trợ của người Nga.

Thiện Nhân

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vu-khi-chien-tranh/huy-du-an-voi-my-nga-xay-tram-mat-trang-cung-trung-quoc-604122/